Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng trừ từ gốc

Minh Thúy| 21/06/2019 06:07

(HNM) - Dù đang giữa hè, nhưng nhiều dịch bệnh trong mùa đông - xuân lại có xu hướng gia tăng. Sự bất thường này không thể xem thường khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trong những tháng đầu năm nay, số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%; thậm chí, nhiều quốc gia trước đây đã công bố loại trừ bệnh sởi, nay bùng phát trở lại.


Việc dịch bệnh phát sinh trái quy luật có nguyên nhân do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Đó là, thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng độ ẩm luôn ở mức cao là điều kiện thuận lợi cho một số loại vi rút, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người. Đặc biệt, do nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tiêm phòng còn hạn chế, đôi khi thiếu căn cứ nên việc không tiêm vắc xin đầy đủ đã khiến số bệnh nhân tăng nhanh. Tình trạng ô nhiễm môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm chưa bảo đảm... cũng góp phần làm nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh.

Là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế, có dân số đông, mật độ cao... nên việc phòng trừ dịch bệnh từ gốc tại Hà Nội luôn có vai trò đặc biệt quan trọng, đòi hỏi cả xã hội, mỗi cộng đồng dân cư phải có trách nhiệm chung tay thực hiện.

Với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời và không để dịch bệnh lớn xảy ra, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, từ đầu năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành đã triển khai những hành động cụ thể, như: Đẩy mạnh tuyên truyền; thông tin kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chú trọng công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm...

Thế nhưng, trước những diễn biến cụ thể hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh cần phải được tăng cường, quyết liệt hơn. Đặc biệt, công tác tiêm chủng phải được đặt ở vị trí trung tâm, là một trong những nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu. Thực tiễn, sau hơn 30 năm triển khai chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam, một số bệnh truyền nhiễm đã được loại trừ; trong đó, các bệnh như sởi, ho gà đã được khống chế... Hiệu quả đó cần tiếp tục được phát huy thông qua tăng cường truyền thông để người dân nhận thức rõ lợi ích của việc tiêm chủng. Đồng thời, các ngành chức năng cần tiếp tục rà soát, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng vắc xin, bảo đảm an toàn tiêm chủng...

Cùng với đó là việc chủ động tuyên truyền của các cấp, ngành chức năng để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho người dân. Hoạt động này cần thực hiện đa dạng, thường xuyên và đồng loạt trên diện rộng. Hiện, một số xã, phường trên địa bàn thành phố đã cập nhật tình hình và cách phòng, tránh dịch bệnh trên trang thông tin điện tử của địa phương - đó là cách làm thiết thực, tác động đến nhận thức, làm thay đổi hành vi của mỗi người.

Và trên hết, mỗi địa phương cần chủ động phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại những nơi trọng điểm. Những địa bàn có nhiều người mắc bệnh, khu vực nguy cơ cao cần được giám sát chặt chẽ để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời. Đặc biệt, mạng lưới cộng tác viên ở xã, phường, thị trấn phải hoạt động nghiêm túc, thực chất để bảo đảm dịch bệnh được phát hiện, xử lý kịp thời sớm nhất, ngăn chặn bệnh lây lan trên diện rộng.

Khi có sự tham gia tích cực của cộng đồng, mỗi cá nhân có ý thức tuân thủ việc tiêm phòng đầy đủ, giữ gìn vệ sinh môi trường, tự phòng bệnh..., ắt hẳn khi đó, dịch bệnh sẽ được ngăn chặn từ gốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng trừ từ gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.