Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để chuyển biến mang tính thực chất

Minh Thúy| 23/05/2019 06:27

(HNM) - Năm 2019, cả nước có 234.000 thí sinh trong số 887.000 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia chỉ để xét công nhận tốt nghiệp (chiếm gần 27%).


Tương tự, con số này của năm 2018 là 237.354/925.000 thí sinh... Đó là một trong những tín hiệu khiến nhiều người cho rằng, công tác phân luồng học sinh sau THPT đã phát huy tác dụng và tình cảnh “thừa thầy, thiếu thợ” sẽ được cải thiện trong tương lai không xa.

Thực tế hiện nay, số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng khi ra trường phải làm trái ngành, trái nghề được đào tạo khá nhiều. Trong khi đó, thị trường lao động lại khó tìm được "thợ" có tay nghề cao... Sự mất cân đối đó đã khiến một bộ phận học sinh tốt nghiệp THPT đã có định hướng mới, tìm đến những trường nghề phù hợp, thay vì chỉ nhắm vào mục tiêu học đại học.

Song, tỷ lệ gần 27% thí sinh thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp nêu trên hoàn toàn không phải chỉ để học nghề. Từ năm 2016, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường đại học được phép tuyển sinh bằng xét học bạ thì số trường xét tuyển theo hình thức này ngày càng nhiều và số thí sinh đăng ký cũng gia tăng cho dù còn nhiều người băn khoăn về chất lượng đầu vào. Có lẽ vì thế, nhiều trường đại học tốp đầu ở nước ta vẫn chưa chấp nhận cho dù đây là hình thức tiên tiến, được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Như vậy, số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT được phân luồng theo 2 hướng chủ yếu: Hoặc chọn học nghề hoặc học tiếp đại học bằng con đường xét học bạ. Vậy, chuyển biến này có ý nghĩa không?

Trước tiên phải khẳng định, chuyển biến này là ý nghĩa, góp phần giảm tải cho kỳ thi THPT và áp lực học tập cho học sinh, song để hiệu quả thì cần thêm nhiều yếu tố quan trọng.

Với công tác phân luồng học sinh học nghề, hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần công khai rộng rãi về số học sinh tốt nghiệp THPT chọn học nghề; số học sinh sau học nghề có việc làm và thu nhập... Bởi, đó chính là cơ sở để thuyết phục phụ huynh, học sinh có cách nhìn nhận đúng, thấy được giá trị của học nghề và có lựa chọn phù hợp khi tốt nghiệp THPT.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Các bộ, ngành liên quan cần chú trọng xây dựng trang thông tin về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông. Đồng thời hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và thông tin tuyển dụng, sử dụng lao động của từng ngành, nghề tương ứng với mỗi vùng, miền, khu vực...

Còn với luồng thí sinh tiếp tục học đại học theo con đường xét học bạ, theo lý thuyết, đây là phương pháp xét tuyển tiên tiến, ít tốn kém cho xã hội, mang tính toàn diện và công bằng... Tuy nhiên, phương pháp này chỉ hiệu quả khi môi trường học tập được duy trì nghiêm túc, khách quan, không có chuyện can thiệp, làm “đẹp” học bạ. Muốn vậy, các trường THPT trên cả nước phải đồng đều về chất lượng và kết quả học tập của học sinh phải mang tính thực chất. Chỉ khi học bạ là thước đo chuẩn xác về học lực của học sinh thì việc tuyển sinh đại học qua cuốn sổ này mới đạt được ý nghĩa như mong muốn...

Phải xét toàn diện các vấn đề liên quan, nhìn rõ bản chất của việc học sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp, từ đó mới có bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THPT như mục tiêu của Quyết định số 522/QĐ-TTg (ngày 14-5-2018) của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để chuyển biến mang tính thực chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.