Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Phù phép” đất công thành đất tư

Bảo Nga - Chí Kiên| 06/11/2014 05:57

(HNM) - Hàng chục nghìn mét vuông


Cán bộ đi đầu trong… vi phạm

Phản ánh với PV Báo Hànộimới, một số người dân đại diện cho hàng trăm hộ dân ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức cho biết: Lợi dụng chủ trương dồn điền đổi thửa, lãnh đạo xã Đồng Tâm đã cấu kết, cố tình làm sai chính sách về quản lý đất đai, tự ý để lại diện tích quỹ đất II (quỹ đất công) lên tới hàng chục phần trăm (vượt quá mức quy định quỹ đất II chiếm không quá 5% diện tích đất nông nghiệp). 

Khu đất ở xứ đồng Đồn vẫn ngổn ngang nhà cửa, bê tông sau khi các hộ dân tự tháo dỡ.


Trước thông tin này, cơ quan chức năng huyện Mỹ Đức đã vào cuộc xác minh, làm rõ quỹ đất công của xã để lại từ năm 1993 đến nay lên đến 27,7%, tương đương 103ha. Số ruộng đất thừa ra quá lớn đã tạo kẻ hở cho một số cán bộ lãnh đạo có chức, quyền tại địa phương tự ý chiếm đoạt đất công, mua, bán trái phép hoặc ngang nhiên xây dựng nhà ở... khiến người dân vô cùng bất bình. Đơn cử, theo tố cáo của người dân, năm 1974, HTX Nông nghiệp Đồng Tâm cho ông Nguyễn Văn Chanh (bộ đội đóng quân tại địa phương) mượn một mảnh đất có diện tích 360m2 tại phía bắc tỉnh lộ 429, trong giấy tờ ghi rõ: "Cho ông Chanh mượn thửa đất 360m2 để làm nhà ở tạm, khi nào không ở nữa thì phải trả lại đất cho HTX Nông nghiệp xã Đồng Tâm". Thế nhưng, năm 1990, trước khi chuyển về quê tại Thái Bình, ông Chanh đã dùng ngay khu đất mượn của HTX Nông nghiệp Đồng Tâm để… chuyển nhượng cho ông Trần Văn Viễn! Lẽ ra khi phát hiện sự việc, UBND xã Đồng Tâm phải thu hồi diện tích đất và giấy tờ mượn đất của ông Chanh để trả về cho HTX Nông nghiệp Đồng Tâm, nhưng trái lại, một số cán bộ xã lại tạo điều kiện cho ông Chanh bán số đất mượn nêu trên, đồng thời hoàn thiện thủ tục hồ sơ, cho phép ông Viễn sử dụng trái phép 1,2ha ngay mặt tiền tỉnh lộ 429. Cũng theo người dân, năm 2008 gia đình ông Viễn đã chuyển nhượng hàng nghìn mét vuông đất cho nhiều cá nhân, còn lại khoảng 6.000m2 hiện đang được gia đình ông sử dụng trái phép... Trước tình trạng sai phạm tràn lan trong quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, phần lớn người dân ở Đồng Tâm không chấp nhận việc dồn ô, đổi thửa. Nhiều hộ dân không nhận đất hoặc bỏ hoang.

Mặt khác, cũng theo tố cáo, khoảng năm 2005-2006, xã Đồng Tâm triển khai chủ trương dồn điền đổi thửa. Không hiểu vì lý do gì mà trong số 12 hộ nộp đơn xin chuyển đổi ruộng đất quỹ cơ bản (đất ruộng theo khẩu) về khu vực xứ đồng Đồn có đến 11 hộ là cán bộ hoặc người nhà của cán bộ xã (!?). Đây chính là lý do trong quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa, HTX và UBND xã đã buông lỏng quản lý, tổ chức chia và dồn ruộng thiếu công bằng, dẫn tới... giao thừa đất cho một số hộ dân. Kết quả, nhiều thành viên trong BCH Đảng bộ xã Đồng Tâm đã chia nhau sở hữu mỗi người một suất đất rộng tới vài nghìn mét vuông tại đồng Đồn, khu vực đối diện cổng Trường bắn Miếu Môn, giáp tỉnh lộ 429. Trong số này có những cán bộ chủ chốt của xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức như Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Nguyễn Văn Tới, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm Nguyễn Văn Đức, Phó trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mỹ Đức (nguyên là lãnh đạo xã Đồng Tâm) Lê Đình Tuyến... Sau khi được "tặng" đất, một số cán bộ đã tự ý dựng nhà sàn, xây nhà ở kiên cố, cho thuê làm chuồng trại chăn nuôi trên diện tích đất nông nghiệp. Chỉ đến khi vụ việc vỡ lở, người dân phát hiện, thanh tra vào cuộc và kết luận, những cán bộ này mới vội vàng phá dỡ phần xây dựng trái phép và chuồng trại chăn nuôi. Được biết, trong bảng giá đất được UBND TP Hà Nội ban hành tháng 12-2013, đất ven tỉnh lộ 429 có giá trị cao nhất tại xã Đồng Tâm, nhiều vị trí được định khung 4 triệu đồng/m2.

Không chỉ lấy đất nông nghiệp của người dân để chuyển nhượng, sử dụng bất hợp pháp, chính quyền xã Đồng Tâm còn "tạo điều kiện" cho doanh nghiệp lấn chiếm cả đất hai vụ lúa của người dân để làm lò gạch. Cụ thể, năm 2005 ông Nguyễn Đức Sự ở xóm 3, xã Đồng Tâm nhận hợp đồng giao khoán, cải tạo đất tại khu vực Đầm Cái với tổng diện tích khoảng 4ha, trong đó có gần 1ha đất nông nghiệp dùng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng (vật liệu từ nạo vét lòng đầm) với thời hạn hợp đồng từ năm 2005 đến tháng 1-2009. Tuy nhiên, sau khi kết thúc hợp đồng, từ năm 2009 đến năm 2013, mặc dù không ký tiếp hợp đồng với ông Sự nhưng UBND xã Đồng Tâm vẫn đều đặn thu sản phẩm hằng năm. Điều đáng quan tâm là đến ngày 28-5-2014, UBND huyện Mỹ Đức có văn bản số 524/GP-UBND cho phép Công ty Huy Toản (của ông Nguyễn Đức Sự) được xây dựng lò gạch nung tuy nel trên phần diện tích gần 1ha đất hai vụ lúa này. Ông Sự đã tự ý xây dựng lò gạch và nhà mái che trên phần diện tích gần 2ha (đây là diện tích đất nông nghiệp do ông Sự mua của các hộ), vị trí ngay bên cạnh khu vực đất 9.000m2 đã được cấp phép trước đó.

Xử lý… từ từ!

Trước những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng đất công tại xã Đồng Tâm, theo Chánh Thanh tra huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hải, UBND huyện đã yêu cầu thu hồi toàn bộ đất công vượt quá mức 5% theo quy định, không để HTX Nông nghiệp quản lý quỹ đất nông nghiệp công ích; thu hồi toàn bộ diện tích đất sai phạm tại khu vực đồng Đồn, Rặng Chúc; kiến nghị Huyện ủy Mỹ Đức xử lý nghiêm khắc, kiểm điểm và quy trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm.

Ngày 30-10, PV Báo Hànộimới có mặt tại xã Đồng Tâm để tìm hiểu việc thực hiện kết luận của cơ quan chức năng huyện Mỹ Đức về những sai phạm nêu trên. Nhưng, theo phản ánh của ông Lê Đình Kình - đại diện các hộ có đơn kiến nghị, hầu hết các nội dung kết luận của cơ quan chức năng vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Theo ông Kình thì "tại khu đồng Đồn mới chỉ có 4 vị cán bộ tháo dỡ công trình vi phạm, tuy nhiên đất đá, bê tông vẫn ngổn ngang, chưa trả lại mặt bằng nên người dân không thể sản xuất được". Ông Lê Đình Ba ở thôn Hoành bức xúc tiếp lời: "Người dân đã tiếp nhận thông báo kết luận 28 nội dung, còn 14 nội dung khác, chúng tôi chưa nhất trí và kiến nghị tiếp, hiện cơ quan thanh tra thành phố đang vào cuộc xác minh".

Khi PV có mặt tại khu vực đồng Chằm sáng 30-10, lò gạch của Công ty Huy Toản vẫn nhả khói nghi ngút. Được biết trước đó, ngày 15-7-2014, UBND huyện Mỹ Đức đã ban hành Quyết định số 1317/QĐ-UBND xử lý vi phạm hành chính và buộc Công ty Huy Toản khôi phục hiện trạng. Báo cáo kết quả xử lý vào cuối tháng 10-2014 của UBND xã Đồng Tâm cho biết đã 3 lần tiến hành đôn đốc nhưng công ty này vẫn chưa chấp hành. Đáng nói là theo thông tin PV tìm hiểu, trong cuộc họp kiểm điểm sự việc vào thời điểm cuối tháng 10-2014, lãnh đạo huyện Mỹ Đức đã đưa ra thời hạn chót Công ty Huy Toản phải thực thi Quyết định 1317 là giữa tháng 11-2014.

Để làm rõ những nội dung liên quan, sáng 30-10, nhóm PV Hànộimới đã liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND xã Đồng Tâm. Trước những vấn đề PV nêu ra, ông Nguyễn Trọng Điểm, Phó Chủ tịch UBND xã đã từ chối trả lời với lý do: "phát ngôn báo chí thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã". Qua điện thoại, chúng tôi đặt lịch với ông Lê Đình Thuần, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm nhằm tìm hiểu rõ hơn về trách nhiệm tập thể, cá nhân và tiến trình xử lý kết luận sau thanh tra, nhưng tiếp tục nhận được lời từ chối. Đề cập đến vấn đề này, Chánh Thanh tra huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hải cho biết: Việc xử lý kết luận sau thanh tra đã, đang được tiến hành, trong đó có cả việc xử lý cán bộ và đất đai, tài chính. UBND huyện Mỹ Đức sẽ có báo cáo kết quả về vấn đề này trong thời gian sớm nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Phù phép” đất công thành đất tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.