Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn Hà Nội

Đình Hiệp| 04/03/2019 06:35

(HNM) - Có lẽ chưa bao giờ Hà Nội lại trở thành tâm điểm và tạo dấu ấn quốc tế như những ngày cuối tháng hai vừa qua. Dấu ấn đầu tiên, có lẽ, là quan trọng nhất khi Việt Nam - Hà Nội được Hoa Kỳ và Triều Tiên chọn làm nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh sau khi cân nhắc giữa 3 địa điểm rút gọn. Đó là sự tin tưởng!


Thời gian gấp gáp. Vậy mà Hà Nội đã đáp ứng đủ điều kiện cần thiết không chỉ cho hai bên mà cho cả hơn 2.600 phóng viên đến từ 218 hãng thông tấn trên thế giới. Điều đó đã được cộng đồng phóng viên quốc tế và lãnh đạo Hòa Kỳ, Triều Tiên khẳng định. Đó là dấu ấn thứ 2.

Cùng với những tin tức, hình ảnh về diễn biến Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, hình ảnh về đất nước Việt Nam, Thủ đô Hà Nội thanh bình, văn minh, hiếu khách... đã được các hãng thông tấn quốc tế dành thời lượng lớn để truyền tải tới khắp năm châu. Đó là dấu ấn thứ 3, truyền đi thông điệp hòa bình từ “Thành phố Vì hòa bình”, từ đất nước yêu chuộng hòa bình và đã từng phải mất mát, hy sinh rất lớn để có được hòa bình.

*
* *

Dưới góc nhìn của các chuyên gia, có nhiều lý do để Việt Nam vượt qua một số ứng cử viên khác trở thành điểm đến cho Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều lần thứ hai. Trong đó, đáng chú ý là việc Việt Nam đã tổ chức rất thành công các sự kiện quốc tế có tầm khu vực và toàn cầu, tỏ rõ khả năng bảo đảm an ninh, hậu cần và kỹ thuật cho các sự kiện có nhiều yếu tố phức tạp, nhạy cảm và khó khăn như tính chất mối quan hệ Hoa Kỳ - Triều Tiên.

Với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, vai trò và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Không ngừng chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam ngày càng đóng góp tích cực và hiệu quả vào tiến trình giải quyết các vấn đề quốc tế với khả năng đối thoại, kết nối, hòa đồng rất cao.

Cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên đã tạo một dấu mốc lịch sử về vai trò, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam. Nếu như trong chiến tranh, Hà Nội được ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, thì giờ đây Hà Nội trở thành nơi kiến tạo hòa bình.

Qua sự kiện này, chúng ta đã truyền đi khắp thế giới cảm hứng về một Thăng Long - Hà Nội nghìn năm lịch sử - một Thủ đô văn hiến, anh hùng, hòa bình và hữu nghị. Với những gì đã làm được trên cương vị nước chủ nhà cho cuộc gặp đặc biệt này, chúng ta hoàn toàn tự hào rằng, Việt Nam sẽ trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều vấn đề quốc tế, điểm đến an toàn cho các hội nghị quốc tế lớn của khu vực cũng như toàn cầu trong tương lai.


*
* *

Đàm phán hòa bình chưa bao giờ là việc đơn giản. Điều đó đã được khẳng định trong lịch sử phát triển nhân loại, nhất là trong sự phức tạp của thế giới hiện đại. Sự thành bại hoàn toàn phụ thuộc vào phạm vi nội dung vấn đề, mục tiêu và yêu cầu của mỗi bên khi đàm phán chứ không phải tác động từ bên ngoài, dù yếu tố ngoại cảnh luôn tạo sự tin tưởng, cảm hứng cho các bên.

Việt Nam, Hà Nội đã rất nỗ lực để khẳng định niềm tin của hai bên đặt vào đất nước, "Thành phố Vì hòa bình" là đúng đắn, nhất là khi nước đăng cai thể hiện rất rõ nỗ lực kiến tạo hòa bình. Điều đó đã được hai nhà lãnh đạo và phóng viên quốc tế thừa nhận, khẳng định. Hình ảnh về một Hà Nội, Việt Nam thanh bình, thân thiện, mến khách…. được lan truyền trên khắp thế giới qua phản ánh của các phóng viên quốc tế là minh chứng rõ nét.

Thông thường, để quảng bá hình ảnh về Hà Nội, Việt Nam trên các hãng truyền thông lớn của thế giới, chúng ta phải bỏ ra hàng triệu USD, nhưng cũng chỉ được vài giây, vài phút. Thế nhưng, với những hình ảnh phát đi từ 218 hãng thông tấn đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày - người dân trên thế giới sẽ biết đến Hà Nội, Việt Nam nhiều hơn.

Hiệu ứng lan tỏa càng nhanh hơn khi các phóng viên quốc tế trực tiếp trải nghiệm, tham quan các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội, chứng kiến những ứng xử đẹp, thân thiện, những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, ẩm thực… Đó là thành quả vô giá mà có nhiều tiền cũng chưa chắc đã làm được chỉ khi có được sự đồng cảm với nhau.


*
* *

Dấu ấn đã rõ, nhất là tinh thần trách nhiệm của công dân Thủ đô - “Thành phố Vì hòa bình”, trong những ngày diễn ra sự kiện, dù nhiều tuyến đường bị cấm hoặc hạn chế lưu thông nhưng người dân luôn tự giác chấp hành, không lấn chiếm vỉa hè, ứng xử văn minh, thân ái, tạo nên hình ảnh đẹp về Hà Nội trong mắt bạn bè quốc tế. Với những hành động thiết thực đó, mỗi người dân Hà Nội đã thực sự trở thành sứ giả của hòa bình, của một thành phố hòa bình.

Một Hà Nội đẹp hơn trong mắt du khách quốc tế, níu giữ họ ở lại lâu hơn, khiến họ không chỉ quay lại một lần mà nhiều lần nữa khi mỗi người dân Thủ đô biết phát huy những nét văn minh, văn hóa như những ngày diễn ra sự kiện. Đó là không xả rác nơi công cộng, không “chặt chém” du khách, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán hay trông giữ xe, nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ.... Tinh thần đó cần và phải tiếp tục được duy trì, phát huy để thể hiện dấu ấn ngày càng sâu đậm trong cộng đồng quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.