Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chờ đợi bước chuyển thực chất

Hoàng Lê| 11/04/2019 10:47

(HNMCT) - Tuần vừa qua, thêm một điều không ai mong muốn đã xảy ra tại tỉnh Hưng Yên. Một bé trai 7 tuổi ở huyện Kim Động trên đường về nhà trọ đã bị đàn chó dữ lao vào cắn. Bé trai tử vong dù đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu.


Câu chuyện thương tâm nói trên có nhiều điều khiến người lớn chúng ta phải suy nghĩ. Đầu tiên, và quan trọng nhất, là sự việc đau lòng diễn ra trong bối cảnh việc nuôi chó thả rông bị dư luận xã hội lên án gay gắt; Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y và hành vi thả rông chó mà không đeo rọ mõm, để chó cắn người là vi phạm pháp luật. Chủ nuôi chó ở huyện Kim Động, một đàn chứ không phải một con, đã thả chó tự do trong một khoảng thời gian dài mà không chịu áp lực đủ lớn từ chính quyền địa phương và người dân để điều chỉnh hành vi rành rành là vi phạm quy định của pháp luật. Bởi vậy, khi sự việc xảy ra, lỗi lầm không chỉ thuộc về chủ của đàn chó, mà còn thuộc về cán bộ địa phương nữa.

Nếp sống, lối sống, văn hóa ứng xử, trách nhiệm xã hội của mỗi công dân thể hiện qua những việc cụ thể trong cuộc sống hằng ngày. Luật pháp, những văn bản dưới luật đi vào cuộc sống, có phát huy hiệu quả hay không, điều đó được thể hiện qua thái độ chấp hành quy định, chất lượng công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện luật chứ không phải lời nói hưởng ứng chung chung.

Chúng ta đã chứng kiến một “chiến dịch” truyền thông sôi nổi vào cuối năm 2017, khi Nghị định 90/2017/NĐ-CP được ban hành, nhưng không thấy được sự duy trì phản ứng thường trực đủ mạnh đối với những người có thói quen thả rông chó. Trên phố, trong khu dân cư, những khu nhà ở cao tầng vẫn thường xuyên xuất hiện cảnh chó được thả rông mà không có chủ nuôi đi cùng, không xích giữ mà cũng không có rọ mõm như quy định. Những người làm sai thường không bị nhắc nhở, nói gì đến việc bị xử phạt hành chính dù quy định đã có.

Bằng cách thể hiện đó, chính quyền địa phương và nhiều cộng đồng dân cư dường như đã chọn cách “sống chung với vi phạm”, một cách thể hiện không chỉ thiếu trách nhiệm với xã hội mà còn thiếu trách nhiệm với bản thân và gia đình mình.

Cháu bé ở Hưng Yên bị chó cắn vào ngày 3-4, ba ngày sau lại có tin một nhân viên khi tới khu dân cư ở thành phố Hồ Chí Minh để thu tiền sử dụng nước đã bị chó cắn, bị chủ nuôi chó tấn công... Những vụ việc gây rắc rối liên quan tới vật nuôi sẽ tiếp tục diễn ra nếu chúng ta không thay đổi cách ứng xử của mình đối với hành vi sai phạm. Thờ ơ với những gì diễn ra quanh mình, chỉ ồ lên khi có người bị thương, thậm chí thiệt mạng vì bị chó cắn, đó không phải là cách ứng xử đúng đắn trong xã hội hiện đại, khi mà tinh thần thượng tôn pháp luật luôn phải được đề cao.

Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là một phong trào rộng khắp, không chỉ hướng tới mục tiêu tạo ra môi trường văn hóa trong lành ở cơ sở, nâng cao chất lượng sống, mà còn nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, hình thành thói quen ứng xử thiện lành của người dân, bài trừ hủ tục, bãi bỏ thói quen có hại.

Phong trào đã bám rễ ở từng khu dân cư, đúng nghĩa “rà tận ngõ, gõ tận xóm”, nhưng những bản báo cáo “đẹp” sẽ mất sức thuyết phục nếu những “sự cố” tưởng chừng là nhỏ không được quan tâm giải quyết triệt để. Những gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa không xứng đáng nhận lại danh hiệu này nếu các thành viên thờ ơ trước sự xấu diễn ra quanh mình.

Cháu bé ở Hưng Yên đã mất, để lại cho đời bài học đắt giá. Sự tiếc thương, thái độ giận dữ cần được chuyển hóa thành hành động xứng đáng, tạo ra bước chuyển thực chất về trách nhiệm công dân, trách nhiệm thực thi công vụ. Nếu không, dù có ồn ã tỏ bày bao nhiêu đi nữa thì chúng ta vẫn không khác gì người vô cảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chờ đợi bước chuyển thực chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.