Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ bỏ “văn hóa thuốc lá"

Hà Anh| 06/06/2019 10:45

(HNMCT) - Cuối tuần qua, cả nước có nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày Thế giới không hút thuốc lá” và “Tuần lễ quốc gia không hút thuốc lá”. Như tại Hà Nội đã diễn ra mít tinh với sự góp mặt của các tuyển thủ trẻ Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng trong vai trò đại sứ truyền thông.


Cùng ngày 31-5, hơn 1.000 sinh viên đại học ở Hà Nội đã ký cam kết không sử dụng thuốc lá - sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá”... Đáng chú ý, cùng với mít tinh, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng và duy trì mô hình “Môi trường không khói thuốc” tại các cơ quan hành chính, nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện, đồng thời triển khai “Điểm du lịch không khói thuốc” tại một số di tích như đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long...

Những động thái trên đã dấy lên hy vọng rằng nỗ lực của ngành Y tế cũng như cộng đồng sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tác hại của thuốc lá. Thế nhưng, không ít người vẫn hoài nghi về hiệu quả tích cực của chiến dịch này, cho rằng sẽ lại “đánh trống, bỏ dùi” như nhiều đợt “ra quân” trước.

Những lo ngại trên không phải là không có cơ sở. Bởi từ rất lâu ở nước ta dường như đã tồn tại một thứ “văn hóa thuốc lá”. Hành vi hút thuốc lá phổ biến trong giao tiếp xã hội, đến mức đã hình thành những câu truyền miệng như "Điếu thuốc, miếng trầu mở đầu câu chuyện”, "Sông Cầu còn lâu mới tiếp”, “Ba số năm vừa nằm vừa ký”, “Sa mít nói ít hiểu nhiều”... Từng có thời bao thuốc “555” còn trở thành một trị giá khi phải “lo lót”, “chạy chọt” việc gì đó. Hút thuốc lá trở thành thói quen cố hữu của nhiều người, từ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính cho tới người lao động ở nhà máy, xí nghiệp, công trường... Hút tại nơi làm việc đã đành, người lớn về nhà vẫn thản nhiên phì phèo trước mặt con cái, bất kể trẻ còn ẵm ngửa. Thế là không ít học trò cấp II, cấp III cũng tập tọe hút sách, dần nghiện lúc nào không hay. Chuyện ấy kéo dài hàng chục năm, ít thấy ai hay tổ chức nào hô hào phòng, chống.

Xã hội ngày càng hiện đại, văn minh, vấn đề môi trường, sức khỏe cộng đồng ngày càng được coi trọng. Thực tế đã chứng minh thuốc lá thực sự là “sát thủ thầm lặng” khi mỗi năm cướp đi 8 triệu sinh mạng trên thế giới. Việt Nam mỗi năm có 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, nếu không can thiệp khẩn cấp thì năm 2030 con số này sẽ là 70.000. Nước ta đứng trong top 15 quốc gia tiêu thụ thuốc lá nhiều nhất, với gần 50% nam giới hút thuốc (khoảng 18 triệu người), đặc biệt là có khoảng 33 triệu người bị hút thuốc thụ động, hầu hết trong số đó chưa đến tuổi thành niên.

Mỗi năm thuốc lá “đốt” của người Việt 31.000 tỷ đồng, chưa kể việc điều trị bệnh tật liên quan đến thuốc lá “ngốn” 23.000 tỷ đồng nữa. Tác hại của thuốc lá đã rất rõ. Quan trọng không kém là hút thuốc lá nơi công cộng còn bị xem là một hành vi thiếu văn minh, thể hiện ý thức cộng đồng yếu kém. Trên cơ sở đó, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ra đời, có hiệu lực từ tháng 1-2013. Ở Thủ đô, đầu năm 2017 Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, rồi Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội lần lượt được ban hành, khuyến cáo rõ không nên hút thuốc ở nơi làm việc và nơi công cộng. Tuy nhiên, như đã nói, với rất nhiều người hút thuốc đã thành thói quen cố hữu, biết là xấu nhưng khó bỏ, cộng thêm bất cập trong việc thực thi luật nên thực trạng hút thuốc lá hầu như ít suy chuyển, bất chấp mong muốn và nỗ lực của toàn xã hội.

Thực tế những năm gần đây cho thấy, để giảm thiểu tác hại của thuốc lá, bên cạnh việc tăng cường giám sát việc thực thi luật, bổ sung chế tài mạnh để xử lý nghiêm vi phạm, việc quan trọng là phải đẩy mạnh truyền thông, đổi mới các giải pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm giúp cộng đồng người hút thuốc, nhất là giới trẻ, nhận diện rõ sự nguy hại của thuốc lá, ý thức được “văn hóa thuốc lá” thực chất là một thói quen xấu cần từ bỏ để hình thành nếp sống lành mạnh, có ích cho chính bản thân và gia đình mình, hướng tới xây dựng xã hội văn minh, môi trường xanh - sạch, phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ bỏ “văn hóa thuốc lá"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.