Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển khó khăn thành cơ hội

Gia Khánh| 01/07/2019 06:39

(HNM) - Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 4.000 tấn thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam, bằng lượng thịt lợn nhập khẩu của cả năm 2018. Sự gia tăng đột biến thịt lợn nhập khẩu được cơ quan chức năng lý giải là do giá thịt lợn trong nước cao hơn giá bình quân của thế giới.

Mặc dù thịt lợn nhập khẩu chủ yếu là hàng đông lạnh, cung ứng cho doanh nghiệp chế biến, nhà hàng... và được nhận định chưa tác động mạnh đến thị trường trong nước, song thông tin trên cũng khiến nhiều người chăn nuôi thấp thỏm. Bởi hiện tại người chăn nuôi đang vừa phải lo phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, bảo vệ đàn lợn, vừa đối mặt với tình trạng giá thịt lợn hơi trên thị trường sụt giảm, mà có lúc xuống dưới cả chi phí sản xuất. Nay lại lo thêm việc phải cạnh tranh với thịt lợn nhập khẩu vốn có giá bán rẻ hơn, lại từ những nước có nền công nghiệp chăn nuôi phát triển ở trình độ cao hơn.

Chắc chắn từ nay đến cuối năm 2019, lượng thịt lợn nhập khẩu còn tăng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2020. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần có đối sách gì để vừa bảo đảm ổn định thị trường, vừa hạn chế tác động đến người chăn nuôi và sản xuất trong nước?

Thực tế, trước diễn biến của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cả ngành Nông nghiệp và ngành Công Thương đã chủ động vào cuộc, có phương án khuyến khích doanh nghiệp thu mua, cấp đông dự trữ thịt lợn cho bà con nông dân. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành cơ chế hỗ trợ đối với hộ, đơn vị chăn nuôi có lợn mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy. Việc này vừa giúp bà con bảo vệ đàn lợn, sớm khôi phục sản xuất, đồng thời vừa hỗ trợ bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm, tránh xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn.

Về phía người sản xuất, trước mắt vẫn phải chủ động thực hiện các giải pháp bảo vệ đàn lợn trước bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, như khoanh vùng, cách ly khu vực nuôi; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc con giống, thức ăn chăn nuôi; thực hiện vệ sinh chuồng, trại thường xuyên; không vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn ra khỏi khu vực có bệnh dịch...

Song lâu dài, người chăn nuôi nên hợp tác, đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, chăn nuôi theo phương thức an toàn sinh học... Với phương thức sản xuất lớn, hiện đại, người nuôi có điều kiện ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý, sản xuất. Đây là cách vừa giúp tăng sức "đề kháng" của vật nuôi trước bệnh dịch, vừa giảm chi phí, hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh sản phẩm thịt lợn trên thị trường.

Dưới góc độ thị trường, việc gia tăng thịt lợn nhập khẩu sẽ có lợi cho người tiêu dùng. Và không có lý gì cấm việc nhập khẩu thịt lợn để bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn phải làm tốt nhiệm vụ quản lý hàng hóa nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, bảo đảm chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ; phải làm tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu, tránh tác động tiêu cực đến sản xuất và người tiêu dùng. Có thể tham khảo việc xây dựng "hàng rào" kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước, như nhiều nước tiên tiến vẫn áp dụng.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thịt lợn nhập khẩu là hàng đông lạnh, trong khi nhu cầu, thói quen tiêu dùng truyền thống vẫn là thịt lợn tươi, với nguồn cung chủ yếu từ sản xuất trong nước. Do vậy, thách thức từ sự gia tăng thịt lợn nhập khẩu có lẽ cũng là cơ hội để ngành chăn nuôi cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, sẵn sàng tâm thế cạnh tranh trong quá trình gia nhập "sân chơi" toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển khó khăn thành cơ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.