Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh

Chí Kiên| 29/06/2018 07:08

(HNM) - Thực tế thời gian qua cho thấy còn nhiều bất cập và hạn chế về cơ sở pháp lý, nhận thức, sự quan tâm và hiệu lực, hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.


Mặc dù đã có những cố gắng và đạt những kết quả nhất định nhưng nhìn chung, quyền của người tiêu dùng vẫn bị xâm hại ở nhiều mức độ khác nhau. Tại Hà Nội, tỷ lệ thuận với số dân đông, số vụ vi phạm quyền người tiêu dùng cũng lớn, nằm trong tốp đầu cả nước. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 14.752 vụ, xử lý 12.410 vụ; khởi tố 62 vụ với 70 bị can... buôn lậu, làm hàng giả, cho thấy, "cuộc chiến" bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn vô cùng khó khăn, phức tạp. Điển hình như câu chuyện mũ bảo hiểm rởm, người tiêu dùng vẫn nhắm mắt làm ngơ sử dụng, bất chấp có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng. Trong khi, cơ quan chức năng dường như vẫn bất lực trước việc sản xuất, lưu thông, mua bán mặt hàng rởm này.

Vấn đề đặt ra là người tiêu dùng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro nhưng lại chấp nhận sử dụng hàng rởm (như câu chuyện mũ bảo hiểm trên) như việc bình thường; hoặc khi quyền lợi bị xâm hại lại chọn im lặng, ngại khiếu nại do không biết hoặc do thủ tục rườm rà. Rất nhiều người chấp nhận thiệt thòi khi mua phải hàng rởm. Sự "âm thầm" chịu đựng này vô tình "tiếp tay" cho những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, thiếu tôn trọng khách hàng để thu lời bất chính; là cơ hội để hàng giả, hàng kém chất lượng có "đất" tái diễn.

Thêm nữa, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, trên thị trường đang xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới như bán hàng online, mua hàng từ nước ngoài qua giao dịch điện tử... Bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận thì đây là môi trường phát sinh không ít hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày một tinh vi và phức tạp.

Có thể thấy, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp tích cực, chặt chẽ của các ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp chân chính cũng như chính bản thân người tiêu dùng. Trước tiên, người tiêu dùng phải được trang bị đầy đủ các kiến thức có liên quan để tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Đặc biệt, cần khuyến khích doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại và chú trọng đạo đức kinh doanh; quy chuẩn và minh bạch hóa các chỉ tiêu chất lượng hàng hóa, hợp đồng giao kết, bảo hành sản phẩm, giải quyết khiếu nại, thu hồi sản phẩm lỗi…, đồng thời phát triển các dịch vụ hậu mãi thân thiện, tiện lợi, chất lượng cao.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cần tăng cường năng lực thể chế bảo vệ quyền người tiêu dùng; điều chỉnh và cụ thể hóa các chính sách, cơ chế hoạt động, quy trình tiếp nhận, xử lý tranh chấp giữa người tiêu dùng và người cung cấp hàng hóa; luật hóa các tiêu chuẩn chất lượng và các “hàng rào kỹ thuật” quốc gia... Công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần được tăng cường nhằm nhận diện đúng và kịp thời xử lý hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực này. Ngoài ra, cần phát huy tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khuyến khích thành lập và giới thiệu các tổng đài, số điện thoại nóng, các trang tin và văn phòng cung cấp thông tin hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm chất lượng; tăng cường kết nối, cập nhật thông tin pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Nâng cao trách nhiệm các bên bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính là hành động thiết thực thúc đẩy tiêu dùng, tăng năng lực sản xuất và phát triển kinh tế, đồng thời mang lại uy tín và tạo bệ phóng cho doanh nghiệp phát triển, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.