Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công bằng và công tâm

Hoàng Ngân| 14/11/2019 14:44

(HNMCT) - Gần một nửa năm học 2019 - 2020 đã trôi qua. Đây là năm thứ 6 ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 29), trong đó có nêu nhiệm vụ “phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”, “có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”...

Nghị quyết số 29 không chỉ là kim chỉ nam cho hoạt động đổi mới GD-ĐT, mà còn thể hiện định hướng “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nghề giáo là “nghề cao quý nhất” và nhà giáo cần được quan tâm phát triển cả về tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, đời sống vật chất và tinh thần.

Bởi vậy, vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2019, vấn đề đặt ra đối với ngành GD-ĐT và toàn xã hội không chỉ là tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh hàng triệu giáo viên trên cả nước, mà còn cần đánh giá, tìm ra giải pháp đáp ứng điều kiện phát triển đội ngũ nhà giáo, giúp họ yên tâm làm nghề. Đó là dịp thích hợp để cộng đồng tìm hiểu thêm về nghề giáo, những khó khăn, vất vả của những người thầy, từ đó có cách đánh giá công tâm, công bằng đối với những gì mà họ đã làm được, và làm tốt.

Nếu bắt đầu với cách tiếp cận nói trên, dễ nhận ra rằng có nhiều khi chúng ta đã thể hiện một cách nhìn nhận thiếu khách quan về nghề giáo và về nhà giáo, thấy rõ chi tiết nhưng không nhận ra tổng thể, ghi nhớ lỗi lầm của ai đó mà quên rằng đội ngũ đó có biết bao người hằng ngày thể hiện sự tâm huyết với nghề, tận tụy “gõ đầu trẻ” bất kể cuộc sống cá nhân còn gặp nhiều khó khăn. Mới vài tháng trước, báo chí kể lại câu chuyện một cô giáo trẻ ở ngôi trường thuộc huyện miền núi Simacai (Lào Cai).

Cô đã mất vì gặp tai nạn trên đường đèo hiểm trở khi tới nhà một học trò nữ lớp 7 để vận động gia đình cho con tiếp tục đi học thay vì đi lấy chồng... Chuyện xảy ra đã nhiều năm, giờ được kể lại nhưng như chìm nghỉm giữa dòng tin tức đen tối được nhiều người đón nhận. Chuyện giáo viên xâm hại tình dục học sinh, chuyện nâng điểm thi trái phép, chuyện những cơ sở giáo dục mầm non hoạt động không phép với những cô giáo không xứng đáng được coi là “mẹ hiền”... Như câu chuyện mới đây, một cô giáo, vì lý do nào đó đã ném vở học sinh xuống nền nhà. Là sai đấy, nhưng làm sao những thứ đó có thể khiến chúng ta quên đi rằng, ngay lúc này, bao cô giáo “cắm bản” vẫn không nề hà đối mặt với khó khăn để giúp trẻ vùng cao biết đọc, biết viết? Tại sao lại quên bao thầy cô vẫn đang cố gắng hành xử mẫu mực dù thu nhập hằng tháng chỉ cỡ vài triệu đồng - thấp hơn cả thu nhập của một lao động phổ thông không bằng cấp? “Lên đồng” trước nạn “chạy trường”, với một số người thầy tìm cách mở lớp dạy thêm “chui”, sao không tự vấn về trách nhiệm của chính mình - những phụ huynh học sinh đã bỏ tiền luồn lót hoặc cho con theo học những lớp đó chỉ vì muốn con có được một chút “tình riêng”?

Nhà giáo - những người thầy cần được hưởng sự đánh giá công bằng, nhân văn trên tinh thần xây dựng. Sự nhìn nhận đúng mức về thực trạng, sự thông cảm với nỗi khó khăn của những người theo đuổi nghề giáo, tìm ra giải pháp khắc phục hạn chế về mặt cơ chế, chính sách đối với sự phát triển năng lực cá nhân và hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy..., đó là cách ứng xử đúng đắn với các thầy cô.

Ngày 20-11 này không chỉ cần có hoa, những món quà và lời chúc tốt đẹp. Có lẽ, điều mà đa số nhà giáo cần là một cơ chế đãi ngộ tốt hơn, xứng đáng hơn để giúp họ tạo dựng cuộc sống riêng ổn định, yên tâm cống hiến mà không lo nhắm mắt làm trái với lương tâm nghề nghiệp. Cái họ cần là sự đánh giá công bằng của dư luận, để cái sai của các cá nhân - dù nay đã là khá nhiều - không ảnh hưởng tới những người vẫn đang sống tốt, dạy tốt, lặng thầm cống hiến cho sự nghiệp "trồng người".        

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bằng và công tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.