Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi nhận thức, thói quen

Hoàng Ngân| 06/11/2019 16:39

(HNMCT) - Cuối tháng 10 vừa qua, tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh của đoàn Bình Định nêu kiến nghị về việc thay đổi giờ làm việc. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh giờ làm việc bắt đầu từ 8h30 hằng ngày, kết thúc vào lúc 17h, lý do thay đổi là khung giờ làm việc hiện nay (từ 7h30 - 17h) không hợp lý, tác động không có lợi đến tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chăm sóc sức khỏe gia đình nói chung và trẻ em nói riêng, hiệu suất làm việc...

Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện ý kiến đề xuất điều chỉnh giờ làm việc và giờ học. Kiến nghị nói trên không mới nhưng khơi lại một vấn đề đáng được quan tâm bởi theo kết quả điều tra gần đây do một đơn vị của Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, có 81% số người được hỏi tỏ ý đồng tình với phương án thay đổi giờ học, giờ làm theo hướng muộn hơn so với khung thời gian hiện nay. Đa số ý kiến đồng ý với phương án này cho rằng, việc bắt đầu một ngày làm việc và học tập muộn hơn cho phép họ có thêm thời gian chăm lo cho gia đình vào đầu giờ sáng, giúp trẻ em có thêm thời gian để ngủ...

Thay đổi giờ học và giờ làm là một việc lớn, có ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực xã hội, nhiều giới, ngành chứ không chỉ là giấc ngủ của con trẻ cũng như giờ đưa trẻ mầm non, học sinh tiểu học, trung học cơ sở đến trường. Sự thay đổi đặt ra bài toán về giao thông, tổ chức sản xuất, thói quen sinh hoạt và làm việc, bữa ăn trưa của mỗi gia đình... Việc không đơn giản, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng chứ không thể “quyết” ngay được. Tuy thế, kiến nghị nói trên và sự quan tâm của nhiều gia đình cũng cho thấy vấn đề giờ học trong mối liên hệ với giấc ngủ, sức khỏe, kết quả học tập của trẻ em cần được quan tâm hơn nữa.

Nhiều người chờ đợi sự ra đời của những chính sách mới, quên mất rằng mình cần thay đổi thói quen để giúp con trẻ có một lịch sinh hoạt, học tập khoa học hơn. Thực tế cho thấy hiện nay, tình trạng trẻ thức khuya khá phổ biến. Ở nhiều nơi, đặc biệt là các khu tập thể, nhà chung cư, những không gian sống mà thói quen sinh hoạt của một hộ gia đình có thể ảnh hưởng tới người ở các căn hộ khác, việc duy trì một lịch ngủ - nghỉ khoa học dành cho trẻ không phải là điều đơn giản. Thường thấy cảnh học sinh nhỏ tuổi rủ nhau chơi ở không gian sinh hoạt chung tới 22h, 22h30 mà bố mẹ không nhắc nhở; cha mẹ tiếp khách, ăn uống, gần nửa đêm vẫn còn “to giọng” dù phòng ngủ của con ở ngay cạnh đó. Những người về muộn đóng - mở cửa uỳnh uỳnh, không nghĩ gì tới giấc ngủ của hàng xóm và ngay chính con mình...

Trong những trường hợp đó, dễ thấy nhiều trẻ lên giường (không đồng nghĩa với ngủ) không sớm hơn 23h dù đa số phải dậy trước 7h ngày hôm sau để kịp vệ sinh cá nhân, ăn uống rồi theo người lớn hoặc tự đi đến trường. Có lẽ bởi vậy mà vào đầu giờ sáng, không khó để bắt gặp cảnh học sinh tiểu học ngủ gục trên xe khi được bố mẹ chở tới lớp hoặc vừa ăn vừa chạy cho kịp giờ.

Để bảo đảm có được sự phát triển tối đa về thể chất và tinh thần, một đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học cần ngủ ít nhất khoảng 9 - 10 giờ/ ngày. Việc ngủ không đủ có thể khiến trẻ học thiếu tập trung, kém ăn, mệt mỏi... Những nghiên cứu liên quan chỉ ra rằng nếu thiếu ngủ trong khoảng thời gian dài, trẻ em dễ lâm vào tình trạng kém phát triển cả về mặt thể chất và trí tuệ.

Chính sách mới, như với vấn đề điều chỉnh giờ học, không phải là điều có thể ban hành trong ngày một ngày hai. Bởi vậy, để tháo gỡ khó khăn, người lớn cần có nhận thức đúng về vấn đề này, tự điều chỉnh thói quen để có một lịch sinh hoạt phù hợp, giúp trẻ có thêm thời gian ăn, ngủ, vui chơi hợp lý mà không làm ảnh hưởng tới việc tới trường. Vấn đề không chỉ phụ thuộc vào nhận thức trong các gia đình về tầm quan trọng của việc bảo đảm cho trẻ em ngủ đủ, ngủ ngon. Các nhà trường cũng cần có trách nhiệm trong việc này, bằng cách giảm áp lực học hành trong khoảng thời gian học sinh rời trường, tạo điều kiện để học sinh bán trú ngon giấc trong giờ ngủ trưa...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi nhận thức, thói quen

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.