Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn có hàng triệu ô tô phải triệu hồi vì lỗi túi khí

Hoàng Linh| 12/02/2019 11:45

(HNMO) - Sáu năm kể từ sau lần triệu hồi đầu tiên cùng 23 vụ va chạm chết người, những hậu quả từ bê bối túi khí của Takata vẫn tiếp diễn.

Subaru sẽ là hãng xe triệu hồi nhiều sản phẩm nhất trong năm 2019 do bê bối của Takata.


Mới đây, Daimler và Ferrari đã “bổ sung” 1,7 triệu xe, trong khi Toyota, Honda, Ford và Fiat Chrysler Automobiles cũng công bố lệnh triệu hồi năm 2019 của mình, với tổng cộng hơn 5 triệu xe trên toàn cầu. Tất cả đều chỉ để thay thế linh kiện trong cụm túi khí.

Tính tới tháng 12-2018, đã có ít nhất 50,36 triệu bộ kích nổ túi khí được các nhà sản xuất ô tô trên toàn cầu triệu hồi xe để thay thế. Tuy nhiên, vẫn còn tới 23 triệu xe cần phải tiếp tục thực hiện công việc này, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông đường bộ Mỹ (NHTSA).

Nếu không có gì thay đổi, trong đợt triệu hồi năm nay, Subaru sẽ là thương hiệu sẽ triệu hồi nhiều xe nhất, lên tới 826,144 chiếc, gồm cả crosover Forester, wagon Outback, sedan Legacy. Số xe này được sản xuất từ năm 2010 đến hết năm 2014. Tiếp theo là Mercedes-Benz và Daimler Vans, với 288.779 xe và 159.689 xe tương ứng. Về phần mình, Volkswagen (và công ty con Audi) đã thông báo sẽ triệu hồi 119.934 xe, còn BMW triệu hồi 266.044 xe.

Điều gây nhiều bất ngờ là cả Tesla cũng bị ảnh hưởng. Hãng xe điện Mỹ hiện đã có kế hoạch thay thế túi khí Takata trên 68.763 chiếc Model S (sản xuất trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2016). Về phần mình, Ferrari cũng sẽ triệu hồi thay thế 11.176 xe (niên hiệu 2014 đến 2018). Thực tế, việc các xe Ferrari về sau này vẫn sử dụng túi khí Takata bất chấp bê bối là điều khiến nhiều người phải ngạc nhiên, bởi lẽ những rắc rối đã xảy ra suốt từ năm 2013.

Tháng 6-2017, Takata đã chính thức đệ đơn xin phá sản, ngay cả ở quê nhà Nhật Bản. Bản thân tập đoàn này cũng bế tắc trong việc bồi thường cho khách hàng, đối tác cũng như chính phủ các nước, và buộc phải bán mọi tài sản cho Key Safety System với giá 1,6 tỷ USD.

Sau đợt thâu tóm này, hãng sản xuất linh kiện Nhật Bản đã được đổi tên thành Joyson Safety Systems. Rắc rối hơn, mặc dù Joyson vẫn đặt trụ sở tại Michigan (Mỹ), nhưng công ty mẹ mới của Takata lại sẽ là doanh nghiệp Trung Quốc có tên Ningbo Joyson Electronic, đơn vị vốn đã mua lại Key Safety System từ năm 2016 với giá 920 triệu USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn có hàng triệu ô tô phải triệu hồi vì lỗi túi khí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.