Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao nhận thức, hình thành ý thức

Thế Văn| 18/11/2019 06:23

(HNM) - Hằng ngày, hằng giờ, rác thải nhựa tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia cũng như sự an toàn của ngôi nhà chung - trái đất. Do vậy, đây không chỉ là vấn đề của riêng Hà Nội, của Việt Nam, mà là thách thức chung, nỗi lo chung của toàn nhân loại. Và, với một Hà Nội đang vươn tới mục tiêu xây dựng thành phố xanh - thành phố thông minh thì kiểm soát, ngăn chặn rác thải nhựa vừa là vấn đề cấp bách, vừa là công việc lâu dài.

Không chỉ dừng lại ở phong trào, thời gian gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn thành phố đã có những hành động tích cực nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần, đẩy lùi rác thải nhựa như các dự án nhặt rác, thu gom vỏ hộp sữa, làm gạch sinh thái ecobrick từ túi ni lông… Nhiều doanh nghiệp cũng tích cực hưởng ứng bằng việc đưa ra thị trường nhiều sản phẩm thay thế nhằm hạn chế sử dụng nhựa trong sản xuất...

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, Hà Nội đã đặt ra kế hoạch cụ thể trong việc giảm thiểu chất thải nhựa trong các cơ quan, đơn vị... trực thuộc thành phố. Kể từ tháng 9-2019, các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội, các đơn vị sự nghiệp của Hà Nội đã đồng loạt thực hiện kế hoạch cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Cụ thể hơn, thành phố còn yêu cầu: Từ năm 2020 trở đi, Sở Tài chính không bố trí kinh phí với các khoản chi cho cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp để mua sắm sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc hội họp, hội thảo, hội nghị và hoạt động khác… Những định hướng đó nhằm thay đổi thói quen của mỗi người và thực sự có tác động rất lớn đối với đời sống xã hội.

Tuy nhiên, để đẩy lùi vấn nạn rác thải nhựa trong đời sống xã hội, còn phải giải quyết hàng loạt vấn đề từ nhận thức của doanh nghiệp đến thói quen sử dụng túi ni lông của người dân… Do vậy, các cơ quan, đơn vị, mỗi người dân Thủ đô cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa tổ chức tại Hà Nội tháng 6 vừa qua: "Để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững, ngay từ bây giờ chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, không tuyên truyền suông, không vận động chay...".

Để việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đạt hiệu quả dài lâu thì việc nâng cao nhận thức, hình thành ý thức để mỗi người dân Hà Nội nói không với việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế túi ni lông chính là giải pháp căn cơ nhất. Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và qua đó có những hành động cụ thể, thiết thực trong cuộc sống hằng ngày, vừa có ích cho bản thân vừa làm lợi cho cộng đồng.

Đặc biệt, việc nâng cao nhận thức nên bắt đầu từ trường học để mỗi chủ nhân tương lai của Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung hiểu đúng về những vấn đề đang đặt ra với gia đình, cộng đồng và xã hội, từ đó hình thành nếp ứng xử thân thiện với môi trường.

Một giải pháp quan trọng khác là tạo dựng cơ chế, chính sách cho tăng trưởng xanh; sản xuất, tiêu dùng bền vững, thay thế nhựa và túi ni lông; đồng thời xây dựng các điểm kinh doanh xanh và có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nâng cao nhận thức, hình thành ý thức để mỗi công dân Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, sống thân thiện với môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì một xã hội xanh, phát triển bền vững. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao nhận thức, hình thành ý thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.