Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển bền vững

Đình Hiệp| 09/09/2019 06:31

(HNM) - Trong vòng 10 năm qua, công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng bình quân 13%/năm. Hiện, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 thế giới về kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm từ gỗ và chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu. Đặc biệt, trong 8 tháng năm 2019, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã thu về 6,66 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Không chỉ mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn, chế biến gỗ và lâm sản còn thu hút, tạo việc làm cho hàng vạn công nhân và trên 1 triệu hộ nông dân trồng rừng nguyên liệu. Đầu tư, phát triển lĩnh vực tiềm năng này góp phần thúc đẩy việc trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho các nông hộ và hiện thực hóa chương trình tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp.

Lợi ích đã rõ! Song để hướng đến phát triển bền vững, công nghiệp chế biến gỗ cũng như hoạt động xuất khẩu gỗ và lâm sản còn phải vượt qua không ít khó khăn. Thực tế cho thấy, đã có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư cho công nghệ, phát triển sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của những thị trường lớn; nhưng cũng có không ít doanh nghiệp thiếu nguồn lực vẫn xuất khẩu sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp là chính. Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu với người trồng rừng còn hạn chế. Do sự phát triển nhanh chóng của các cơ sở chế biến gỗ xuất khẩu nên áp lực về nguồn cung nguyên liệu càng lớn, trong khi nguồn nguyên liệu nhập khẩu khan hiếm và đắt đỏ hơn. Thêm vào đó, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng khiến xuất khẩu gỗ và lâm sản gặp không ít khó khăn.

Ngày 29-3-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phục vụ xuất khẩu. Theo đó, ngành này phải hội nhập sâu vào thị trường khu vực và toàn cầu theo hướng hiện đại; sử dụng nguyên liệu gỗ hợp pháp; ứng dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất. Mục tiêu cụ thể ngành Nông nghiệp đề ra là đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2019 đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 đến 13 tỷ USD...

Để đạt được mục tiêu trên (và giữ ổn định đà tăng trưởng) rất cần sự chung tay các cấp, ngành cùng với những giải pháp đồng bộ nhằm từng bước xây dựng chuỗi khép kín từ trồng rừng nguyên liệu đến sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ. Trước hết, về phía cơ quan quản lý, tích cực nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết nhằm hình thành khu vực chế biến gỗ tập trung; thông qua đó vừa chủ động nguồn nguyên liệu, vừa bảo đảm nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu - một yêu cầu quan trọng khi xuất khẩu.

Về phía các doanh nghiệp, cần chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành, nâng cao giá trị chế biến, chế tác, từ đó sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Song song với mở rộng các thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, chất lượng nhằm bắt kịp xu hướng tiêu dùng của thị trường. 

Gắn phát triển ngành chế biến gỗ với phát triển rừng, các địa phương đẩy mạnh trồng rừng; tăng cường công tác bảo vệ rừng, bảo đảm cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo yêu cầu của thị trường quốc tế. Một trong những giải pháp làm tốt việc này là tăng cường tuyên truyền, gắn với nâng cao quyền lợi của người dân tham gia trồng, bảo vệ rừng… 

Ngoài ra cần chủ động tìm thị trường nhập khẩu nguyên liệu ổn định, có nguồn gốc rõ ràng.

Đồng bộ các giải pháp, gắn chế biến gỗ với trồng và bảo vệ rừng, ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu sẽ duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.