Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội cho cả người sản xuất và người tiêu dùng

Nguyễn Mai| 22/09/2019 17:18

(HNMO) - Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Thủ đô lần đầu tiên được tổ chức tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, trong hai ngày 21 và 22-9 đã thành công vượt dự kiến.

 Khách tham quan, mua sắm tại hội chợ. Ảnh: Nguyễn Mai

Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Thủ đô có quy mô 170 gian hàng, gồm 2 khu: Khu trưng bày gồm 55 gian hàng và khu hội chợ có 115 gian hàng. Các mặt hàng tham gia hội chợ khá phong phú - hàng nông sản như rau, củ, quả, thịt, cá; hàng thủ công mỹ nghệ gồm mây tre đan, sơn mài, khảm trai, đồ mộc mỹ nghệ; và các sản phẩm trong chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của Hà Nội như dược liệu hữu cơ, mật ong, sữa tươi....

Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, trong hai ngày diễn ra hội chợ, không khí mua sắm khá nhộn nhịp. Bà Nguyễn Thị Thắng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên đánh giá: “Tôi thấy hàng hóa phong phú, các sản phẩm như rau, quả, gạo, thịt; giò, chả... có bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc nên rất yên tâm”. 

Tại gian hàng của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì bày bán các loại rau xanh, củ, quả... thu hút nhiều người tham quan, mua sắm. Ông Lưu Ngọc Nam, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, toàn bộ sản phẩm do Hợp tác xã liên kết với xã viên sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc, bao gói bảo đảm... nên tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Đến cuối ngày 21-9, gian hàng Dược liệu hữu cơ Sóc Sơn đã cơ bản bán hết sản phẩm. Bà Nguyễn Thanh Tuyền, chủ gian hàng này cho biết: “Chúng tôi đến hội chợ với mục đích trưng bày, giới thiệu là chính. Không ngờ, lại được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình. Sản phẩm dược liệu được chế biến dưới dạng trà, bánh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... nên thuận tiện khi sử dụng, phù hợp với người tiêu dùng thành phố. Tôi mong muốn, qua hội chợ sẽ đẩy mạnh liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ, hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nông thôn ...”.

Theo Ban tổ chức, ban đầu dự kiến thu hút khoảng 18 đến 20 nghìn lượt người tới tham quan, mua sắm, nhưng tính đến trưa ngày 22-9, hội chợ đã đón 28 nghìn lượt người, chủ yếu là người tiêu dùng. Khối lượng hàng hóa được giao dịch chưa có thống kê cụ thể nhưng có nhiều gian hàng đã bán hết sản phẩm trước khi bế mạc hội chợ.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định, qua hai ngày diễn ra Hội chợ, có thể thấy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao của người dân Hà Nội là rất lớn. Người dân và doanh nghiệp đều mong muốn có nhiều hơn các hội chợ để có thêm cơ hội mua sắm, giao thương, tạo mối liên kết bền chặt từ sản xuất đến tiêu thụ. Lần này, Sở Công Thương và Sở NN&PTNT Hà Nội đã chuẩn bị khá chu đáo từ việc lựa chọn đơn vị tham gia đến bố trí các gian hàng theo tiêu chuẩn. Để hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất... tham gia hội chợ, thành phố Hà Nội đã miễn phí 100% tiền thuê mặt bằng các gian hàng...

Hiện nay, Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đồng thời phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống và đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Dự kiến đến năm 2020, Hà Nội sẽ nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng từ 800 đến 1.000 sản phẩm OCOP theo 3 cấp là huyện, thành phố và trung ương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội cho cả người sản xuất và người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.