Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo động lực chuyển đổi

Nữ Quỳnh| 15/04/2019 06:22

(HNM) - Theo thống kê, hiện nay khu vực doanh nghiệp Việt Nam có hơn 700 nghìn doanh nghiệp đóng góp khoảng 8% GDP, trong khi hơn 5 triệu hộ kinh doanh đóng góp 30% GDP tạo ra khoảng 10 triệu việc làm cho nền kinh tế. Chính phủ đã đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ có một triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Và một trong những giải pháp trọng yếu biến mục tiêu này thành hiện thực là việc khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp.

Mặc dù hầu hết hộ kinh doanh đều nhận thức được việc chuyển sang mô hình doanh nghiệp sẽ có thêm điều kiện tiếp cận vốn, tận dụng được nguồn lực và các hỗ trợ khác từ Nhà nước dễ dàng hơn…, thế nhưng câu chuyện chuyển đổi mô hình cho thành phần kinh tế này lại không hề đơn giản do các chủ thể kinh doanh không muốn. Với tâm lý buôn bán nhỏ lẻ, kinh doanh theo khả năng và không cần nhiều kỹ năng, kiến thức quản lý kinh tế, đa số người kinh doanh cá thể không muốn phải chịu nhiều ràng buộc pháp lý cũng như bỏ thêm chi phí. Thực tế hiện nay hộ kinh doanh vẫn đang có những lợi thế nhất định so với doanh nghiệp.

Theo thông tin được đưa ra tại cuộc tọa đàm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hồi đầu tháng, thời gian và chi phí khởi sự của doanh nghiệp mất ít nhất 24 ngày, còn khi muốn rút khỏi thị trường mất 60 tháng. Trong khi đó, hộ kinh doanh chỉ đóng thuế môn bài, nộp kê khai hoặc thuế khoán, không phải đóng VAT, thu nhập cá nhân hoặc thu nhập doanh nghiệp. Việc làm hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập, lệ phí thành lập chỉ bằng 50% lệ phí thành lập doanh nghiệp; chỉ có 6 loại sổ sách kế toán so với vài chục loại của doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Có thể thấy, vấn đề lớn nhất làm giảm nhu cầu lên doanh nghiệp của các hộ kinh doanh là do cơ chế, chính sách, môi trường pháp lý chưa cho họ thấy được những thuận lợi, lợi ích đáng kể so với những gì họ đang làm. Nhiều người kinh doanh e ngại khi trở thành doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì chi phí tuân thủ trên lợi nhuận, doanh thu tăng lên, kèm theo đó là những phần việc bắt buộc như mở sổ sách, thuê kế toán, báo cáo tài chính, bảo hiểm, công đoàn, phòng cháy chữa cháy... cũng “ngốn” thêm một phần chi phí.

Vì vậy, để khuyến khích các cá nhân, hộ kinh doanh chuyển sang mô hình doanh nghiệp thì thay vì tìm cách quản chặt hơn, cần tạo khuôn khổ pháp lý để nâng đỡ. Xây dựng nội dung, cơ sở pháp lý để tạo đà phát triển khu vực hộ kinh doanh, tối đa hóa nguồn lực đầu tư, gỡ bỏ những gì đang cản trở tự do kinh doanh. Cơ quan quản lý xây dựng lộ trình cụ thể, với những mục tiêu chuyển đổi phù hợp với từng giai đoạn.

Trước mắt, cần có giải pháp động viên 3,4 triệu hộ chưa đăng ký phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh, rồi có sự phân loại hộ kinh doanh theo quy mô. Với những hộ kinh doanh lớn thì khuyến khích chuyển sang mô hình doanh nghiệp, hộ nhỏ chủ yếu đáp ứng nhu cầu kinh tế nuôi sống gia đình có thể quản lý theo cách truyền thống, tạo điều kiện để họ phát triển kinh tế, khi đủ điều kiện mới đặt vấn đề chuyển đổi.

Cải cách môi trường kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là một vấn đề quan trọng trong quá trình thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Phải làm sao để các hộ kinh doanh thấy được lợi ích nhiều hơn chi phí, thuận lợi nhiều hơn rào cản thì họ mới có động lực để chuyển đổi...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo động lực chuyển đổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.