Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trách nhiệm của chính quyền và người dân

Tuấn Kiệt| 23/04/2019 06:25

(HNM) - Thoát nước mùa mưa, chống ngập úng vẫn là câu chuyện dài của các đô thị, trong đó có Hà Nội. Mặc dù thành phố đã đầu tư lớn để ngày càng hoàn thiện hệ thống thoát nước, nhưng vẫn còn những điểm ngập. Thông tin mới nhất được Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cung cấp hôm 19-4 cho thấy, đến nay khu vực nội đô còn 13


Đã có nhiều ý kiến cho rằng, để giải bài toán ngập lụt ở Hà Nội phải bắt đầu từ vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, đồng thời với việc tăng cường cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, tận dụng các khu vực bãi cỏ, thảm hoa, tòa nhà xanh, những địa điểm thuận lợi xây dựng bể chứa nước. Bởi tình trạng úng ngập trên các tuyến phố của Thủ đô mỗi khi mưa lớn là do năng lực hệ thống thoát nước còn hạn chế. Đây là vấn đề mang tính cốt lõi vì chính sự phát triển nhanh chóng, thiếu cân đối của đô thị đã làm ảnh hưởng tới năng lực của hệ thống thoát nước đô thị.

Tuy nhiên, luận giải vấn đề này không thể không nói đến các nguyên nhân thứ yếu nhưng cũng giữ vai trò đặc biệt quan trọng, đó chính là trách nhiệm của chính quyền địa phương và ý thức của người dân. Trên thực tế, hệ thống thoát nước tuy đã được cải thiện nhưng khả năng kết nối giữa các khu vực tới các kênh mương còn bị cản trở mà nguyên nhân chính bắt đầu từ các hoạt động trong dân cư, phổ biến như đất cát từ các công trình, việc xả rác bừa bãi, tình trạng lấn chiếm kênh mương và các dòng sông, làm cản trở dòng chảy... Sự tham gia của người dân có đóng góp rất quan trọng.

Ở nội đô, hiện nay nhiều địa phương đang duy trì các tổ phụ nữ, thanh niên “tự quản” các tuyến đường phố. Do đó, cần phát huy vai trò của lực lượng này trong công tác bảo vệ sự thông thoáng của hệ thống thoát nước. Mỗi người dân phải có ý thức bảo vệ hệ thống hạ tầng, giữ gìn sạch sẽ, không vì lợi ích riêng hay một chút tiện lợi làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước.

Ngoài ra, phải phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý nguồn thải, bao gồm cả nước và rác. Nếu chính quyền địa phương sát sao, tăng cường quản lý, nhắc nhở, xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm thì nguy cơ này sẽ sớm được ngăn chặn. Đặc biệt hiện nay tình trạng vi phạm từ các công trình xây dựng rất phổ biến mà chưa được xử lý rốt ráo.

Khi đô thị hóa phát triển mạnh, nhiệm vụ thoát nước không chỉ đòi hỏi thoát nhanh mà còn phải thoát nước bền vững, an toàn. Như vậy, về tổng thể, cần quy hoạch và quản lý thực hiện tốt quy hoạch, không chỉ về thoát nước mà cả về phát triển đô thị, bố trí dân cư, công viên, hồ ao hợp lý, bởi lẽ việc bê tông hóa với mật độ quá cao cũng ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng thẩm thấu xuống lòng đất, trữ nước tại chỗ. Đó còn là việc bảo vệ, khơi thông các tuyến sông quan trọng như sông Nhuệ, Đáy... ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, xâm hại dòng chảy để bảo đảm khả năng tiêu thoát, nhất là khi đòi hỏi phải bơm tiêu chủ động chống ngập úng.

Vẫn biết giải bài toán chống ngập úng không thể trong một sớm một chiều. Nhưng dù khó khăn thế nào thì chúng ta cũng cần có sự đồng bộ, từ quy hoạch của thành phố, trách nhiệm của các đơn vị thoát nước, đến phát huy trách nhiệm của chính quyền cơ sở và cả vai trò của người dân. Nước sẽ thoát khi “tất cả các dòng sông đều chảy”...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm của chính quyền và người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.