Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khống chế không để xảy ra bệnh dịch cúm gia cầm

Đỗ Minh| 22/03/2019 14:04

(HNMO) - Ngày 22-3, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025.


Theo Bộ NN&PTNT, bệnh cúm gia cầm A/H5N1 lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào cuối năm 2003. Bệnh dịch đã xuất hiện tại 2.043 xã, phường, thị trấn với tổng số gia cầm bị tiêu hủy là hơn 45 triệu con. Giai đoạn 2007-2013, bệnh cúm gia cầm phát sinh rải rác trên các đàn gia cầm nhỏ lẻ của các hộ gia đình tại Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long với 842 xã, phường, thị trấn có gia cầm mắc bệnh. Từ năm 2014 đến nay, bệnh cúm gia cầm xuất hiện tại 332 xã, phường, thị trấn trong phạm vi cả nước. Trung bình mỗi năm, số gia cầm bị mắc bệnh cúm phải tiêu hủy là khoảng 90.000 con.

Không chỉ gây bệnh dịch trên đàn gia cầm, cúm gia cầm còn ảnh hưởng đến con người. Giai đoạn 2003-2009, vi rút cúm gia cầm đã lây nhiễm cho 112 người, trong đó có 57 người tử vong; giai đoạn 2010-2013, vi rút cúm gia cầm lây sang 13 người, trong đó có 5 người tử vong. Năm 2014, cúm gia cầm đã lây sang 2 người, gây tử vong. Từ đó đến nay, không phát hiện thêm ca bệnh cúm gia cầm nào trên người.

Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Qua đó, cơ bản đã kiểm soát được bệnh dịch này, trung bình hằng năm giảm 2,6 lần so với giai đoạn trước năm 2014.

Để kiểm soát bệnh dịch này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13-2-2019 về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025”.

Theo kế hoạch, cơ quan chức năng sẽ kiểm soát, khống chế không để bệnh dịch này xảy ra và lây lan diện rộng; chủ động giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống; xây dựng thành công các vùng, chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh… Cùng với đó, phân vùng để có cơ sở kiểm soát hiệu quả dịch bệnh này theo huyện có nguy cơ cao, huyện có nguy cơ thấp và hằng năm, căn cứ tiêu chí phân vùng, cơ quan quản lý thú y giám sát và quyết định chuyển đổi giữa các vùng nguy cơ; giám sát tại huyện nguy cơ thấp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khống chế không để xảy ra bệnh dịch cúm gia cầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.