Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơm bụi Hà thành xưa và nay (tiếp theo)

Nguyễn Ngọc Tiến| 17/06/2013 06:15

(HNM) - Chính quyền không cho phép bán hàng rong và cơm ở khu phố Pháp nên quán cơm tập trung nhiều ở khu phố cổ...


Trong phóng sự "Cơm thầy, cơm cô" của Vũ Trọng Phụng đăng trên "Hà Nội báo" năm 1936, mở đầu chương I nhà văn viết: "Tôi không cần nói rõ hàng cơm nào, ở phố nào làm gì. Các ngài chỉ cần biết rằng một hàng cơm như nghìn vạn hàng cơm khác, nghĩa là khi ta mới bước chân vào thì bổn phận ta là lập tức thấy buồn nôn buồn ọe. Nó là mùi cá mè, mùi thịt trâu, thịt lợn thiu, mùi lòng lợn, lòng bò, mùi me chua, mùi dưa khú... Thôi thì đủ một trăm nghìn thứ mùi khó chịu mà lạ nhất là nó không hề bận đến hai lỗ mũi của bà chủ luôn luôn nắm trong tay cái quạt nan, cởi trần trùng trục và thỉnh thoảng lại cao hứng vén quần lên đến bẹn mà gãi sồn sột, tự nhiên như đàn ông".

Cái hàng cơm mà Vũ Trọng Phụng không muốn nói tên nằm ở phố Hàng Chiếu, nơi có "chợ đưa người" (dân lao động các tỉnh chờ việc, cứ sáng ra đứng ở vỉa hè, ai có việc gì thì qua đấy tìm người làm), chị em mới sinh con nhưng không giữ được chờ người đến thử sữa. Các quán cơm ở đây không chỉ bán cho dân tứ chiếng. Từ một quán cơm, Vũ Trọng Phụng đã vẽ nên bộ mặt xã hội Hà Nội thời Pháp thuộc với đủ thứ tha hóa, nhố nhăng. "Chữ trinh đáng giá nghìn vàng" cũng không còn ý nghĩa gì khi một thanh niên và cô gái mới lớn cùng làm thuê ở quán cơm này rủ nhau vào nhà trọ giữa ban ngày.

Một quán cơm bụi dành cho sinh viên và người lao động ngày nay.


Năm 1936, "Hà Nội báo" đăng án mạng liên quan đến cơm đầu ghế. Quán cơm bà Béo ở gần Bến xe ô tô Kim Liên (nay là phố Nguyễn Quyền) rất đông khách, buổi trưa phu phen, dân chờ xe ngồi ăn vòng trong vòng ngoài. Chồng và hai đứa con bà Béo cũng tham gia bưng bê và dọn bàn, họ làm việc nhịp nhàng và không bao giờ thấy tiếng quát mắng. Sát bên cạnh cũng có một quán cơm nhưng không hiểu sao vắng ngắt, thi thoảng mới có khách vào. Một hôm, lúc quán đang đông thì một người đàn ông trung tuổi mặt đỏ gay vì rượu đứng lên chửi: "Mẹ cha nó, nó nấu giả cầy bằng thịt chuột, đây bà con xem đây có đúng là cái đuôi chuột cống không?". Nói xong ông này cầm cái đuôi chuột giơ lên rồi sang quán bên cạnh gọi thức nhắm và rượu uống tiếp. Biết chuyện chẳng lành, bà Béo đứng dậy xông sang chỉ mặt ông khách: "Nó cho mày đéo nó, nó cho mày uống rượu rồi nó sai mày làm bậy để hại nhà tao, loại đàn ông bất tài hại người thì trời chu đất diệt cả nhà mày". Gã trung niên đứng dậy vừa đấm vừa chửi bà Béo "Mày dám chửi bố mày à!". Thấy vợ bị đánh, lão chồng hiền như đất cầm con dao nhọn đâm một nhát vào bụng làm gã kia đổ xuống đất, thực khách "mặt xanh nanh vàng" nháo nhác chạy tiệt. Cả nhà bà Béo rút về quán rồi đóng cửa. Một lúc sau cảnh sát đến bắt cả nhà đưa ra bót. Ông chồng bị xử tử, dân hàng phố đồn chủ quán cơm bên cạnh thấy vắng khách đã bày trò thuê dân anh chị phá đám, nhưng không ngờ sự việc diễn ra quá ý muốn.

Cùng với cơm đầu ghế, Hà Nội xuất hiện những quán cơm với đủ các món dân dã, nấu rất khéo đã thay đổi thói quen ăn cơm nhà của không ít gia đình. Trong những năm 1940, nổi tiếng nhất có quán cơm ở phố Đồng Nhân với canh cua, cà pháo, canh thịt nấu sấu, tép rang hành mỡ... bữa tối còn có cả khách đi ô tô. Quán tồn tại đến năm 1954 thì chủ quán di cư vào Nam, gây dựng thương hiệu "Cơm Đồng Nhân" nổi tiếng ở Sài Gòn.

Cơm mậu dịch


Năm 1960, các cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh ra đời thì các quán cơm đầu gánh cũng bị dẹp bỏ. Cửa hàng ăn uống bán đủ thứ; ăn có: Phở, cơm, canh, bánh mì...; bánh ngọt có: Bánh sừng bò, xốp, bánh quả; đồ uống có: Cà phê đá, nước chanh, xi rô...

Ai ăn cơm thì phải có tem gạo 250 gam thêm 3 hào được suất cơm. Cơm nấu bằng gạo cũ rời rạc kèm bát canh và chút thịt lợn kho hay đậu kho. Do cửa hàng ăn bớt tiêu chuẩn nên có câu "canh toàn quốc, nước chấm đại dương" (canh ít rau chủ yếu là nước, nước chấm bằng muối pha loãng). Cũng có cửa hàng bán thêm thức ăn ngoài, thế nên mới có giai thoại mậu dịch viên nói tắt khi báo cho nhà bếp "3 chó mới vào, 2 lợn ăn thêm" (ba người mới vào ăn thịt chó, hai người đang ăn dở gọi thêm thịt lợn). Những năm 60 của thế kỷ trước dân các tỉnh cũng trở về quê khá nhiều nhưng vẫn còn không ít người ở lại Hà Nội đạp xích lô hay buôn thúng bán mẹt vì họ cho rằng "giàu nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội". Không còn cơm đầu ghế, họ đành phải ăn mậu dịch, muốn ăn cơm mậu dịch họ phải tìm đến các bà các cô phe tem phiếu mua tem gạo. Tuy nhiên thì ở Ga Hàng Cỏ, Bến Nứa, Bến xe Kim Liên vẫn có người bán cơm chui, công an bắt họ bê thúng trốn vào nhà vệ sinh. Cơm và thức ăn cho cả vào một bát nhưng sau công an bắt đưa vào đồn, tịch thu hết đồ đạc và phải viết bản kiểm điểm nên họ bỏ nghề.

Thiếu gạo, Nhà nước bán một phần trong tiêu chuẩn lương thực là bột mì (sau năm 1975 là bo bo), năm 1973 còn phải ăn bánh mì. Sáng ra xe đẩy của ngành lương thực chở đầy bánh mì đến các tiểu khu, mang sổ ra lấy bao nhiêu cái thì họ ghi vào sổ khiến nhà nào cũng ngán ngẩm. Trong khi đó ăn cơm mậu dịch lại không phải ăn độn nên ông Trần Thanh Minh, lái xe Xí nghiệp Vận tải số 3, nhà phố Đại La đã nghĩ ra trò xin giấy đi công tác rồi mang ra cửa hàng lương thực đổi tem gạo. Còn vợ ông công tác tại cơ quan Thú y Trung ương cũng khéo léo xin giấy đi tiêm phòng cho lợn ở Tuyên Quang cũng đổi được tem. Có tem gạo, hai vợ chồng và 4 đứa con đi ăn cơm mậu dịch, thế là thoát ăn độn. Nhưng ăn ở Cửa hàng Ăn uống Chợ Mơ đến ngày thứ ba thì bị công an hỏi thăm "lấy đâu ra lắm tem gạo mà ngày nào cũng ăn cơm mậu dịch", ông Minh khéo léo giải thích nên công an tha không đưa về đồn. Sợ quá, hôm sau chuyển đến cửa hàng ở Vọng, rồi lên phố Huế, có hôm cả nhà đèo nhau xuống tận thị trấn Văn Điển. Mỗi cửa hàng chỉ ăn hai ngày cho đến khi hết chỗ tem mới về nhà nấu ăn.

Cơm bụi hôm nay

Hết quý IV năm 1988, Nhà nước bỏ hẳn chế độ gạo cung cấp và tem phiếu. Sang năm 1989, các doanh nghiệp nhà nước phải tự hạch toán lỗ lãi và cũng trong năm này Nhà nước ban hành Nghị định 176, giải thể doanh nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ, công nhân "nghỉ hưu một cục". Để mưu sinh, họ phải lao ra đường kiếm sống, không còn cửa hàng ăn uống, nhiều người mở quán bán cơm bình dân. Sau hơn 30 năm cơm mậu dịch, cơm bình dân xuất hiện trở lại theo đúng quy luật thị trường.

Tuy nhiên khác với cơm đầu ghế trước năm 1954, cơm bình dân thời kỳ này không chỉ dân lao động ngoại tỉnh ăn mà cả cán bộ, công nhân viên cũng chén. Lý do phải ăn vì giờ làm việc đã thay đổi, giờ nghỉ trưa còn có 1 tiếng thay vì 2 tiếng như trước kia. Cơm bình dân là cách gọi của người miền Nam, xem ra là đúng bản chất của kiểu quán cơm này. Nhưng dân giã lại gọi là "cơm bụi", có lẽ là do bán ở vỉa hè bụi bặm? Nếu thế sao không gọi là "phở bụi" hay "bún bụi"? Báo "Người Hà Nội" số Tết Giáp Tuất 1994 đăng bài thơ "Cơm bụi ca" của Nguyễn Duy. Tất nhiên từ "cơm bụi" không phải Nguyễn Duy nghĩ ra nhưng nó là bài thơ viết về đề tài này: "Xa nhau cực nhớ cực thèm/ Ai về Hà Nội gửi em đôi nhời/ Cô đầu thời các cụ chơi/ Ta đây cơm bụi bia hơi tà tà.../ Cơm đầu ghế bát ngát ngay vỉa hè /Cực kỳ, gốc sấu gốc me/ Cực ngon cực nhẹ cực nhòe em ơi/ Đừng chê anh khoái bụi đời/ Bụi dân sinh ấy bụi người đấy em/ Xin nghe anh nói cực nghiêm/ Linh hồn cát bụi ở miền trong veo/ Rủ nhau cơm bụi giá bèo/ Yêu nhau theo mốt nhà nghèo vô tư".

"Cơm bụi" ở Việt Nam cũng như bánh kẹp ở phương Tây, và "cơm bụi" là dịch vụ không thể thiếu được trong một xã hội hối hả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơm bụi Hà thành xưa và nay (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.