Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng nông sản

Nguyễn Mai| 08/03/2019 08:02

(HNM) - Với khoảng 10 triệu người sinh sống, học tập, làm việc, đồng thời mỗi năm đón khoảng 20 triệu lượt du khách, ngành Nông nghiệp Hà Nội có nhiều lợi thế về thị trường (nội địa) cũng như xuất khẩu.


Đa dạng hóa sản phẩm

Hà Nội là thị trường tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm an toàn. Theo tính toán của Sở NN&PTNT Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu nông sản, thực phẩm cho người dân, mỗi ngày, thành phố cần khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau, quả các loại. Để đáp ứng nguồn cung, thành phố đã tập trung hỗ trợ phát triển xây dựng các vùng sản xuất nông sản trọng điểm có lợi thế cạnh tranh; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...

Sản xuất nấm công nghệ cao tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức). Ảnh: Thái Hiền


Đáng chú ý, thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ, Hà Nội đã hình thành và phát triển hơn 5.044ha rau an toàn (được cấp giấy chứng nhận); 76 xã chăn nuôi gia súc, gia cầm trọng điểm với 3.941 trang trại ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích 1.690ha. Thành phố cũng có hơn 1.000 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; xây dựng và duy trì được 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ...

Điển hình, ở mô hình trồng nấm công nghệ cao của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức), các khâu đều được ứng dụng công nghệ cao và giám sát chặt chẽ theo quy trình khép kín. Bà Dương Thị Thu Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao cho biết, dây chuyền công nghệ trồng nấm được đơn vị nhập khẩu từ Nhật Bản có thể sản xuất tối đa 3 tấn nấm mỗi ngày, chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…

Cùng với đó, Hà Nội còn xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu hàng hóa như: Gà đồi Ba Vì, gà Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, nhãn chín muộn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê...; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn rõ nguồn gốc, giúp người tiêu dùng dễ kiểm tra xuất xứ...

Chú trọng bảo đảm an toàn chất lượng

Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng việc kiểm soát, bảo đảm an toàn chất lượng nông sản thực phẩm trên địa bàn Hà Nội vẫn còn khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội), qua kiểm tra, cơ quan chức năng vẫn phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép trong một số mẫu rau. Nguyên nhân là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người dân để phòng trừ sâu bệnh gây hại vẫn chưa đúng, chưa bảo đảm thời gian cách ly, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm...

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) với khoảng 700 hộ kinh doanh. Đây là địa chỉ luôn được cơ quan chức năng thành phố lưu ý về chất lượng nông sản, thực phẩm, song do đặc thù chợ chủ yếu hoạt động về đêm, số lượng hộ kinh doanh vãng lai nhiều nên việc tuyên truyền bảo đảm an toàn nông sản, thực phẩm còn khó khăn.

Từ thực tế của đơn vị, ông Cao Thế Kiên - Trung tâm Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam cho rằng, trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng, vấn đề quản lý, kiểm soát và bảo đảm an toàn thực phẩm đặt ra hết sức cấp bách, đòi hỏi phải có biện pháp kiểm soát hiệu quả các hoạt động sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm. Trước hết, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm nông sản, thủy sản trước khi đưa ra thị trường; đồng thời cần thường xuyên kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện và ngăn chặn thực phẩm không an toàn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để tạo sự chuyển biến trong bảo đảm an toàn nông sản, thực phẩm, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm ngay từ cơ sở; chủ động lấy mẫu kiểm tra, tập trung vào các sản phẩm rau, thịt, thủy sản để giám sát chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật... Kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát là cơ sở để đưa ra các giải pháp ngăn chặn các vi phạm về nông sản, thực phẩm theo quy định. Mặt khác, Sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm, ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, ngành Nông nghiệp Hà Nội khuyến khích phát triển chuỗi liên kết cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc; nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản an toàn, áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn khác và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; hướng dẫn và giúp người tiêu dùng nhận biết được thực phẩm an toàn và thực phẩm không an toàn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.