Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển mạng xã hội, công cụ tìm kiếm của Việt Nam: Lợi ích cho cả xã hội và doanh nghiệp

Việt Nga| 29/07/2019 07:55

(HNM) - Trước những bất cập trong cách hoạt động của Facebook và Google hiện nay, việc xây dựng mạng xã hội mới của Việt Nam tôn trọng luật chơi, tuân thủ pháp luật và một công cụ tìm kiếm có kết quả đáng tin cậy là cần thiết. Không chỉ có vậy, việc tạo ra mạng xã hội, công cụ tìm kiếm của Việt Nam cũng được kỳ vọng tạo ra lợi ích kinh tế cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước...

Lành mạnh môi trường quảng cáo số

Một thống kê trên trang statista.com (cổng thông tin trực tuyến chuyên về thống kê của Đức) dự báo, thị trường quảng cáo số tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng “phi mã” trong thời gian tới, dự kiến có thể đạt 3 tỷ USD vào năm 2025.

Theo số liệu của công ty chuyên về nghiên cứu thị trường ANTS cũng cho thấy, Google, Facebook chiếm gần 70% thị phần quảng cáo số tại thị trường Việt Nam, 30% còn lại thuộc về các doanh nghiệp nội dung số và báo điện tử trong nước. Như vậy để thấy, “miếng bánh” quảng cáo số tại Việt Nam đang rất hấp dẫn, nhưng lại đang “nằm” chủ yếu ở các nhà cung cấp nền tảng nước ngoài.

Mạng xã hội Mocha được Viettel phát triển theo mô hình siêu ứng dụng, hiện được giới trẻ ưa chuộng. Ảnh: Hải Anh

Tuy chiếm doanh thu rất lớn từ thị trường quảng cáo số Việt Nam, nhưng cả Google và Facebook lại liên tục vi phạm pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực quảng cáo. Về vấn đề này, Báo Hànộimới đã có bài viết "Ngăn tin nhắn rác, chặn cuộc gọi lừa" số báo ra ngày 15-6-2019, phản ánh trường hợp của ông Bình Minh (chủ thuê bao 0913xxxx931) 4 lần gọi điện đến đầu số tổng đài bị trừ tiền cước khoảng 200.000 đồng.

"Ban đầu tôi vào Google tìm kiếm với dòng chữ "Tổng đài chăm sóc khách hàng nhà mạng... X" và tôi đã lấy số điện thoại từ kết quả tìm kiếm để gọi đến nhà mạng. Trớ trêu, số điện thoại gọi không phải là tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng, mà là tổng đài mạo danh, do chủ sở hữu bỏ tiền mua quảng cáo từ Google để được đặt ở vị trí hiển thị thuận lợi nhằm giăng bẫy, lừa đảo khách hàng...” - ông Bình Minh chia sẻ.

Không chỉ Google, mạng xã hội Facebook cũng cho phép các quảng cáo bất hợp pháp, chỉ cần người mua trả tiền. Cụ thể, Facebook cho phép quảng cáo tiền giả, hàng giả, vũ khí… công khai. Đây là hành vi mà pháp luật Việt Nam cấm và nếu vi phạm sẽ bị xử lý hình sự.

“Facebook cũng chấp thuận cho các quảng cáo nói xấu, bôi nhọ, gây ảnh hưởng, thiệt hại đến cá nhân, doanh nghiệp... Nhưng, khi có ý kiến của cơ quan chức năng Việt Nam, Facebook vẫn thờ ơ, bất hợp tác, không gỡ bỏ hết các nội dung vi phạm, hoặc có gỡ bỏ thì cũng rất lâu sau đó...” - ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề cập.

Về các vi phạm của Google và Facebook, Bộ Thông tin và Truyền thông đã, đang phối hợp với cơ quan chức năng triển khai các biện pháp kinh tế, kỹ thuật để làm lành mạnh môi trường quảng cáo số trong nước. Cũng từ vấn đề này, câu chuyện về phát triển hệ sinh thái số Việt Nam, mà nòng cốt là xây dựng mạng xã hội và công cụ tìm kiếm của người Việt đặt ra từ cuối năm 2018 đã "nóng" trở lại.  

Cần tuân thủ luật chơi

Nói về việc xây dựng, phát triển mạng xã hội và công cụ tìm kiếm của người Việt, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, việc xây dựng này không nhằm thay thế, hoặc cấm đoán sản phẩm tương tự khác, mà nhằm thúc đẩy hệ sinh thái số phát triển lành mạnh. Thực tế, các doanh nghiệp trong nước cũng đã phát triển thành công mạng xã hội được người dùng trong nước sử dụng.

Điển hình là mạng xã hội Zalo (của Công ty cổ phần VNG) có 46,7 triệu người dùng, Mocha (của Tập đoàn Viettel) có 4,8 triệu người dùng. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhiều lần kỳ vọng các doanh nghiệp kể trên cần tiếp tục hoàn thiện để đưa mạng xã hội này thu hút người dùng nhiều hơn nữa.

Trong một phát biểu mới đây tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, cần tạo ra một cách tiếp cận mới về mạng xã hội. Đó là, những người tham gia phải được chia sẻ những giá trị mà mạng xã hội đó tạo ra, được tham gia quyết định luật chơi và phải được bảo vệ trên đó. Tương tự, với công cụ tìm kiếm, mỗi câu hỏi đặt ra, có tới hàng triệu kết quả trả lời, vậy cũng cần có một câu trả lời có độ tin cậy.

Ủng hộ quan điểm này, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam nhận định: "Đó là mục tiêu cần thiết và trong sáng. Vì việc xây dựng mạng xã hội và công cụ tìm kiếm của người Việt không chỉ đem lại lợi ích cho xã hội, người dùng Việt Nam, mà còn đem lại lợi ích kinh tế từ nguồn thu quảng cáo số, từ đó tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước. Hoạt động cung cấp mạng xã hội phải có giấy phép "dù bất cứ lý do gì" và đó là cách bảo vệ người dùng và việc kinh doanh của chính mình".

Về việc phát triển mạng xã hội, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: "Mocha của Viettel được phát triển là một nền tảng, hoạt động như một super app (siêu ứng dụng) cung cấp các dịch vụ chăm sóc khách hàng, các dịch vụ thanh toán... Viettel đã, sẽ tiếp tục phát triển để đưa Mocha phục vụ rộng rãi tại thị trường trong và ngoài nước...".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển mạng xã hội, công cụ tìm kiếm của Việt Nam: Lợi ích cho cả xã hội và doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.