Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bỏ thói quen có hại

Dục Tú| 29/01/2019 06:40

(HNM) - Người xưa đúc kết: “No ba ngày Tết, đói ba tháng hè”, “Đói cho chết, ngày Tết cũng phải no”, ý chỉ tầm quan trọng và sự khác biệt của Tết Nguyên đán so với ngày thường nhưng cũng là nói về sự chi tiêu quá mức trong dịp Tết dù gia đình quanh năm sống trong cảnh chật vật. Người ta thiếu đói cỡ nào thì tới ba ngày Tết cũng phải chạy vạy bằng được để có cơ hội ăn no, ăn ngon.


Tuần này, đã là những ngày cuối cùng của năm Mậu Tuất. Năm mới Kỷ Hợi 2019 đã ở rất gần, đâu đó quanh câu chuyện sắm Tết, đón xuân thường trực trong mỗi gia đình. Từ nhà ra phố, từ trung tâm thương mại cho tới “chợ cóc” gần nhà, dễ thấy đa số gia đình người Việt vẫn vậy, tâm lý “no ba ngày Tết”… còn ngự trị dù cái đói không còn là nỗi ám ảnh và miếng ăn giờ là nhu cầu được xếp sau nhiều điều khác.

Người Việt mua thực phẩm để “ăn Tết”, làm sao để trong ba ngày đầu năm mới trong nhà luôn đủ đầy, muốn gì cũng có và coi đó là một trong những điềm báo về một năm sung túc, nhiều may mắn. Bởi vậy, dù là gia đình vệ tinh hay tứ đại đồng đường, giàu có hay phải đắn đo chi tiêu hằng ngày thì cũng không thể thiếu bánh chưng, nem, giò, măng, miến, gà, mứt, rau xanh, rượu, bia, chưa kể các loại bánh kẹo, hoa quả… Họ thường mua nhiều, thậm chí là quá nhiều, gọi là tích trữ thì đúng hơn, không nghĩ quá nhiều đến việc những thứ mua về không dùng hết có thể bị ôi thiu, trở thành nguồn bệnh.

Thời nay, cuộc sống khá hơn trước nhiều, cảnh thiếu đói đã ở lại phía sau đa số gia đình Việt Nam nhưng việc “vung tay quá trán” trong dịp Tết vẫn là điều phổ biến. Có thể nói rằng lãng phí và nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn là hai điều gắn liền với cách “ăn Tết” hiện nay, dù chúng ta đã bước sang thế kỷ XXI được 20 năm. Cách mua sắm đã có sự chuyển hướng, đặc biệt rõ ở khu vực đô thị, từ chạy theo số lượng chuyển sang coi trọng chất lượng, nhưng số thực mua vẫn vượt nhu cầu. Nhiều gia đình chưa kịp “tiêu thụ” hết số thực phẩm được chuẩn bị cho cả kỳ nghỉ dài ngày đã vội lên đường du xuân 3-4 ngày liền ở nơi xa. Đồ ăn cả sống lẫn chín giao cả cho… tủ lạnh; đến khi về, vì tiếc của hoặc vì thiếu hiểu biết, lại đem đồ ăn cũ ra xào nấu lại, vừa không ngon miệng vừa dễ rước bệnh vào người. Lãng phí đủ bề, cả tiền bạc và sức khỏe.

“Bệnh” tiêu pha lãng phí cá nhân thể hiện trong việc sắm Tết không có thuốc đặc trị, không có chế tài, chỉ có thể thuyên giảm khi con người hiện đại thay đổi nhận thức. Muốn có được sự thay đổi đó thì cần thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền - về tác hại của việc tiêu pha thiếu khoa học, lãng phí và mối nguy hiểm đối với sức khỏe từ việc tích trữ quá nhiều thực phẩm trong dịp Tết. Gần đây báo chí đã chủ động thông tin về vấn đề này, nhưng không phải ai cũng tiếp cận được với thông tin đó. Bởi vậy, cần có giải pháp bổ trợ để đưa thông tin cần thiết đến với mọi gia đình, như là lồng ghép thông tin trong những buổi sinh hoạt của các hội, đoàn thể; tăng cường việc thực hiện các chương trình chuyên đề liên quan trên truyền hình, đưa thông tin cảnh báo trên mạng xã hội…

Lãng phí, dù công sản hay tài sản riêng thì cũng gây mất mát cho xã hội, nhất là khi kèm theo đó cả nguy cơ bệnh tật, như người ta nói “tiền mất, tật mang”. Bởi thế, trên tất cả, cần phải coi sự lãng phí thể hiện trong dịp Tết của mỗi gia đình là vấn đề chung của xã hội, không thể lơ là. Tiếp cận vấn đề từ góc nhìn đúng đắn thì mới có thể đưa ra cách tuyên truyền, vận động phù hợp, đủ mức cần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ thói quen có hại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.