Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho ước mơ bay xa

Bài, ảnh: Hà Hiền| 01/06/2018 06:26

(HNM) - Dù sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội hay ngoài cộng đồng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP Hà Nội đều nhận được sự quan tâm toàn diện của các cấp, các ngành chức năng và xã hội.

Trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, xã Yên Bài (Ba Vì) vui múa hát.


Những câu chuyện cảm động

Chúng tôi đến một số trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội vào những ngày đầu của kỳ nghỉ hè năm 2018 và được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động. Trong phòng sơ sinh số 1, nhà y tế của Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, xã Yên Bài (Ba Vì), bà Lê Thị Thu bế cháu Bùi Thanh T. gần 4 tháng tuổi khe khẽ hát ru “Trưa hè bên chiếu võng đưa. Mẹ ru con ngủ, mẹ ru con ngủ giữa trưa nắng vàng…”. Bên cạnh, cháu Bùi Hoàng Ph. gần 16 tháng tuổi ngoan ngoãn chơi, thỉnh thoảng nhoẻn cười thích thú. Nhìn những đứa trẻ no sữa, hồng hào ít ai biết rằng các cháu có HIV, bị người thân bỏ rơi. “T. bị bỏ rơi trước cổng Bệnh viện Quân y 108, được Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 đón về hai tháng nay. Ph. từ một trại trẻ mồ côi chuyển đến khi cháu hơn một tháng tuổi. Khi vào đây, các cháu yếu, quấy khóc triền miên. Nay, các cháu có cân nặng đạt chuẩn, linh hoạt, đáng yêu”, bà Lê Thị Thu cho hay.

Tại khu nhà Thỏ Đế, Dế Mèn, Hướng Dương…, những đứa trẻ lớn hơn tập múa hát, vẽ tranh hoặc chơi các trò chơi. Tiếp chúng tôi, ông Phạm Đình Giang, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 cho biết, cơ sở này đang chăm sóc, nuôi dưỡng 77 trẻ có HIV đến từ các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác. Năm học 2017-2018, 64 cháu trong độ tuổi đến trường đều hoàn thành các môn học, đạt hạnh kiểm tốt. Ngoài các hoạt động vui chơi, giải trí, dịp nghỉ hè, các cháu được học kỹ năng sống, tư vấn tâm lý, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe và định hướng nghề nghiệp.

Tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ cũng là sợi dây gắn kết hơn 200 trẻ mồ côi thành một gia đình lớn mang tên Làng trẻ em SOS Hà Nội. Trong gia đình lớn có 16 gia đình nhỏ, mỗi gia đình nhỏ mang tên một loài hoa biểu trưng cho tình cảm gia đình, tình thầy trò, bè bạn… Những ngày này, các gia đình nhỏ nô nức đón mùa hè sôi động. Nào là Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, ngày hội bóng đá cộng đồng, nào là chương trình sinh hoạt hè, dạy kỹ năng sống… Đa số hoạt động do các tổ chức, cá nhân thiết kế và tài trợ.

Hoạt động theo mô hình gia đình thay thế, ngoài hai đơn vị nêu trên, các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn TP Hà Nội đều trở thành gia đình lớn của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. “Đón nhận sự quan tâm xuất phát từ tấm lòng thương người như thể thương thân của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng với chính sách an sinh xã hội dành cho đối tượng yếu thế ngày càng hoàn thiện, nhiều trẻ sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệt cũng có tuổi thơ êm đềm như bao trẻ khác”, ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật, xã Thụy An (Ba Vì) khẳng định.

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 14.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Hầu hết các cháu đều nhận được sự quan tâm thường xuyên cả về vật chất và tinh thần, được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển. Riêng dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, Hội đồng bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội dành gần 400 triệu đồng tặng quà, phần thưởng, trang thiết bị vui chơi cho trẻ em nghèo. 30/30 quận, huyện, thị xã phát động Tháng hành động vì trẻ em, tuyên dương, khen thưởng nhiều học sinh vượt khó học tốt.

Nâng niu ước mơ

Sống trong môi trường được bù đắp tình yêu thương, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã nuôi dưỡng những ước mơ tươi hồng về tương lai hạnh phúc.

Mơ ước trở thành họa sĩ, cháu Nguyễn Hoàng Phúc (6 tuổi), lớp nhà trẻ 6 của Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật dùng chân miệt mài tập viết, tập vẽ thay cho hai cánh tay bị teo. Nỗ lực bằng tất cả niềm tin, Phúc có thể viết thành thạo các chữ cái, sẵn sàng bước vào lớp 1 trong năm học tới. Cũng ở trung tâm này, cháu Kiều Huyền Anh (9 tuổi) mang chân giả vẫn líu lo ca hát, nhảy múa. Các chương trình văn nghệ do trung tâm hay những đơn vị xung quanh tổ chức, Huyền Anh đều tích cực tham gia. “Cháu rất vui khi đứng trên sân khấu biểu diễn. Lớn lên, cháu muốn làm ca sĩ”, Huyền Anh nói.

Do bố mẹ có HIV, cháu Hoàng Thị D. (14 tuổi) phải sống chung với HIV từ thuở lọt lòng. 6 năm sống tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, D. luôn là con ngoan, trò giỏi, làm gương sáng cho các em noi theo. Chia sẻ với chúng tôi, D. khẳng định: “Cháu phấn đấu đạt nhiều thành tích hơn nữa trong học tập. Lớn lên, cháu muốn làm giáo viên dạy trẻ em có HIV. Nếu thành công, cháu sẽ lấy bản thân làm thông điệp chuyển tải niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai đến những người có HIV”.

Nhiều lắm những câu chuyện cảm động xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện mà chúng tôi được chứng kiến tại những ngôi nhà chung của trẻ em kém may mắn. Nhiều lắm những ước mơ tươi hồng của trẻ khuyết tật, mồ côi đã và đang được chắp cánh để bay cao, bay xa. Đó là việc “nhân cấy” nghề tại cơ sở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, mồ côi; là việc tạo ra không gian sống, học tập, vui chơi thân thiện, bổ ích; là việc ưu tiên tuyển dụng, giới thiệu việc làm cho nhóm người yếu thế... Trên thực tế, không ít người khuyết tật, mồ côi lớn lên tại Trung tâm bảo trợ xã hội đã thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Tuy nhiên, dù rất cố gắng, song nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt không đủ sức khỏe, khả năng để biến ước mơ trở thành hiện thực. Vì vậy, đại diện các trung tâm bảo trợ xã hội mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ tư vấn, tổ chức dạy nghề cho nhóm trẻ đặc biệt bằng nhiều hình thức linh hoạt. Với trẻ mồ côi, việc dạy nghề có thể triển khai tương tự như trẻ ngoài cộng đồng. Với nhóm trẻ khuyết tật, việc dạy nghề cần được tiến hành song song với học văn hóa và phục hồi chức năng. Đối với trẻ có HIV, nghề phù hợp nhất là máy tính văn phòng, thiết kế đồ họa, chứ không phải một số nghề thủ công truyền thống đã và đang triển khai...

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định, những vướng mắc nêu trên không khó tháo gỡ. “Thấy các cháu đam mê, có năng khiếu với nghề nào, cán bộ các trung tâm bảo trợ xã hội hãy chủ động đề xuất, giới thiệu cho các cháu theo học nghề đó. Sẵn có mạng lưới trường nghề, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các đơn vị, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu học nghề yêu thích”, ông Hoàng Thành Thái gợi ý.

Vậy là, con đường bước vào tương lai của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngày càng rộng mở. Hy vọng, các em tiếp tục nuôi dưỡng, bồi đắp cho những ước mơ. Hy vọng, các cơ quan chức năng tạo ra giá đỡ vững chắc hơn, giúp trẻ em dù ở hoàn cảnh nào cũng có cơ hội thực hiện những ước mơ tốt đẹp đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho ước mơ bay xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.