Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội hoàn thiện bản thân

Đỗ Quỳnh Chi| 29/07/2019 06:29

(HNM) - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Thấm nhuần lời dạy của Người, cùng với các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Mới đây nhất, ngày 26-7-2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ban hành Kế hoạch số 162/KH-UBND nhằm triển khai Kế hoạch số 135-KH/TU ngày 25-4-2019 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Quy định số 08-QĐi/TƯ ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ được UBND thành phố yêu cầu là thực hiện nghiêm chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ. Ngoài ra, mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện hai quy tắc ứng xử đã được ban hành…

Thực tế cho thấy, để đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng nói chung, của thành phố Hà Nội nói riêng, đi vào cuộc sống và được người dân thực hiện ra sao phụ thuộc rất lớn vào sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Ở nơi nào phát huy được vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, thì ở đó sẽ phát triển tốt và ngược lại. Cán bộ càng liêm khiết, bám sát và trọng dân; có phương pháp giải quyết sự việc quyết đoán, thấu tình, đạt lý, mang lại lợi ích cho dân thì công việc ở cơ sở sẽ trôi chảy...

Do đó, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan cũng như từng cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Hà Nội cần quán triệt thấu đáo ý nghĩa của nêu gương. Trước hết là cần rèn luyện khả năng đi đầu trong chấp hành pháp luật, kỷ luật công vụ, không tư lợi, không bè phái cục bộ. Đặc biệt, trước quần chúng, trước nhân dân, cần “nói đi đôi với làm”, không “hứa suông” hoặc “nói một đằng, làm một nẻo”. 

Không chỉ gương mẫu về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống trong gia đình, với họ hàng, người thân, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Hà Nội phải luôn tự học nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tu dưỡng rèn luyện đạo đức ở ngay trong tổ, nhóm công tác của mình, ngay trong sinh hoạt của gia đình mình ở khu dân cư.

Tiếp đến là cần gương mẫu trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Để phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, mỗi lãnh đạo, cán bộ cần xây dựng cho mình tác phong sâu sát, nói ít làm nhiều, gương mẫu trong mọi công việc và cuộc sống. Trong mối quan hệ với nhân dân, người đứng đầu phải làm tốt và có hiệu quả công tác tiếp dân, phải tăng cường đối thoại, giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân.

Ngoài ra, để việc nêu gương trở thành nền nếp, việc mở rộng dân chủ trong đánh giá cán bộ và sử dụng cán bộ công tâm, khách quan cũng cần được thực hiện. Cụ thể là việc lựa chọn cán bộ đảm nhận các chức danh lãnh đạo không nóng vội và trên cơ sở đánh giá toàn diện phẩm chất, năng lực, trình độ, đức tài, trong đó lưu ý đến khả năng quyết đoán, đi đầu phong trào, trong thực hiện nhiệm vụ.

Có thể thấy, sức mạnh của Đảng nằm ở mỗi cán bộ, đảng viên; còn sức mạnh của cán bộ, đảng viên là khả năng nêu gương cho nhân dân noi theo. Nêu gương không những là nhiệm vụ chính trị mà còn là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên hoàn thiện bản thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội hoàn thiện bản thân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.