Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cộng sinh để cùng phát triển

Chí Kiên| 27/08/2019 06:36

(HNM) - Việc các ngân hàng lớn điều chỉnh lãi suất cho vay với một số lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế ngay lập tức đã có tác động tích cực đến sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Tín hiệu tốt này được đánh giá là “cú hích” góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vào thời điểm quan trọng từ nay đến cuối năm.

Trước hết có thể thấy, chủ trương điều chỉnh lãi suất là nằm trong định hướng chung, thuộc các lĩnh vực ưu tiên được tăng cường hỗ trợ phát triển theo xác định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, như nông nghiệp - nông thôn, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu… Và trên thực tế, đây cũng chính là những lĩnh vực lâu nay thường “khát” vốn cho đầu tư phát triển, bởi nhiều lý do cả khách quan và chủ quan.

Điều đáng nói là động thái điều chỉnh hạ lãi suất lần này được nhìn nhận có nhiều thuận lợi cho cả phía ngân hàng và người đi vay vốn. Cụ thể, với các doanh nghiệp, sẽ có thêm nguồn lực phục vụ cho phát triển sản xuất, kinh doanh; còn các ngân hàng sẽ giải ngân và đồng vốn của họ được sử dụng một cách hiệu quả, minh bạch. Nhìn rộng hơn, việc này góp phần không nhỏ giúp nền kinh tế phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, đặc biệt thời gian từ nay đến cuối năm.

Hiện nay, việc điều chỉnh hạ lãi suất mới được triển khai ở những ngân hàng lớn và với lĩnh vực ưu tiên. Tuy vậy, với những hiệu quả thiết thực đang mang lại cho nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, thì đây sẽ là “mồi nhử” quan trọng để xu hướng này lan rộng sang các tổ chức tín dụng khác trong thời gian tới. Đồng thời, động thái này là tín hiệu đáng mừng và rất cần thiết, cho thấy sự sẻ chia kịp thời của các tổ chức tín dụng với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh của nhiều ngân hàng từ đầu năm đến nay đạt lợi nhuận khả quan.

Từ nay đến cuối năm, nhu cầu nguồn vốn cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chắc chắn vẫn rất lớn. Do đó, việc các ngân hàng tiếp tục xem xét, cân đối tài chính để vừa hạ được lãi suất cho vay, vừa đáp ứng được nhu cầu vốn của nền kinh tế là việc rất cần thiết. Thực tế việc này không dễ, bởi giảm lãi suất liên quan đến vấn đề chi phí vốn của các ngân hàng. Nhưng, vì mục tiêu tăng trưởng của cả nền kinh tế, các tổ chức tín dụng cần áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, bảo đảm an toàn tài chính.

Cùng với điều chỉnh hạ lãi suất, việc tạo thuận lợi về các thủ tục, điều kiện xét duyệt vay để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn cũng cần được quan tâm thích đáng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng vay ở khu vực nông nghiệp - nông thôn, khởi nghiệp…, khi hiệu quả lợi nhuận, tiềm năng tăng trưởng chưa được thể hiện rõ hoặc chưa có tài sản thế chấp đáp ứng yêu cầu.

Ở góc độ doanh nghiệp - bên đi vay, điều quan trọng trước tiên là phải sử dụng đồng vốn hiệu quả. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, đáp ứng các điều kiện tín dụng theo đúng quy định và đem lại lợi ích tổng thể. Đồng thời, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cần minh bạch báo cáo tài chính, dòng tiền… Đây là những điều kiện tiên quyết để ngân hàng tin tưởng cho vay và cũng là cơ sở rất quan trọng cho việc tăng nguồn vốn vay về sau này.

Thực tế, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, huy động vốn để cho vay. Do đó, giữa ngân hàng và doanh nghiệp luôn luôn phải là quan hệ cộng sinh. Tức là mối quan hệ này phải bình đẳng, khăng khít trên cơ sở “đôi bên cùng có lợi” khi sử dụng đồng vốn, để cùng hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cộng sinh để cùng phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.