Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp: Hướng phát triển bền vững

Ngọc Quỳnh| 10/10/2019 07:14

(HNM) - Hà Nội đã, đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm hướng tới phát triển một nền nông nghiệp đô thị - nông nghiệp bền vững. Nhờ vậy, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã tạo được những bước chuyển tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhiều mô hình hiệu quả

Sự phát triển của Hợp tác xã Hoa, cây cảnh Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) là một minh chứng rõ nét về sự chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất truyền thống sang mô hình công nghệ cao. Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh Thụy Hương Nguyễn Duy Năm cho biết: Hiện nay, hợp tác xã có hơn 10ha trồng các loại hoa, cây cảnh, trong đó lan hồ điệp là loài hoa chủ lực với 90.000 cây được bán ra thị trường mỗi năm. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người chơi hoa Hà Nội, hợp tác xã đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể là xây dựng hệ thống nhà kính, nhà lưới rộng hơn 1.000m2; lắp đặt hệ thống điều hòa, máy điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng để hoa nở vào đúng dịp lễ, Tết. Nhờ đó, mô hình đã mang lại thu nhập cho hợp tác xã từ 1,8 đến 2 tỷ đồng/năm/ha. Trước đây cũng vùng đất này, nông dân trồng lúa, hoa màu cho thu nhập chỉ khoảng 100-150 triệu đồng/ha/năm.

Chăm sóc rau thủy canh tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì). Ảnh: Bá Hoạt

Tương tự, từ việc áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất (chuyển giao từ các chuyên gia Hà Lan và Học viện Nông nghiệp Việt Nam), mô hình trồng măng tây của người dân xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) đã mang lại thu nhập tiền tỷ cho chủ vườn mỗi năm. Ông Lê Đức Trịnh, Giám đốc Hợp tác xã Rau, quả Hồng Thái cho hay: Được trồng với diện tích 3ha, trong đó có 1,2ha trồng trong nhà kính, năng suất cây măng tây hiện đạt 3kg/sào/ngày. Hiện giá bán măng tây xanh là 90.000 đồng/kg và măng tây trắng 150.000 đồng/kg. Như vậy, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi khoảng 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 10 lần so với trồng ngô.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành, với việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến nay, trên địa bàn huyện đã có 27 mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở các xã như: Sơn Hà, Nam Phong, Hồng Thái, Khai Thái..., cho thu nhập đạt 1-2 tỷ đồng/ năm/mô hình, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhận định: Thành công lớn nhất của ngành Nông nghiệp Thủ đô là phát triển sản xuất hàng hóa, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Những năm gần đây, Hà Nội đã chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất công nghệ cao, tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực (toàn thành phố hiện có 133 mô hình). Mặc dù các mô hình này quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế; đồng thời góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác của Hà Nội (hiện đạt trung bình 259 triệu đồng/ha/năm).

Phát triển theo hướng hiện đại

Nông nghiệp Hà Nội đã có sự phát triển đáng ghi nhận, nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, tăng trưởng nông nghiệp chưa cao. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều bất cập. Công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất vẫn hạn chế... Do vậy, Hà Nội chưa có nhiều mặt hàng nông sản mang thương hiệu lớn, vững vàng trên thị trường quốc tế.

Từng bước khắc phục hạn chế, tồn tại, các địa phương trên địa bàn thành phố đang hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn, vệ sinh thực phẩm. Trao đổi về việc này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết: Huyện đang tập trung hỗ trợ người dân về vốn, khoa học kỹ thuật để đưa cây, con giống chất lượng cao vào sản xuất, hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, xây dựng thương hiệu nông sản, chuỗi liên kết, truy xuất nguồn gốc xuất xứ để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng có lợi thế.

Khẳng định việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ với mục tiêu, từng bước đưa nền nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng bền vững, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn gắn với lợi thế và thị trường. “Với phương châm “nhiều vùng nhỏ cộng lại thành vùng lớn”, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân trong một hợp tác xã cùng sản xuất một sản phẩm thế mạnh như rau, hoa, cây ăn quả... và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp liên kết với nông dân để tư vấn về quy trình, kỹ thuật canh tác, cùng với ngành Nông nghiệp tạo ra những chuỗi sản phẩm có giá trị cao. Mặt khác, Hà Nội tập trung phát huy lợi thế vùng miền về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển các loại cây, con đặc sản, từng bước tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Cùng với những giải pháp nêu trên là triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất về vốn, cơ sở hạ tầng...; tăng cường nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và liên kết “4 nhà” để tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân 3,5-4%/năm trở lên, Hà Nội chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu tỷ trọng giá trị sản phẩm lĩnh vực này đạt 25-35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp: Hướng phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.