Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Canada: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Phương Quỳnh| 20/08/2018 06:18

(HNM) - Là quốc gia có nền kinh tế nhiều năm nằm trong tốp đầu thế giới, song gần đây, Canada liên tục phải đối mặt với nhiều vấn đề có nguy cơ kìm hãm tốc độ tăng trưởng.

Trong một bước đi mới đây, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ đang "đóng băng" Canada trong các cuộc đàm phán sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Thế nên, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo đã tổ chức các cuộc đàm phán song phương về NAFTA mà không có sự tham gia của Canada.

Lý giải điều này, Tổng thống D.Trump khẳng định, sẽ không đàm phán với Canada ngay bây giờ do chính sách thuế quan của Ottawa quá cao, rào cản quá lớn. Đây là tín hiệu mới nhất cho thấy sóng gió trong quan hệ giữa hai nước vẫn chưa tìm được biện pháp giảm nhẹ.

Kinh tế Canada sẽ chịu thiệt hại nặng nề nếu Mỹ áp thuế 25% đối với ô tô.


Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng có thể dẫn đến việc chính quyền Mỹ ra quyết định đánh thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và phụ tùng ô tô lên đến 25% đối với Canada. Với kim ngạch khoảng 74 tỷ USD xuất khẩu ô tô của Canada sang Mỹ, nếu áp mức thuế trên, Canada sẽ mất khoảng 0,4% tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm và có thể mất 160.000 việc làm. Trong trường hợp xấu nhất, đồng đô la Canada (CAD) sẽ mất giá từ 8% đến 15% so với hiện tại, rơi xuống mức 1 CAD đổi 64 cent Mỹ.

Trong khi đó, tác động tiêu cực do quá trình "xì hơi" bong bóng bất động sản từ cuối năm ngoái vẫn gây ra những hệ lụy cho nền kinh tế quốc gia nằm trong nhóm G7. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo, Canada đang đối mặt với những nguy cơ đáng kể về tăng trưởng do biến động thị trường nhà đất gây ảnh hưởng đến bảng cân đối của các ngân hàng và lan ra toàn nền kinh tế.

Tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ hồi năm 2008, hệ quả tất yếu của sự tăng trưởng quá nóng thị trường bất động sản chính là nợ của hộ gia đình tăng cao khi người dân cố dành tiền để mua nhà. Đây chính là lỗ hổng nghiêm trọng, nguyên nhân chính đằng sau việc 6 ngân hàng lớn nhất Canada gần đây bị hạ tín nhiệm.

Một rủi ro nữa đối với nền kinh tế Canada là giá cả nhiều mặt hàng liên tục phi mã từ đầu năm tới nay. Ngân hàng trung ương Canada (BoC) cho biết, tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao nhất kể từ tháng 9-2011 và cao hơn hẳn so với mức 2,5% trong tháng 6-2018. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí hàng không, du lịch, năng lượng tăng mạnh, cộng thêm tác động từ gói biện pháp trả đũa thuế quan của Mỹ áp với mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu từ Canada và một loạt quốc gia.

Theo số liệu thống kê, giá vé hàng không trong tháng 7 của nước này tăng tới 16,4%, mức tăng theo tháng cao nhất kể từ năm 1989. So với cùng kỳ năm ngoái, giá vé hàng không ở Canada đã tăng hơn 28%. Chi phí dịch vụ du lịch cũng tăng mạnh, ở mức 7,5% và cao gấp đôi mức tăng bình quân hằng tháng. Bên cạnh đó, giá xăng dầu, xe ô tô, chi phí bảo hiểm và chi phí vay thế chấp tăng cũng đẩy lạm phát lên cao.

Trong bối cảnh hiện nay, các nhà kinh tế mong muốn Chính phủ Canada chuẩn bị đầy đủ các bước nhằm sẵn sàng đối phó với những tác động tiềm ẩn của việc tái đàm phán NAFTA có khả năng thất bại và việc Mỹ tiến hành cắt giảm thuế doanh nghiệp.

Những biện pháp nhằm ổn định thị trường nhà đất và mục tiêu duy trì lạm phát quanh ngưỡng 2% cũng đang là ưu tiên mà các nhà hoạch định chính sách cần sớm triển khai. Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2019 sẽ là một "phép thử" lớn với nền kinh tế của quốc gia Bắc Mỹ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Canada: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.