Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm giải pháp phát triển gia súc ăn cỏ

Bài, ảnh: Kim Văn| 27/05/2019 07:47

(HNM) - Mặc dù đã có nhiều chính sách thúc đẩy nhưng thời gian qua, chăn nuôi gia súc ăn cỏ chưa phát triển. Trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng, chưa có dấu hiệu ngừng lại, việc tìm giải pháp phát triển gia súc ăn cỏ đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN& PTNT), mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách thúc đẩy song chăn nuôi gia súc ăn cỏ chưa phát triển. Cụ thể, năm 2018, cả nước sản xuất hơn 5,376 triệu tấn thịt các loại, trong đó thịt gia súc ăn cỏ chỉ đạt hơn 462 nghìn tấn (chiếm 8,6%); sản lượng còn lại là thịt lợn với 3,816 triệu tấn (chiếm 70,98%); thịt gia cầm 1,097 triệu tấn (chiếm 20,42%)...

Phát triển đàn bò sữa quy mô hàng hóa trên địa bàn huyện Ba Vì.


Về đánh giá trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, thành phố Hà Nội hội đủ các yếu tố để phát triển đàn gia súc ăn cỏ. Tuy nhiên, lĩnh vực chăn nuôi này trên địa bàn thành phố mới cung cấp cho thị trường Hà Nội khoảng 12 nghìn tấn thịt trâu, bò, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tiêu dùng…

Nguyên nhân chính khiến chăn nuôi gia súc ăn cỏ chưa phát triển do phương thức chăn nuôi còn nặng về truyền thống, nguồn thức ăn chủ yếu ở dạng tận dụng, quy mô nhỏ lẻ, năng suất thấp... Nhiều hộ chăn nuôi thiếu vốn, chưa nắm rõ kiến thức trong mở rộng đàn nuôi, chưa có phương pháp cải tạo và nâng cao chất lượng con giống…

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố chưa có doanh nghiệp đủ mạnh về lĩnh vực cung cấp thức ăn chất lượng cao phục vụ chăn nuôi bò thịt, bò sữa; chưa có doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò quy mô lớn...

Tại những địa phương có truyền thống chăn nuôi trâu, bò lớn trên địa bàn cả nước (Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Giang, Sơn La...), chăn nuôi gia súc ăn cỏ phụ thuộc chủ yếu nguồn thức ăn thô xanh từ hệ thống canh tác.

Tuy nhiên, ở nước ta chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu (đồng cỏ, bãi chăn thả tự nhiên...) cho trâu, bò; việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cỏ và thức ăn cho gia súc ăn cỏ gặp khó khăn…

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, để khắc phục hạn chế, thực hiện mục tiêu của Bộ NN&PTNT đến năm 2025, sản lượng thịt gia súc ăn cỏ đạt hơn 500 nghìn tấn, chiếm hơn 10% tổng sản lượng thịt các loại… Hà Nội cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Hiện Bộ NN&PTNT đã có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chất lượng cao trong chăn nuôi bò thịt; xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm; tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố tiếp cận các dự án chăn nuôi…

Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thịt và sản phẩm từ gia súc ăn cỏ đang đề xuất Bộ NN&PTNT rà soát, bổ sung quy hoạch chăn nuôi gắn với giết mổ, thị trường tiêu thụ; từng bước chuyển dần chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, phân tán sang quy mô trang trại, công nghiệp, phù hợp thực tế từng địa phương; rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách hỗ trợ, phát triển đàn trâu, bò nuôi kết hợp tăng cường đầu tư công nghệ chế biến...

Nhằm hoàn thành mục tiêu về sản lượng thực phẩm gia súc ăn cỏ và thiết thực hỗ trợ các địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường giao các đơn vị chức năng (thuộc Bộ) tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực chăn nuôi gia súc ăn cỏ quy mô hàng hóa, tương xứng với tiềm năng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động rà soát các chương trình, dự án, đề xuất giải pháp cụ thể tới các cấp, các ngành liên quan. Mặt khác, các doanh nghiệp cần lựa chọn sản phẩm để đầu tư tập trung; đồng thời, cần tích cực nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong chuỗi phát triển đàn gia súc ăn cỏ...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp phát triển gia súc ăn cỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.