Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những thầy giáo 4.0

Dương Linh| 09/12/2018 07:44

(HNM) - Đam mê nghiên cứu, có thể dạy học bất cứ lúc nào… đó là điểm chung của những thầy giáo trẻ thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài tình yêu với nghề thì sáng tạo là điều không thể thiếu để các thầy, cô giáo truyền cảm hứng học tập cho học trò của mình.

Thầy giáo Hà Minh Hoàng hướng dẫn sinh viên Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội lên ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp.


Những người đam mê sáng tạo

Trong căn nhà của vợ chồng thầy giáo Nguyễn Quốc Huy, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có nhiều bằng khen - phần thưởng dành cho các sản phẩm sáng tạo. Với công trình nghiên cứu “Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học vật lý ở trường phổ thông”, thầy giáo Nguyễn Quốc Huy đã góp phần đổi mới phương pháp dạy và học môn vật lý.

Từng đoạt giải Nhất Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc năm 2005, thầy giáo Nguyễn Quốc Huy luôn trăn trở: “Các kiến thức về điện khó và trừu tượng. Trong khi, các thiết bị thí nghiệm vật lý hiện có vừa thiếu, vừa quá phức tạp. Đó là lý do tôi thử nghiệm và chế tạo các thiết bị thí nghiệm về điện đơn giản nhưng đầy đủ mọi tính năng để phục vụ công việc dạy và học”.

Bộ thiết bị này không những giúp học sinh dễ dàng lĩnh hội, đào sâu, mở rộng vốn kiến thức mà còn tạo hứng thú học tập môn vật lý. Thiết bị này cũng được công nhận là sáng kiến tiêu biểu nhất chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”, đưa vào “Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2017”. Từ đây, nhiều công ty chuyên thiết bị giáo dục đã hỗ trợ sản xuất, phát triển sản phẩm để ứng dụng rộng rãi trong các trường học.

Trước thực trạng người Việt học tiếng Anh khá vất vả lại không hiệu quả, thầy giáo Nguyễn Anh Đức cùng các cộng sự của mình đã tìm kiếm phương pháp học ưu việt qua việc xây dựng website đào tạo tiếng Anh trực tuyến Smartcom. Sau khi website này ra đời đã thu hút hơn 2 triệu lượt người đăng ký học.

“Cùng tốt nghiệp ra trường, vào cùng một vị trí của một công ty, nhưng người có khả năng sử dụng tiếng Anh lưu loát, lương có thể gấp đôi người không sử dụng được tiếng Anh” - thầy Đức thường trò chuyện với học sinh của mình như vậy.

Hiện nay, Smartcom là tổ chức giáo dục của Việt Nam vừa viết chương trình, vừa đào tạo trực tiếp theo chuẩn quốc tế. Nhiều tập đoàn, trường đại học, học viện đang ứng dụng hiệu quả các giải pháp đào tạo của Smartcom.

Hứng thú với nghề dạy học từ khi còn là sinh viên, chàng thanh niên Nguyễn Thanh Tùng (giáo viên dạy toán của hệ thống giáo dục Hocmai.com) vừa viết sách, tham gia dựng video dạy học trực tuyến vừa đi làm gia sư.

"Tôi có sở thích là khi tìm ra những gì hay và bổ ích trong môn toán đều muốn viết ra, chia sẻ kinh nghiệm và dựng video dạy học trực tuyến", thầy Tùng chia sẻ. Năm 2015, bài giảng trực tuyến của thầy Tùng về sơ đồ tư duy trong toán học đã nhận được phản hồi tích cực của đông đảo phụ huynh, học sinh và các giáo viên. Hiện, thầy Nguyễn Thanh Tùng có khoảng 200 bài giảng trực tuyến mỗi năm, với gần 70.000 lượt theo dõi của học sinh trên Facebook cá nhân.

Truyền cảm hứng cho học sinh

Trở về nước sau 8 năm du học nước ngoài, với những nghiên cứu khoa học sáng tạo của mình, thầy giáo Hà Minh Hoàng, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhận Giải thưởng Khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng năm 2017. Rất nhiều cơ hội mở ra, song thầy Hoàng đã lựa chọn làm giảng viên trường đại học. Ngoài những giờ giảng trên lớp, thầy Hà Minh Hoàng còn nhiệt tình hướng dẫn sinh viên, những startup trẻ hoàn thiện các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp.

“Thiếu định hướng, không biết phải làm gì là những điều chúng em phải đối mặt khi khởi nghiệp. Nhưng may mắn, chúng em có thầy Hoàng luôn đồng hành và truyền cảm hứng. Để làm những dự án lớn, thầy luôn tận tình hướng dẫn, dù đi công tác nước ngoài vẫn bằng mọi cách giúp sinh viên hoàn thiện dự án”, cựu sinh viên Nguyễn Phượng Hoa cho biết. Nhờ có thầy Hoàng dìu dắt, Hoa đã trở thành một startup trẻ về công nghệ thông tin có tiềm năng.

Đồng hành cùng sinh viên khởi nghiệp cũng đồng nghĩa với việc phải mất nhiều thời gian và công sức, nhưng cái được lớn nhất là khơi dậy cho sinh viên niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo và đó chính là niềm vui của thầy Hoàng.

Sinh viên Vũ Duy Mạnh (K61 - Khoa Máy tính chất lượng cao - Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) tâm sự: “Hiện tại, em đang tham gia một số dự án khởi nghiệp, trong đó có dự án lập lịch điều phối công việc cho doanh nghiệp, nhằm giảm thời gian, chi phí, tăng lợi nhuận, chất lượng dịch vụ. Không chỉ hướng dẫn về chuyên môn, thầy Hoàng còn giúp em định hướng công việc trong tương lai”.

Những sản phẩm mà sinh viên của thầy Hoàng triển khai phần lớn là sản phẩm thông minh, nhiều sản phẩm đã được sử dụng ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thầy Hà Minh Hoàng chia sẻ: “Vừa học tập, vừa khởi nghiệp là một trong những khó khăn mà các sinh viên gặp phải khi ngồi trên ghế nhà trường. Tôi muốn giúp các em nắm vững kiến thức, làm chủ công nghệ, sau này có thể tự thành lập doanh nghiệp, tạo ra những sản phẩm trí tuệ cao, đáp ứng đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước”.

Ngoài những cá nhân hưởng ứng tích cực như thầy giáo Hoàng, phong trào sáng tạo, khởi nghiệp trong sinh viên đang phát triển mạnh mẽ, thu hút sự vào cuộc của nhiều tập thể và toàn xã hội. Đồng hành cùng sinh viên, nhiều trường đã thành lập trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo, phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế để hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, đồng thời chủ động đưa ra những đặc thù để đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên.

Điển hình là Trường Đại học Ngoại thương đã thành lập Trung tâm Sáng tạo và ươm tạo FTU (FIIS), Trường Đại học Kinh tế quốc dân có Trung tâm Sáng tạo xã hội và khởi nghiệp, Trường Đại học Đại Nam hằng năm tổ chức những cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp… Đây là những sân chơi trí tuệ bổ ích dành cho thanh niên, sinh viên muốn thực hiện ý tưởng khởi nghiệp, đồng thời giúp các bạn trẻ có điều kiện hiện thực hóa ý tưởng đi đến thành công trong tương lai.

Có thể thấy rằng, với nhiều thầy, cô giáo, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ mang tới thách thức mà còn mở ra nhiều cơ hội để tự đổi mới, trở thành người định hướng, dẫn dắt, truyền tri thức và cảm hứng sáng tạo cho học trò. Nhiều thầy, cô giáo đã phát huy tối đa hiệu quả của khoa học công nghệ, miệt mài sáng tạo giúp các hoạt động dạy và học trong nhà trường trở nên hiệu quả hơn, nhằm đào tạo được những sinh viên có tri thức và kỹ năng tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những thầy giáo 4.0

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.