Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên quyết, kiên trì

Liên Nhi| 19/07/2019 06:17

(HNM) - Tình trạng vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm tại Hà Nội diễn ra dai dẳng từ nhiều năm qua, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông. Đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét từ tháng 3-2017, sau khi các quận, huyện đồng loạt ra quân xử lý. Mặc dù vậy, gần đây nhiều nơi nhiều lúc, các vi phạm lại tái diễn.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có 1.733 trường hợp chiếm dụng trái phép lòng đường, vỉa hè bị các cơ quan chức năng xử phạt. Đây là những kết quả tích cực, thể hiện sự nỗ lực của các cấp, các ngành. Nhưng, đó là chỉ kết quả bước đầu, vì vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm để buôn bán, kinh doanh là vấn đề nan giải, không thể giải quyết dứt điểm trong "ngày một, ngày hai" của các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội.

Hiện, diện tích đất đô thị cho giao thông tĩnh của Hà Nội là 0,8-1,0% (theo quy chuẩn phải ở mức 3-4%) và chủ yếu vẫn là trên lòng đường, vỉa hè. Trong khi đó, vỉa hè ở Hà Nội từ lâu đã bị lấn chiếm phục vụ cho nhiều hoạt động, thậm chí trở thành nơi mưu sinh và mang lại thu nhập cho rất nhiều người dân. 

Trên thực tế hơn 2 năm qua, các quận, huyện đã thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung về “14 trọng điểm” - 14 nhóm đối tượng thường xuyên vi phạm; “3 yêu cầu” bài bản, kiên trì, đúng trình tự, với “3 bước cụ thể”: Bước thứ nhất là tuyên truyền, nhắc nhở tới từng hộ gia đình để tự giác chấp hành quy định. Bước thứ hai là kiểm tra, nhắc nhở, phân tích. Cuối cùng là cương quyết cưỡng chế, xử phạt.

Đây là một giải pháp đạt hiệu quả rõ nét, và đã càng phát huy tác dụng khi các cấp ủy Đảng cũng vào cuộc, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể. Sự sát sao, tính hiệu quả thể hiện ở việc nhiều xã phường, quận huyện có cách làm riêng, phù hợp với đặc điểm cơ sở hạ tầng, hài hòa với lợi ích của dân cư địa phương mình phụ trách.

Một số quận nội thành đã triển khai lắp camera để theo dõi, phát hiện các điểm nóng về hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, sau đó các cơ quan chức năng phải cử cán bộ đến địa bàn để lập biên bản vi phạm vì chưa có cơ sở pháp lý cho việc phạt nguội. Hà Nội và một số tỉnh, thành đang góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông theo hướng bổ sung các quy định cho phép phạt nguội hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. 

Đó là các giải pháp mang tính cấp bách. Còn lâu dài, việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường phải mang tính bài bản, có hệ thống. Về vĩ mô, cần tổ chức, tuân thủ nghiêm các quy hoạch về xây dựng, giao thông. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ quan, công sở ra khỏi nội đô; phát triển phương tiện vận tải công cộng, xây dựng công trình giao thông tĩnh. Tiếp đến là việc quy hoạch, xây dựng các chợ, siêu thị hoặc trung tâm thương mại tại các khu dân cư, đặc biệt là các chung cư cao tầng, để tránh phát sinh chợ tạm, chợ cóc; xây dựng các bãi đỗ xe ngầm và nổi; quy định đường khi làm mới hoặc mở rộng, cải tạo bắt buộc phải có vỉa hè… 

Dẹp bỏ tình trạng vi phạm về vỉa hè, lòng đường cũng rất cần ý thức của người dân. Để làm được điều đó cần sự vào cuộc mạnh mẽ, thống nhất của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền cũng như kiên quyết, kiên trì xử lý vi phạm. Lãnh đạo các địa phương, các cơ quan chức năng phải tăng trách nhiệm, sâu sát tình hình để có những biện pháp quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, các địa phương, cơ quan chức năng phải phối hợp, vào cuộc đồng bộ để đạt hiệu quả cao, tránh trường hợp phần lớn vi phạm chỉ do lực lượng thanh tra giao thông và công an xử lý như hiện nay. 

Chỉ có như vậy mới có thể từng bước xử lý hiệu quả, triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.    

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết, kiên trì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.