Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng lồng chim “nghìn đô”

Ngọc Quỳnh| 19/09/2018 06:26

(HNM) - Thú chơi chim cảnh là một trong những nét tao nhã của người dân Hà thành. Để nuôi và bảo vệ những con chim quý, giới chơi chim cảnh luôn tìm mua những chiếc lồng thật đẹp, thậm chí như những “ngôi nhà” chạm khắc tinh xảo. Một trong những nơi nổi tiếng về nghề làm lồng chim đẹp, nhiều cái giá cả “nghìn đô” là làng Canh Hoạch (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai).

Nghề làm lồng chim ở thôn Canh Hoạch (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) mang lại thu nhập cao cho người dân.


Nhẹ nhàng, kỳ công

“Ai về làng Vác nhắn nhờ/Mua lồng Canh Hoạch, đồ thờ Võ Lăng”. Câu ca dao đưa chúng tôi về thôn Canh Hoạch (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) trong một sớm thu dịu mát, tận mắt xem những người làng nghề nức tiếng khéo tay của Hà Nội “làm nhà” cho chim. Chỉ bằng những thanh trúc, tre, họ đã tạo ra những chiếc lồng chim đẹp lạ thường! Chẳng biết thú chơi chim của người Việt có từ bao giờ, bắt nguồn từ đâu, nhưng nói đến lồng chim, người ta lại nhắc đến làng Vác (tên nôm của thôn Canh Hoạch) bởi sự tinh tế, đa dạng của các loại lồng. Với nghề này, người dân Canh Hoạch có việc làm quanh năm, thu nhập cao, đời sống ổn định... Vì vậy, dù ở hoàn cảnh nào, người dân nơi đây vẫn bảo nhau giữ gìn nghề do ông cha truyền lại.

Trò chuyện với Chủ tịch UBND xã Dân Hòa Nguyễn Văn Dương, anh cho biết, nghề làm lồng chim ở làng Vác là nghề “cha truyền con nối” có từ lâu đời. Dân làng luôn tự hào mỗi khi kể lại chuyện lồng chim làng Vác đã từng đoạt huy chương tại các kỳ triển lãm ở Hà Nội thời Pháp thuộc. Cùng với thăng trầm của lịch sử, tưởng chừng có lúc nghề của làng bị mai một, nhưng nhờ thế hệ trước cần mẫn truyền lại cho con cháu nên nghề này không những được giữ lại mà còn ngày càng phát triển. Trước năm 2000, làng nghề chỉ làm theo thời vụ, nhưng mấy năm nay, đời sống của người dân nâng cao nên thú chơi chim cảnh phát triển. Do đó, từ thôn Canh Hoạch, đến nay toàn xã có 1.678 hộ theo nghề. Để đáp ứng được ba tiêu chí “bền - đẹp - sang” của những khách hàng kỹ tính, ngoài sự thông minh, khéo léo, người thợ làng Vác phải kỳ công ở tất cả các công đoạn như: Vót nan làm đáy, làm vành, cửa, cầu, trang trí, ráp lồng...

Để tạo ra những “ngôi nhà” nhỏ xinh cho những chú chim cảnh, tưởng chừng đơn giản, nhưng đó là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự đầu tư thời gian, công sức của những người thợ tài hoa. Đến thăm nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ ở thôn Canh Hoạch, trực tiếp xem từng công đoạn tỉ mỉ đó mới thấy công việc này không hề đơn giản. Nghệ nhân chia sẻ: Để có một chiếc lồng chim đẹp, phải lựa kỹ từ vật liệu: Tre, nứa, trúc... Tre thì phải chọn những cây không bị nổi củ, gốc củ vẫn còn chìm ở dưới đất thì đó là cây tre tốt. Sau khi mang về chẻ, uốn, nắn, tre được cho vào nồi luộc 12 tiếng, rồi ngâm trong bùn 10-15 ngày để bảo đảm độ bền. Thợ làm lồng chim không chỉ có sự khéo léo mà còn phải hiểu biết về hình dáng, tập tính sinh hoạt của từng loài thì mới làm ra những chiếc lồng vừa vặn, phù hợp. Tùy vào nhu cầu đặt hàng của khách mà người thợ sẽ “chế tác” ra những tác phẩm nghệ thuật khác nhau...

Ông Lê Văn Hữu ở thôn Thế Hiển là một trong những thợ lành nghề, nói: “Không chỉ cầu kỳ ở khâu chọn nguyên liệu, các chi tiết trên lồng cũng được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo, minh họa các tích xưa như: Thập bát La Hán… hoặc dựa theo bức tranh dân gian Đông Hồ, chẳng hạn như: Đám cưới chuột hay hình ảnh tứ linh (long, ly, quy, phượng); tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai)... Công phu nhất là loại lồng bát tiên, mỗi chân lồng chạm khắc 8 vị tiên, tổng cộng 3 chân lồng là 24 vị tiên. Đây là những công đoạn khó nhất của chiếc lồng chim, phải những người lâu năm và khéo léo mới tạo ra những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc. Do vậy, nhiều khách hàng ở rất xa cũng tìm tới làng nghề để đặt mua chiếc lồng ưng ý”.

Anh Phạm Quang Huỳnh (quận Hà Đông) là một trong những người chơi chim cảnh "kỹ tính", tỉ mỉ từ việc mua con giống, chăm sóc để chim cất tiếng hót ngọt, lảnh lót, đến chiếc lồng. Theo anh, dù rất nhiều làng làm nghề này nhưng chỉ đến làng Vác mới tìm được chiếc lồng theo đúng sở thích từ chất lượng, mẫu mã đến giá cả.

Giàu nhờ lồng chim

Những chiếc lồng chim đa dạng, tinh xảo không chỉ thỏa mãn thú chơi chim cảnh tao nhã của người Việt mà còn mang bạc tỉ về cho người làng Canh Hoạch. Chủ tịch UBND xã Dân Hòa Nguyễn Văn Dương cho biết, để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều gia đình đã nhập máy móc hiện đại để thực hiện những công đoạn nặng nhọc. Mỗi ngày, làng nghề sản xuất ra hàng nghìn chiếc lồng khác nhau. Thị trường tiêu thụ chính là các tỉnh, thành phố lớn trong nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang... và xuất khẩu sang một số nước như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu... Từ nghề, người làng đã có đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế địa phương, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt hơn 170 tỷ đồng/năm; đời sống của người dân cũng được nâng cao.

Nhờ nghề sản xuất lồng chim phát triển mà nhiều gia đình ở Canh Hoạch đã xây dựng được nhà cao tầng, mua sắm ô tô và nuôi con học hành, thành đạt. Ông Nguyễn Văn Tập ở thôn Thế Hiển cho biết, thú chơi tao nhã của người dân Việt đã có những nét khác xưa. Hiện nay, chơi chim không chỉ để ở nhà mà còn mang đi thi đấu, giao lưu, vì thế một chiếc lồng đẹp rất quan trọng. Nhiều khách hàng ở TP Hồ Chí Minh lặn lội ra tận làng để đặt hàng cao cấp. Do đó, dù mỗi ngày, gia đình chỉ làm được từ 3 đến 5 chiếc lồng, nhưng bán được giá khá cao từ 7 đến 20 triệu đồng/chiếc. Thậm chí, tuy là nghề thủ công nhưng giá trị mang lại rất lớn, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động mọi lứa tuổi ở địa phương. Với những người có tay nghề cao, mỗi tháng có thể thu nhập hàng chục triệu đồng. Đối với lao động phổ thông mức thu nhập cũng được từ 4 đến 5 triệu đồng/ người/tháng. Cụ Nguyễn Thị Gạo ở thôn Canh Hoạch thong thả kể: “Dù hơn 80 tuổi, ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn còn sức khỏe, nên tôi vẫn nhận hàng về làm thêm tại nhà. Mặc dù chỉ làm những công đoạn đơn giản như đan lồng, nhưng cũng được vài chục nghìn mỗi ngày. Làm việc này, vừa sức mà lại vui tuổi già, không phụ thuộc con cháu”...

“Dù phát triển, nhưng làng nghề còn nhiều trăn trở về môi trường, xây dựng thương hiệu... Bởi vậy, để làng nghề phát triển bền vững, xã Dân Hòa và huyện Thanh Oai đang triển khai kế hoạch phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Hằng năm, xã tổ chức những lớp tập huấn về nâng cao nhận thức trong bảo vệ môi trường với phương châm “Làm giàu nhưng môi trường phải xanh, sạch, đẹp” - Chủ tịch UBND xã Dân Hòa Nguyễn Văn Dương chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng lồng chim “nghìn đô”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.