Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nền tảng phát triển bền vững

Tuấn Kiệt| 09/07/2018 07:16

(HNM) - Tài nguyên nước là cốt lõi của phát triển bền vững, có vai trò quan trọng quyết định sự tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Dưới góc độ xã hội - số lượng, chất lượng nước sinh hoạt của người dân có ý nghĩa rất lớn khi

Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi sự cải thiện rất lớn trong việc quản lý, khai thác nguồn nước sạch. Những năm qua, cùng với việc mở rộng về địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện. Việc chăm lo đời sống người dân được thành phố đặc biệt quan tâm, trong đó vấn đề nước sạch được coi là một ưu tiên trong quá trình phát triển.

Ngày 20-12-2017 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu: Đến năm 2020, tỷ lệ dân cư đô thị trung tâm được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn Bộ Y tế đạt 100%, với tiêu chuẩn dùng nước 150-160 lít/ngày; tỷ lệ dân cư đô thị vệ tinh đạt 90-100% với tiêu chuẩn dùng nước 120-140 lít/ngày. Và ngày 11-6-2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong phát triển hệ thống nước sạch, với mục tiêu đến năm 2020 có 100% người dân khu vực đô thị và nông thôn được sử dụng nước sạch với cùng một tiêu chuẩn; giảm khai thác nước ngầm, giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch, bảo đảm phát triển bền vững nguồn tài nguyên này.

Thành phố cũng yêu cầu các nhà đầu tư hoàn thiện quy trình quản lý, vận hành, rà soát; thực hiện bổ sung hệ thống lọc nước đạt tiêu chuẩn nước sạch uống tại vòi; hoàn thiện đấu nối cấp nước bổ sung cho các hộ dân có nhu cầu trong khu vực các dự án đã đầu tư xây dựng mạng cấp nước với lộ trình thực hiện đến năm 2020; các công ty kinh doanh nước sạch bổ sung công nghệ xử lý nước hiện đại, thay thế đường ống đã xuống cấp bảo đảm chất lượng nước cấp từng bước đạt tiêu chuẩn uống tại vòi…

Có lẽ ai cũng hiểu, nước sạch chính là sự sống của con người. Thế nhưng, nước sạch lại là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn và hiện nay với tốc độ gia tăng dân số nhanh, nguồn tài nguyên này ngày càng trở nên khan hiếm. Trong khi, không phải ai cũng quan tâm đến vấn đề bảo vệ và phát triển nguồn nước sạch. Trên thực tế, tình trạng lãng phí, ô nhiễm nguồn nước diễn ra ngày một nghiêm trọng hơn. Tại Hà Nội, mặc dù đã rất cố gắng nhưng tình trạng thiếu nước sạch vẫn xảy ra, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thực tế này đặt ra nhiều vấn đề không chỉ với công tác tổ chức, quản lý nguồn nước sạch mà còn với ý thức của mỗi người dân.

Khi nguồn nước sạch còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì việc sử dụng thiếu kiểm soát sẽ gây áp lực với thành phố, buộc phải đầu tư hệ thống khai thác và cung cấp nước. Với một địa bàn rộng lớn như Thủ đô Hà Nội thì đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Việc phát triển mạng lưới cấp nước sạch phủ hết các khu vực nông thôn cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, cùng một nỗ lực rất lớn.

Hiện nay, một trong các biện pháp để bảo vệ nguồn nước chính là nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng. Bảo vệ nguồn nước bằng ý thức tiết kiệm nước được coi là hiệu quả. Bên cạnh đó, mỗi người dân, doanh nghiệp cần có ý thức không làm ô nhiễm nguồn nước mặt, không khai thác bừa bãi nước ngầm. Quá trình lâu dài và khó khăn này nếu có sự chung tay của cộng đồng và chính quyền thành phố thì chắc chắn sẽ đạt được những mục tiêu đề ra. Cần ý thức rằng, bảo vệ nguồn nước sạch là trách nhiệm của tất cả mọi người, nhằm bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.