Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý phát triển cây xanh đô thị & sự tham gia của cộng đồng

Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam| 22/03/2015 16:01

Hiện nay thế giới đang đứng trước 5 cuộc khủng hoảng lớn đó là: Dân số, lương thực, năng lượng, tài nguyên và sinh thái. Năm cuộc khủng hoảng này đều liên quan chặt chẽ với môi trường và làm cho chất lượng cuộc sống của con người có nguy cơ bị suy giảm.

Quá trình phát triển đô thị quá nhanh sẽ làm mất cân bằng hệ sinh thái và tác động tiêu cực tới sự phát triển bền vững của đô thị. Trên thế giới đã đưa ra nhiều quan niệm khác nhau về tạo lập môi trường sinh thái , tuy nhiên ở bất cứ quan điểm nào thì cây xanh đô thị cũng là một thành phần rất quan trọng để tạo nên một môi trường sống tốt và sự tham gia của cộng đồng là yếu tố then chốt, là phương thức hiệu quả để quản lý và phát triển cây xanh đô thị.

I. Một số kinh nghiệm của các nước về xây dựng thành phố Xanh

Kinh nghiệm của Canada về xây dựng các Cộng đồng nở hoa

Năm 2000, Canada đã xuất bản cuốn sách có tên gọi “Các thành phố có Hạ tầng xanh”. Hạ tầng xanh là một quan điểm mới với nhiều thay đổi so với cách hiểu của chúng ta hiện nay trong đó liên quan tới tất cả các lĩnh vực về hạ tầng kỹ thuật đô thị như vấn đề xử lý nước thải phi tập trung, vấn đề tiết kiệm năng lượng, vấn đề tổ chức giao thông đi bộ... Sách chỉ dẫn cách xây dựng hạ tầng xanh trong đó cây xanh là một chỉ số rất quan trọng trong đánh giá. Cộng đồng nở hoa - CIB là một nội dung trong cuốn sách đề cập tới vai trò của cộng đồng trong xây dựng các đô thị xanh.

Sự hài hòa giữa đô thị và cây xanh ở Canada


8 Tiêu chí để lựa chọn Công đồng nở hoa (CIB): Đường phố sạch sẽ ngăn nắp; Bảo tồn các công trình kiến trúc và các di sản văn hóa; Giữ gìn cảnh quan thành phố; Bảo đảm độ che phủ của thành phố với nhiều màu xanh thiên nhiên; Có nhiều khu vực trồng hoa; Có tái chế rác thải; Có sự tham gia tích cực của cộng đồng; Có sự quan tâm của chính quyền đô thị.

Thành phố có nhiều cộng đồng nở hoa là thành phố đạt được danh hiệu Thành phố tiêu biểu của phong trào CIB. Branford - một trong những thành phố tiêu biểu của Canada về phong trào này. Thành phố đã huy động mọi tầng lớp tham gia từ người lớn tuổi, các chị em phụ nữ và đặc biệt là các em học sinh trong các trường tiểu học và trung học. Các em được tổ chức các cuộc thi xây dựng những vườn hoa đẹp từ thiết kế sáng tạo đến chăm sóc để vườn hoa ngày càng tươi tốt xanh đẹp. Các em cũng được vận động tham gia các cuộc thi vẽ tranh trên những bức tường để tạo nên những mảng tường sinh động và hấp dẫn. Việc làm của các em đã tạo nên ý thức chăm sóc cây xanh và giữ gìn bảo vệ cây xanh nơi mình sống và học tập. Phong trào đã mang lại kết quả vô cùng to lớn.

Sự tham gia của cộng đồng trong quản lý cây xanh ở Singapore

Singapore đã trở thành một đất nước nổi tiếng trên thế giới với nhiều thành công trên nhiều phương diện - Là một đất nước có nền kinh tế rất phát triển và người dân được sống trong một môi trường sống trong lành có cuộc sống với chất lượng cao. Tầm nhìn của Singapore là: Xây dựng đất nước thành một khu vườn chung của mọi người, mảng xanh là một phần trong đời sống của người dân, nhiệm vụ tạo nên môi trường sống tốt nhất với mảng xanh tuyệt hảo, các khu vui chơi nghỉ ngơi giải trí tiện ích qua sự tham gia của cộng đồng. Tổng Cục công viên quốc gia (National Parks) quản lý công viên và mảng xanh đô thị và ý tưởng thành phố vườn được thực hiện xuyên suốt từ những năm 60 đến nay với những chiến lược theo từng thập niên. Chiến lược được xây dựng thành phố vườn được chia thành các thời kỳ:

Một công viên ở Singapo


* Chiến lược thành phố vườn thập niên 60: Singapore xanh và sạch; Trồng cây ven đường; Tạo nên những công viên và khoảng không gian mở.

* Chiến lược thành phố vườn thập niên 70: Quy hoạch trồng cây ven đường; Trồng nhiều cây có màu sắc như: bông giấy, kèn hồng, đầu lân...; Các dự án đặc biệt trồng cây, dây leo trên trụ đèn, tường chắn, cầu vượt...; Trồng cây trong bãi đậu xe; Ban hành luật công viên cây xanh.

* Chiến lược thành phố vườn thập niên 80: Trồng cây ăn trái như xoài; Chuyên biệt hoá các công trình vui chơi giải trí; Cơ giới hoá và số hoá: xe tưới nước, máy cắt cỏ...; Trồng cây đa màu sắc, có mùi hương; Ban hành luật bảo tồn cây xanh.

* Chiến lược thành phố Vườn thập niên 1990: Xây dựng nhiều công viên vườn hoa cây xanh với những chức năng chuyên biệt: Công viên cân bằng sinh thái như công viên thiên nhiên, Công viên theo chủ đề như: CV bờ biển Đông, CV đồi Telok Blangal, Khu dự trữ ngập nước Sungei Byloh, vườn thực vật quốc gia Singapore. Các công viên theo vùng, các công viên vườn hoa trong từng khu nhà ở. Điều rất quan trọng là làm sao huy động được cao nhất sự tham gia của cộng đồng.

Các tuyến đường tạo Hệ thống kết nối CV, hành lang xanh, có thể đi xe đạp, đi bộ dọc theo các kênh thoát nước, đường ven biển. Các công trình tiện nghi nghỉ ngơi,vui chơi giải trí, các tượng đài, khám phá thiên nhiên.

Cải tạo nâng cấp các công viên cũ: CV Mt Faber, CV West coast. Tạo đường đi bộ râm mát: đường Orchard.

Phát triển hạ tầng xanh: Cây xanh ven đường như xương sống của thành phố vườn; Mở rộng công viên quốc giaSingapore; Xanh hóa tầng cao: sân thượng, balcon, mái nhà, vách đứng...; Tạo cảnh quan cây xanh dọc sông, kênh, rạch; Tạo đường kết nối công viên, hành lang xanh năm 2007 - 74km.

Biến Singapore thành cổng kết nối thông tin của ngành làm vườn Thế giới: Mặc dù đất đai nhỏ chỉ trên 700 km2 nhưng Singapore đã có chủ trương xây dựng trở thành một địa chỉ toàn cầu về ngành nghề liên quan tới cây xanh với các biện pháp sau:

- Tổ chức lễ hội hoa Singapore
- Giải thưởng cho các thiết kế cảnh quan công viên xuất sắc; lần đầu tiên trên thế giới các nhà thiết kế đạt giải tụ họp tại Singapore, với trên 200.000 khách trong vòng 10 ngày.
- Nuôi dưỡng các tài năng và ngành công nghiệp làm việc tại chỗ: Quy hoạch tổng thể công nghiệp cảnh quan; Tái thiết và huấn luyện kỹ năng; Hội đồng công nghiệp cảnh quan Singapore; Chứng chỉ và kỹ năng hành nghề; Kích hoạt và nâng cao hình ảnh ngành công nghiệp; Nâng cao sức sản xuất; Cải thiện kỹ năng hành nghề.
- Thử nghiệm các ý tưởng mới: Trung tâm quản lý đô thị và môi trường xanh; Khám phá các kỹ năng huấn luyện ở những lĩnh vực mới
- Cải thiện hiệu quả và năng lực kỹ thuật.

Từ thành phố vườn đến thành phố trong vườn: tiến trình có 3 cực: Phát triển hạ tầng xanh; Biến Singapore thành cổng kết nối thông tin của ngành làm vườn; Kích hoạt sự yêu thích sở hữu, đam mê mảng xanh của cộng đồng
Với chủ trương kết nối khối liên minh PPP: Nhà nước - Tư nhân - Cộng đồng. (public, private, people), Singapore đã có nhiều giải pháp như: Xây dựng Quỹ thành phố vườn, Chương trình Tình nguyện xanh, xây dựng các nhóm cộng đồng, trường học, doanh nghiệp và các công ty gắn kết chặt chẽ với các Trung tâm sinh thái và mảng xanh của nhà nước

ii. Một vài kinh nghiệm về sự tham gia của cộng đồng xây dựng các thành phố Xanh ở nước ta

Sự tham gia của Phụ nữ Thủ đô xây dựng các Tuyến đường Nở hoa

Từ nhiều năm nay, Hội LHPN thành phố Hà Nội đã vận động hội viên, tạo phong trào thu gom rác thải, nạo vét, khơi thông cống rãnh, trồng và chăm sóc cây xanh... Các cơ sở hội chủ động tham mưu với chính quyền, phối hợp với các tổ vệ sinh môi trường, giải quyết hàng nghìn mét khối rác, các điểm rác lưu cữu, nâng cao chất lượng 6.618 đoạn đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp, 115 tuyến phố vệ sinh - văn minh đô thị.

Đường Kim Mã


Tuỳ theo mỗi địa bàn, chị em có những hình thức trồng hoa, cây cảnh khác nhau, có thể là tận dụng các khoảng đất trống, nhà dân như huyện Từ Liêm, hay đảm nhiệm việc quản lý các hàng cây và tận dụng các bồn cây để trồng hoa như tại quận Hà Đông, đặt các bồn hoa theo các tuyến đường như ở quận Ba Đình... Kinh phí do hội phụ nữ, các cá nhân và một số chính quyền địa phương ủng hộ. Hội LHPN huyện Từ Liêm là địa bàn đầu tiên trên địa bàn thành phố phát động phong trào trồng hoa, cây cảnh trên các tuyến đường. Để tạo nên sự phong phú và phát huy hiệu quả của các tuyến đường, tuỳ theo địa bàn, chị em sẽ chọn các tuyến đường có những khoảng đất để trồng hoa, cây cảnh, có tuyến tận dụng các nhà dân để treo các chậu cây, các tuyến đường chạy quanh các hồ để tận dụng cảnh quan như các tuyến Minh Khai, Cổ Nhuế, Đông Ngạc... Đường Hồ Đồng (Thượng Cát) được Hội đánh giá là đẹp nhất trong những đường hoa hiện có, với 25 cây bóng mát, dưới gốc là những bụi hoa nhỏ. Dọc bờ tường xây quanh hồ là những chậu hoa với nhiều loại: lan Italia, trạng nguyên, xương rồng, trà... Tuỳ theo thời tiết, các chị có kế hoạch bảo vệ hoa, tránh mưa lớn, nắng táp, bảo đảm 4 mùa hoa nở. Đây cũng là cơ hội để các bà, các cô giáo dục con, cháu về bảo vệ môi trường, cảnh quan lành mạnh cho cộng đồng.

Tại các quận, huyện như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Hà Đông, Cầu Giấy, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên, Thường Tín..., 493 đoạn đường xanh - sạch - đẹp đã được xây dựng, trong đó có 58 đoạn đường nở hoa. Việc xây dựng các "đoạn đường nở hoa" không chỉ làm sạch môi trường, còn tạo thành nơi sinh hoạt cộng đồng, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng cao.

Huy Động sự tham gia của sinh viên trường đại học Huế trong ứng dụng GIS vào quản lý cây xanh đô thị

Thành phố Huế hiện là đô thị có nhiều cây xanh nhất của cả nước, hệ thống cây xanh tạo bóng bao gồm nhiều chủng loại trong đó có 87 sắc mộc thuộc 33 họ thực vật khác nhau. Ở Công viên Thương Bạc - Phu Văn Lâu nay vẫn còn những cây thốt nốt trồng từ thời Pháp. Khu vực Đại Nội có 1.443 cây xanh, gồm 158 chủng loại như xoài, nhãn, thông, sứ, ngô đồng, sấu, gội, long não, da, xanh, lộc vừng, vông đồng. Một số con đường ở Huế đang được thay thế một số cây xanh để đưa chúng trở lại nguyên dạng cũ, vốn đã ăn sâu về tiềm thức con người và trở thành những địa danh quen thuộc gắn với những loài cây đặc trưng của Huế như: Bến me, đường Mù u, đường Cây muối, đường cây Nhãn (Đinh Tiên Hoàng), đường Hàng me. Để thành lập được sơ đồ quản lý bằng công nghệ GIS, nhóm sinh viên Đại học Huế đã thu thập bản đồ, sơ đồ chi tiết khu vực Đại Nội, tài liệu của gần 1.500 cây xanh ở khu vực Đại Nội, xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ tổng thể khu vực trong Đại Nội và 4 tuyến đường bao quanh Đại Nội, xây dựng cơ sở dữ liệu thuộc tính... Sơ đồ quản lý hệ thống cây xanh khu vực Đại Nội thể hiện vị trí của cây ở các vị trí cụ thể và nếu muốn biết thông tin về loại cây nào ở vị trí nào, chỉ cần một công cụ Info trên phần mềm Microsoft để thể hiện thông tin của cây xanh đó, dùng công cụ này kích vào sẽ biết được cây tên gì, chu vi, chiều cao, khoảng cách giữa hai cây kế tiếp nhau.

Hệ thống cây xanh của thành phố Huế rất phong phú, nhiều chủng loại, mật độ tương đối dày đặc, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đô thị, như: làm bóng mát, chống bụi, điều hòa không khí, tạo nên không gian tốt cho hoạt động du lịch. Tuy nhiên trước đây nhiều cây xanh lâu năm bị chặt phá làm cơ sở hạ tầng, một số cây mới trồng lại vứt bỏ để làm vỉa hè do chưa có sự tính toán kỹ về phương pháp bố trí cây trồng. Việc quản lý cây xanh chủ yếu trên giấy tờ, bằng phương pháp thủ công, chưa có sự kết hợp giữa nguồn số liệu và sự phân bố của chúng ngoài thực tế. Việc dùng công nghệ GIS quản lý cây xanh sẽ khắc phục những hạn chế trên.

Tiện lợi của việc ứng dụng mô hình này là giúp cho Công ty môi trường đô thị quản lý tốt mật độ cây xanh như thế nào là vừa phải, kế hoạch tỉa cây trong mùa mưa cũng như trồng bổ sung. Đặc biệt, người quản lý có thể ngồi tại chỗ chỉ đạo kịp thời khi quy hoạch các tuyến đường, mở rộng những đoạn đường mới thành lập.

Thành phố Huế nổi tiếng với dòng sông Hương, với những hàng cây và những ngôi nhà vườn, vì vậy để giữ gìn cây xanh trong thành phố thì việc giữ gìn các cây xanh trong từng ngôi nhà là một công việc đòi hỏi phải huy động được sự tham gia của người dân. Đây chính là thành công của Huế.

Trà Vinh - Thành phố Xanh

Thành phố Trà Vinh nổi tiếng là TP Xanh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hầu hết các tuyến đường trong nội ô TP Trà Vinh đều mướt một màu xanh, chủ yếu là các cây sao, bằng lăng, me... Gây ấn tượng nhất vẫn là những cây sao cổ thụ có cây có đường kính lớn 2 - 3 người ôm không xuể. Một điểm đặc biệt nữa là hầu như các cây xanh ở nội ô TP Trà Vinh dù nhỏ hay to đều có đánh số thứ tự trên thân cây. Trà Vinh cũng là một trong những địa phương có nhiều chùa. Những ngôi chùa ở Trà Vinh đều nằm trong khuôn viên có nhiều cây xanh nên trông rất cổ kính, đẹp mắt. Để có được kết quả ấn tượng đó là do chính quyền và nhân dân thành phố Trà Vinh đã có nhiều công sức trong việc giữa gìn và bảo vệ cây xanh. Với trên 1.000 cây cổ thụ và cây bóng mát, thành phố đã sử dụng công nghệ GIS để quản lý và khuyến khích nhân dân bảo vệ cây xanh. Tại mỗi phường, khóm người dân rất quan tâm chăm sóc cây xanh. Nếu ai đó có hành vi xâm hại tới cây xanh cộng đồng có trách nhiệm nhắc nhở và thông báo kịp thời cho công ty môi trường để có biện pháp bảo vệ.

Cây cổ thụ trên đường phố Trà Vinh


Cây xanh đô thị là một trong 3 tiêu chí quan trọng của “ Phong trào thi đua xây dựng đô thị Xanh - Sạch - Đẹp” và từ năm 2009 Hiệp hội các đô thị Việt Nam đã phát động phong trào này. Đây là phong trào thi đua để thúc đẩy các thành phố huy động tốt hơn sự tham gia bảo vệ môi trường của người dân, các cơ quan, trường học, doanh nghiệp tạo cho đô thị có sự chuyển biến tích cực về mặt môi trường. Năm 2011 nhân ngày Đô Thị Việt Nam và Đại hội lần thứ III của Hiệp hội các đô thị Việt Nam, Ban chấp hành Hiệp hội đã xét và công nhận 18 thành phố, thị xã đạt danh hiệu là Thành phố có “phong trào thi đua xây dựng đô thị Xanh Sạch Đẹp” (có danh sách 18 đô thị đạt danh hiệu thi đua trong phong trào). Để tiến tới các thành phố Xanh - Sạch - Đẹp chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều và Hiệp hội các đô thị Việt Nam hy vọng rằng trong những năm tới sẽ có nhiều thành phố là thành phố Xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý phát triển cây xanh đô thị & sự tham gia của cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.