Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên quyết xử lý hành vi lấp sông Cà Lồ

Bài, ảnh: Kim Nhuệ| 24/04/2019 07:44

(HNM) - Thời gian gần đây, sông Cà Lồ, đoạn thuộc địa phận huyện Đông Anh và Sóc Sơn bị xâm hại nghiêm trọng, đe dọa an toàn công trình phòng, chống thiên tai, giao thông đường sắt... Vi phạm đã rõ, nhưng bao giờ chính quyền địa phương xử lý dứt điểm đang là vấn đề dư luận quan tâm.


Đầu năm 2019, tại xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn) xuất hiện con đường lấn sông Cà Lồ, rộng từ 6m đến 9m, dài hơn 400m cắt ngang tuyến đường sắt Đông Anh - Quán Triều, đoạn gầm cầu đường sắt Phù Lỗ. Con đường được hình thành bởi hàng chục nghìn mét khối phế thải xây dựng và được gia cố bằng 30m tường bê tông cốt thép, rộng 0,45m, cao 3,4m, có móng chân vạc ra phía lòng sông rộng khoảng 2,5m... Vi phạm này xảy ra hồi cuối năm 2018 và đã bị đơn vị quản lý tuyến đường sắt lập biên bản, đề nghị UBND xã Phù Lỗ xử lý.

Công trình xây dựng trái phép ở xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn) vi phạm nghiêm trọng pháp luật đê điều, giao thông.


Gần đối diện công trình vi phạm nêu trên, khoảng 200m chiều dài, 50m chiều rộng hành lang bảo vệ tuyến đê cấp III và bãi sông Cà Lồ (đoạn K0+160 thuộc địa bàn xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) đã bị ông Nguyễn Trọng Thư (trú tại xã Xuân Nộn) đổ phế thải xây dựng tạo mặt bằng và trồng cây. Vi phạm này xảy ra hồi cuối tháng 12-2018 và đã bị Hạt Quản lý đê số 4 lập biên bản, yêu cầu UBND Xuân Nộn xử lý… Cũng trên tuyến đê này, đoạn K7+300 thuộc địa bàn xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh), ông Lê Quang Hùng (trú tại xã Thụy Lâm) đã đổ phế thải vào hành lang bảo vệ tuyến đê và bãi sông để tạo mặt bằng xây dựng chuồng trại chăn nuôi… Vi phạm này xảy ra hồi cuối tháng 7-2017 và đã bị Hạt Quản lý đê số 4 lập biên bản, yêu cầu UBND xã Thụy Lâm xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, những vi phạm trên đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm...

Giải thích sự việc trên, Chủ tịch UBND xã Xuân Nộn Tạ Đức Minh cho biết, tháng 6-2018, huyện Đông Anh giao hơn 5.000m2 đất bãi sông Cà Lồ cho ông Nguyễn Trọng Thư cải tạo để trồng cây, phát triển kinh tế trang trại. Ông Nguyễn Trọng Thư được phép san gạt và đổ lớp đất mỏng vào khu đất để trồng cây. Khi phát hiện ông Nguyễn Trọng Thư đổ phế thải xây dựng, xã đã yêu cầu chấm dứt việc làm này, ông Nguyễn Trọng Thư đã chấp hành. Tuy nhiên, do khu đất nằm xa khu dân cư, gần quốc lộ 23… nên một số đối tượng ở địa phương khác lợi dụng đêm vắng đã đổ trộm phế thải xây dựng vào khu đất của ông Nguyễn Trọng Thư. Thực hiện chỉ đạo của các cấp, hiện nay xã đã yêu cầu ông Nguyễn Trọng Thư có biện pháp bảo vệ khu đất; đồng thời, bốc xúc toàn bộ khối lượng phế thải xây dựng. Nếu ông Nguyễn Trọng Thư không chấp hành, UBND xã sẽ đề nghị thanh lý hợp đồng.

Tại Phù Lỗ, Chủ tịch UBND xã Lê Hồng Văn cho biết, trước đây, dưới gầm cầu đường sắt Phù Lỗ đã có con đường đủ cho xe tải trọng 5 tấn chạy qua. Do nhu cầu thăm viếng nghĩa trang nên nhân dân địa phương đã tự ý xây dựng, mở rộng tuyến đường. Khi phát hiện, xã đã yêu cầu nhân dân ngừng thi công tuyến đường trên...

Trước việc chậm xử lý vi phạm, huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo xã Phù Lỗ làm rõ chủ thể vi phạm và yêu cầu chủ thể vi phạm bốc xúc, vận chuyển phế thải, phá dỡ công trình vi phạm, hoàn trả nguyên trạng hành lang bảo vệ kết cấu đường sắt, dòng chảy tiêu thoát lũ sông Cà Lồ trước ngày 30-4. Nếu không xác định được chủ thể vi phạm, UBND xã Phù Lỗ chịu trách nhiệm giải tỏa công trình. Nếu tiếp tục không hoàn thành nhiệm vụ này, huyện Sóc Sơn sẽ xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Phù Lỗ và cá nhân liên quan…

Còn tại Đông Anh, UBND huyện đã phê bình Chủ tịch UBND xã Xuân Nộn và Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm; đồng thời, yêu cầu chủ tịch hai xã trên chỉ đạo xử lý dứt điểm các vi phạm, hoàn thành trước ngày 30-4. “Quá thời hạn nêu trên, nếu các xã chưa xử lý, UBND huyện Đông Anh sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo hai xã này”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết xử lý hành vi lấp sông Cà Lồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.