Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành trình mang tên Khát Vọng

Văn Ngọc Thủy| 14/07/2015 06:12

(HNM) - Tôi thực sự ngạc nhiên khi nghe câu chuyện về một phụ nữ tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân, từng hơn 10 năm làm công tác quản trị nhân sự cho Ngân hàng Công thương Việt Nam và một số tập đoàn kinh tế lớn đột nhiên nghỉ việc để dành thời gian, công sức và cả tiền bạc cho một quỹ từ thiện

Tấm lòng của những người không quen

Những ngày này, ngôi nhà của Trần Thị Huệ ở thôn Ngọc Trục, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm luôn có bạn bè, bà con chòm xóm đến chia vui. Chuyện cô bé tật nguyền, gia cảnh khó khăn 12 năm đi học bằng xe lăn đỗ vào Khoa Tâm lý - Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn khiến nhiều người cảm phục. Khi tôi hỏi vì sao lại thi vào khoa Tâm lý, Huệ cười bẽn lẽn: "Em muốn sau này trở thành người tư vấn cho các bạn nhỏ của Khát Vọng. Nhiều năm qua Khát Vọng đã đồng hành cùng em, các anh chị và các bạn đã mang đến cho em niềm vui, nghị lực để quyết tâm học thật tốt và thi đỗ đại học. Em muốn quay trở lại làm tình nguyện viên của quỹ để truyền cảm hứng, động viên các bạn nhỏ cố gắng học tập, đạt được ước mơ của mình".

Các thành viên Quỹ Khát Vọng đi dã ngoại tại Ba Vì.



Cô gái nhỏ nhắn với đôi mắt sáng và nụ cười lúc nào cũng tươi rói này là thành viên thuộc lứa đầu tiên của Quỹ Khát Vọng. Ông Trần Phú Phương, bố của Huệ trò chuyện cởi mở, giọng nói không giấu nổi niềm vui dù có đôi lúc chùng xuống, ngậm ngùi. Nhà có năm chị em, Huệ là thứ tư, lúc sinh ra em khỏe mạnh, bình thường như bao bạn nhỏ khác. Bố mẹ đều là nông dân, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho giời" không đủ nuôi năm con ăn học, một chị gái của Huệ đã phải nghỉ học giữa chừng vì gia đình quá khó khăn. Cuộc sống càng khốn khó hơn khi lên 5 tuổi, Huệ bị sốt liên miên và đôi chân ngày càng teo đi rồi liệt hẳn. Thế là ước mơ được bay nhảy cùng bạn bè, được đến trường để múa hát ngày càng trở nên xa vời. Bố mẹ Huệ dốc hết tiền bạc trong nhà, cõng con đi khắp nơi để chữa chạy, hy vọng con mình được lành lặn trở lại. Hơn hai năm trời đằng đẵng, bao nhiêu hy vọng của gia đình, của cô bé Huệ trở thành thất vọng bởi em vẫn không thể đứng lên và bước đi. Nhìn bạn bè và các chị tung tăng đến trường, Huệ thèm lắm nên năn nỉ bố mẹ cho đi học. Hiểu tấm lòng và khao khát của con, bố mẹ đã cho Huệ đến lớp học chung với cậu em trai.

Trong những năm qua, đôi chân không đi được, bệnh cũ có lúc lại tái phát, bố mẹ vất vả hơn vì ngoài thời gian làm đồng còn phải đưa em đến trường, khó khăn chất chồng nhưng Huệ vẫn không ngừng nỗ lực. Năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Năm 2012, được một cô giáo giới thiệu đến Quỹ Khát Vọng, em đã trở thành một trong những thành viên đầu tiên được Quỹ chia sẻ khó khăn. Hằng tháng, Khát Vọng chuyển đến gia đình Huệ 400.000 đồng cùng sách vở, ba lô và rất nhiều lời thăm hỏi, động viên. Nhìn đôi mắt sáng ngời của em chúng tôi hiểu rằng, ngoài sự giúp đỡ của gia đình, của các anh chị Quỹ Khát Vọng; chính khát vọng tri thức, khát vọng trở thành người có ích đã đem lại cho Huệ sức mạnh của đôi chân. Để đều đặn mỗi ngày, Huệ có thêm động lực đến trường với bao nhiêu ước mơ, hoài bão.

Rời nhà Trần Thị Huệ, chúng tôi tìm đến thôn bốn, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ của mẹ con, bà cháu Lê Văn Linh - học sinh giỏi tiêu biểu Thủ đô năm học 2012-2013 như lọt thỏm giữa cánh đồng lúa xanh rì. Nhìn cậu bé gầy gò, nước da đen cháy ra tận đầu làng đón khách, tôi không nghĩ năm nay Linh đã chuẩn bị vào lớp 9.

Nghèo khó, đau ốm triền miên, học hành dang dở, chị Lê Thị Ninh chấp nhận cuộc sống của người mẹ đơn thân. Năm 2001, Lê Văn Linh sinh ra trong ngôi nhà được dựng lên ở mảnh đất rìa làng với sự góp công, góp sức và đủ thứ vật liệu của anh em, họ hàng bên ngoại. Hai mẹ con rau cháo nuôi nhau nhưng năm 2003, khi con mới được hai tuổi, chị Ninh bị suy thận. Gắng gượng đến năm 2007 chị phải vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, mẹ chị dù đã ở tuổi xế chiều đành thay con gái chăm lo cho cháu ngoại. Từ đó ngôi nhà nhỏ rìa làng chỉ còn hai bà cháu, hàng ngày Linh đi học, bà ở nhà chăm sóc mảnh vườn nhỏ, đàn gà và nấu cơm chờ cháu về. Chị Ninh ở trọ trong xóm chạy thận gần bệnh viện, viện phí điều trị được bảo hiểm y tế chi trả. Hằng ngày ngoài giờ điều trị, chị đi bán hàng rong, nhận những suất cơm từ thiện đắp đổi qua ngày. Niềm vui lớn nhất của chị là cuối tuần được đi xe buýt về nhà với con, với mẹ để sáng thứ hai lại khăn gói vào viện.

Không được ở với mẹ, cũng chẳng có ai kèm cặp học hành nhưng năm nào Lê Văn Linh cũng là học sinh giỏi. Em viết chữ rất đẹp, liên tục giành giải cao trong các cuộc thi của trường và huyện Thạch Thất. Đặc biệt, chỉ được tiếp xúc với máy tính ở trường nhưng Linh cũng liên tục đoạt giải trong các cuộc thi giải toán qua internet. Được nhà trường, địa phương và các tổ chức từ thiện quan tâm, Linh đã có xe đạp đến trường, học phí miễn hoàn toàn, hằng năm còn được tặng sách vở. Linh cũng đã được các anh chị Quỹ Khát Vọng tìm đến với số tiền trợ cấp hằng tháng và sách vở, ba lô, quần áo cùng những chia sẻ, động viên và lời hứa sẽ giúp đỡ em học hết THPT. Tấm lòng của những người "không quen" như bà ngoại từng bảo, đủ để em thêm quyết tâm học giỏi, sau này đi làm để có tiền nuôi bà, nuôi mẹ.

Giọt nước mát lành làm bừng lên sức sống...

Chị Vũ Thị Dung - người sáng lập và phụ trách chung của Quỹ Khát Vọng không giấu nổi xúc động mỗi khi kể về những thành viên của mình. 38 em là 38 mảnh đời bất hạnh, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, có em tàn tật… Các em giống nhau ở cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nhưng luôn có khát vọng, ước mơ là được đến trường và đều học khá, học giỏi. Những thành viên này còn một điểm đặc biệt khác, đó là đều đang ở lứa tuổi THCS,THPT - tuổi đã bắt đầu có thể lao động giúp đỡ gia đình, vì vậy nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng là rất lớn. Nhiều năm qua, đã đi làm từ thiện nhiều nơi, chị Vũ Thị Dung luôn trăn trở bởi ý nghĩ, mình đến với các con được một lần, liệu khi mình đi rồi có thay đổi được gì trong cuộc sống và giúp gì cho tương lai của các con? Trăn trở mãi, tháng 5-2012, Khát Vọng ra đời, mục đích hỗ trợ vật chất, tinh thần để những học sinh nghèo được tiếp tục học tập và thực hiện ước mơ; đồng thời định hướng nghề nghiệp cho các em sau này.

Những ngày đầu thành lập vô vàn khó khăn khi chỉ có mấy người bạn ủng hộ tiền và quần áo, sách vở, một mình chị đến thăm từng em nhỏ để tìm hiểu gia cảnh, tâm tư, kết quả học tập. Có những chuyến đi xa như Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Yên, Tây Ninh, Quảng Nam… chị phải nhờ đến các mối quan hệ bạn bè hay những nhóm từ thiện địa phương. Việc trợ giúp mỗi em cũng không có mẫu số chung, ai khó gì thì giúp nấy, từ sửa nhà, làm đường dẫn nước sạch, mua quạt mát mùa hè, giầy tất mùa đông, tặng xe đạp đến trường, tặng quần áo, sách vở, tổ chức kế hoạch nhỏ… Và đến nay có 38 em nhận được hỗ trợ hàng tháng của Khát Vọng, số tiền 400.000 đồng đến 500.000 đồng/tháng đủ để các em có một chỗ dựa tinh thần và động lực để tiếp tục đến trường. Năm học 2014-2015 Quỹ đã hỗ trợ cho các em cả quà và tiền là 200 triệu đồng, dự kiến tổ chức trại hè trong tháng 7-2015 khoảng 130 triệu đồng từ đóng góp của các nhà hảo tâm.

Có thể nói, niềm vui lớn nhất của chị Dung và các thành viên Ban quản trị Khát Vọng là sự tiến bộ của các thành viên. Mùa hè này có ba em thi đại học, các em còn lại đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Nhiều em đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Điển hình như em Nguyễn Đình Hoàng ở xã Quảng Hải, Quảng Xương, Thanh Hóa, ba anh em mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống với bà nội đã ngoài 80 tuổi. Năm nay Hoàng đã học lớp 12, hằng ngày vừa đi học vừa đi làm thêm cho các tàu cá nhưng năm học vừa qua em vẫn đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh, hai em gái của Hoàng cũng là học sinh giỏi. Hay em Vũ Chi Mai quê ở Đông Bình, Nghĩa Hưng, Nam Định bố bị bệnh thần kinh, mẹ sức khỏe yếu, em của Mai đã phải nghỉ học giữa chừng để Mai tiếp tục được đi học. Quỹ Khát Vọng đã đồng hành sẻ chia khó khăn, hiện Mai đã là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Thương mại và cũng là tình nguyện viên tích cực của Quỹ. Em Trần Thị Tú, học sinh lớp 9 Trường THCS Hoàng Khai, Tuyên Quang mồ côi cha từ nhỏ, năm 2014 mẹ mất vì ung thư, hiện Tú sống cùng một em gái học lớp 6 trong ngôi nhà vách đất trống không. Năm 2013 em phải bỏ học nhưng các anh chị Quỹ Khát Vọng đã tìm đến, động viên đi học trở lại và em là học sinh giỏi của lớp…

Mỗi thành viên mà Khát Vọng đồng hành đều là những câu chuyện buồn về hoàn cảnh gia đình, bản thân. Nhưng trên hết, trong bộn bề khó nhọc của cuộc mưu sinh, khát vọng được học tập, được thay đổi… là ước nguyện chính đáng và đẹp đẽ của các em. Chị Dung và những người bạn của Quỹ Khát Vọng vẫn đang từng ngày, từng giờ tìm đến với các em, chung tay giúp các em chạm đến được ước mơ trên hành trình dài và nhiều gian khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình mang tên Khát Vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.