Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để tụt hậu!

Nữ Quỳnh| 01/07/2018 06:55

(HNM) - Chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đã đi được một chặng đường khá dài. Theo mục tiêu đặt ra trong Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”, đến nay toàn thành phố đã có 4/18 huyện, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...


Xây dựng nông thôn mới, cùng với hạ tầng được nâng cấp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Nông nghiệp Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng tự hào và khởi sắc, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tích cực, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế tăng mạnh. Thu nhập bình quân trên 1ha là 239 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người là 38 triệu đồng/năm… Hà Nội được Trung ương đánh giá là địa phương đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.

Điểm lại thành tựu chặng đường xây dựng nông thôn mới những năm qua để thấy được những nỗ lực của cả chính quyền và chính người nông dân Thủ đô. Nhưng ngày nay, từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đã và đang tiến mạnh vào nông nghiệp 4.0, lấy tri thức, sức mạnh khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất lao động, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, tạo ra những thế hệ nông dân mới.

Khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 4 mục tiêu được xác định là đòn bẩy, gồm: Điện - đường - trường - trạm. Nhưng, đứng trước sự biến đổi nhanh chóng của khoa học, chúng ta cần có một chiến lược để đưa tri thức về tận xóm làng. Phải làm sao để hàng triệu nông dân được tiếp cận với tri thức và công nghệ mới, khuyến khích bà con đổi mới sáng tạo, thay đổi quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Trong cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với nông dân Thủ đô hồi tháng 2-2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Thành phố đã có trên 100 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hơn 70 chuỗi liên kết, song nhìn chung sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chế biến thô sơ. Thu nhập trên 1ha canh tác của Hà Nội tuy có cao hơn so với cả nước, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy, mục tiêu của ngành Nông nghiệp Thủ đô là phải tăng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng tới xuất khẩu, không tự hài lòng để “dậm chân tại chỗ”.

Tuy nhiên, với thực trạng của ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung hiện nay, có thể thẳng thắn nhìn nhận chúng ta chưa có mô hình nông nghiệp 4.0, mà thực tế mới chỉ dừng ở vận dụng thành phần khoa học - công nghệ cao vào sản xuất. Do đó, đến lúc phải coi phát triển nông nghiệp công nghệ cao là khâu then chốt, bước đột phá và xuyên suốt trong mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Về vĩ mô, để xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra đường lối phát triển nông nghiệp, được cụ thể hóa trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII, như: Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ sinh học…

Muốn vậy, chúng ta phải chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” với một hàm lượng tri thức không chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân là hướng đi đúng và đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Song cần có sự cập nhật để phù hợp với từng bối cảnh. Lúc này, để phát triển nông nghiệp cần có hệ sinh thái để thúc đẩy nông dân khởi nghiệp. Người dân được hỗ trợ sức mạnh công nghệ, tiếp cận tri thức làm động lực cho sự đổi mới sáng tạo mạnh mẽ và bền vững. Việc này cần thiết phải làm sớm để không bị tụt hậu! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để tụt hậu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.