Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xanh ngát nương chè Ba Trại

Đỗ Minh| 13/01/2019 07:25

(HNM) - Cách trung tâm Hà Nội chừng 60km, xã Ba Trại (huyện Ba Vì) là một vùng đồi núi mờ sương. Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu trong lành, những nương chè nơi đây xanh mướt quanh năm, để rồi kết tinh thành “Đệ nhất trà Hà thành” với hương thơm tự nhiên, vị đậm đà khác biệt.

Cây "xóa đói, giảm nghèo"

Trên con đường bê tông uốn lượn qua những nương chè, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Cứ thuộc thôn 3, xã Ba Trại - một trong những hộ trồng chè lâu đời nhất tại đây. Theo ông Cứ, ngay sau ngày miền Bắc được giải phóng (1954), gia đình ông là một trong những hộ dân đầu tiên đến sinh sống tại Ba Trại.

Chè Ba Trại so với nhiều vùng chè khác của Thủ đô có vị khác biệt, hương thơm tự nhiên, vị đậm đà, nước chè khi pha có màu xanh - sánh vàng mật ong. Nhấp ngụm trà đầu có vị chát nhẹ, sau đó vị ngọt đậm dần cùng hương thơm lan tỏa... Đó là vị hòa quyện, kết tinh của đất và trời Ba Trại cùng với bí kíp chọn chè, sao chè của người dân nơi đây...

Một trang trại trồng chè tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì).


“Ban đầu, chè chỉ để phục vụ nhu cầu người dân trong xã, sau tiến dần ra chợ huyện rồi chợ thành phố và nhiều tỉnh, thành lân cận. Lúc đó, người dân Ba Trại sống dựa vào những đồi chè kết hợp chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, theo thời gian, cây chè dần già cỗi, trong khi nông dân vẫn giữ tập tục canh tác lạc hậu nên năng suất, chất lượng chè giảm mạnh. Cùng với đó, giao thương vùng núi thời đó rất khó khăn khiến cây chè Ba Trại và người dân cứ loay hoay với cái nghèo, cái đói...” - ông Cứ trải lòng.

Nối câu chuyện, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại Đoàn Trọng Hùng tiếp lời: Khoảng 15-20 năm trước, nhiều hộ trồng chè đã chặt hạ đồi chè, bỏ vườn bãi đi làm ăn xa hoặc trồng những cây khác. Nhưng đất đồi cằn cỗi không dễ dung nạp những loại cây mới khiến người dân và chính quyền nơi đây cứ nhọc nhằn, trăn trở với xóa đói, giảm nghèo.

Sau nhiều lần thử nghiệm, bàn bạc, nghiên cứu... cây chè lại được lãnh đạo cùng người dân Ba Trại chọn để trồng bởi họ nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây chỉ phù hợp với cây chè. Như duyên lành, những nương chè được hồi sinh và Ba Trại bắt đầu công cuộc xóa đói, giảm nghèo từ chính cây chè...

Theo đó, hàng loạt giải pháp được các cấp chính quyền, các ngành chức năng cùng người dân triển khai tích cực. Được sự hỗ trợ và quan tâm của UBND huyện Ba Vì, Sở NN&PTNT Hà Nội, xã Ba Trại cải tạo những vườn chè già cỗi, xen canh trồng mới những nương chè.

Đặc biệt, qua các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ ngành Nông nghiệp, người trồng chè ở Ba Trại thay đổi phương thức sản xuất, hướng đến trồng chè sạch, chất lượng cao... Thêm nữa, nông dân Ba Trại được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ nhiều kênh nên đã có điều kiện đẩy mạnh chuyển đổi, mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị cây chè...

Chứng nhân của câu chuyện hồi sinh cây chè Ba Trại, chị Vũ Thị Tâm chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi có 1,5 mẫu chè nhưng bỏ mặc hàng chục năm, không chăm sóc; đến năm 2010, được ngành Nông nghiệp hỗ trợ, đưa giống mới vào trồng và cải tạo những vườn chè già cỗi... Nay cũng vẫn 1,5 mẫu chè đó, hằng năm, gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nếu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGAP thì giống chè mới cho năng suất cao gấp 3 lần so với giống cũ, chất lượng tốt hơn, được người tiêu dùng ưa chuộng. Sau 5 năm, từ hộ nghèo, gia đình tôi đã tạo dựng được cơ ngơi khang trang và có tích lũy để tiếp tục đầu tư sản xuất”.

Cũng như gia đình ông Cứ, chị Tâm... nhờ cây chè, cuộc sống của bà con Ba Trại dần bớt khó khăn và làm giàu. Đến nay, Ba Trại có 471ha trồng chè, trong đó gần 20ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP; hiệu quả kinh tế đạt 170-220 triệu đồng/ha/năm.

Đến nay, Ba Trại có 9/9 thôn được công nhận là làng nghề sản xuất và chế biến chè. Loại cây này thực sự trở thành nguồn thu nhập chính, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho Ba Trại. Nhờ vậy, năm 2017, Ba Trại là một trong những xã miền núi đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện, thu nhập bình quân của Ba Trại đạt 41,75 triệu đồng/người/năm...

Hướng đến phát triển du lịch làng nghề

Sau nhiều năm chuyển đổi, đưa giống mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ trồng chè nơi đây đã có vốn đầu tư công nghệ, máy móc phục vụ phun tưới, sao chè… “Giờ muốn cây chè phát triển bền vững phải sản xuất chè sạch, bảo đảm chất lượng. Ngay cả những vùng chè chưa được cấp giấy chứng nhận VietGAP, người dân cũng bảo nhau trồng theo quy trình chè sạch” - tay thoăn thoắt hái chè, chị Cao Thị Dung ở thôn 2 góp vui câu chuyện...

Không chỉ tạo ra sản phẩm chè chất lượng cao, những nương chè Ba Trại đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Chủ tịch UBND xã Ba Trại Nguyễn Đức Dần cho biết, làng nghề chè Ba Trại còn tham gia mô hình phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương nhằm tăng thu nhập cho bà con; đồng thời, bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống.

Năm qua, Ba Trại bắt đầu đón những đoàn khách tới trải nghiệm các công đoạn sản xuất chè thủ công. Được tận mắt ngắm những nương chè xanh mát, trải dài, uốn lượn theo triền đồi giữa không gian trong lành, thơ mộng; đặc biệt, tự tay hái chè, sao chè và mang về làm quà khiến nhiều du khách thích thú.

“Mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp làng nghề mới manh nha 1-2 năm nay nhưng đang mở ra hướng đi mới cho vùng chè Ba Trại” - ông Dần chia sẻ.

Mặc dù mô hình cây chè gắn với du lịch mới bắt đầu "bén rễ" nhưng đã tạo hiệu ứng khá tích cực. Về điều này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường nhận định: Mô hình sản xuất chè sạch, giá trị cao gắn với du lịch sinh thái tại Ba Trại đang là hướng đi hiệu quả và là cách quảng bá hữu hiệu cho sản phẩm này; đồng thời, đẩy mạnh một số dịch vụ phát triển. Ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tích cực hỗ trợ nguồn giống, khoa học kỹ thuật, kết nối mở rộng thị trường... để người dân Ba Trại thêm yên tâm với nghề, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng.

Rồi đây, với sự đầu tư đúng hướng về hạ tầng, canh tác, đặc biệt có sự kết nối của du lịch, bức tranh Ba Trại xanh ngát những nương chè sẽ trải rộng. Điểm xuyết trong đó là những ngôi nhà khang trang, tiện nghi... mời gọi du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm và thưởng thức vị trà của vùng xứ Đoài lừng danh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xanh ngát nương chè Ba Trại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.