Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu tướng - nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn và những “món nợ ân tình”

Thiên Phúc| 18/04/2019 11:52

(HNMCT) - Dù là nhạc sĩ “tay ngang” nhưng Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, lại là một tên tuổi trong giới âm nhạc với “gia tài” gồm 3 CD: Vẫn mãi màu áo trắng (năm 2005), Sức sống Trường Sa (2015), Có những tuổi 20 như thế (2017) cùng 2 CD chung với nhạc sĩ Quỳnh Hợp là Giữa trùng khơi sóng (2011), Tổ quốc nhìn từ biển (2013).


Ngoài những đĩa CD về người chiến sĩ, ông còn tổ chức hai đêm nhạc riêng mang tên Xanh trong trắng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, toàn bộ số tiền thu được từ những dự án âm nhạc ông đều dành tặng Trường Sa thân yêu.

Những ca khúc viết từ trái tim

Những ngày đầu tháng 4, chuẩn bị kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi may mắn được trò chuyện cùng Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn tại Hà Nội, trước giờ ghi hình trực tiếp chương trình “Quán Thanh xuân số 4” với chủ đề “Ngày mai anh lên đường”. Ông bảo, chủ đề của chương trình gợi lại cho ông rất nhiều kỷ niệm về thời trai trẻ, khi ông cùng rất nhiều học sinh, sinh viên tình nguyện lên đường nhập ngũ. 40 năm trôi qua, người chiến sĩ trẻ ấy giờ đã là một vị tướng, giám đốc một bệnh viện quân y, thế nhưng phong cách của ông vẫn giản dị, chân tình, cởi mở và dễ gần.

Điều đáng nói, đồng hành cùng Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn trong hành trình 4 thập niên qua không chỉ có y học mà còn có âm nhạc. Bởi ông tin âm nhạc chính là sợi dây kết nối hữu hiệu nhất giữa con người với con người.

Hơn nữa, với ông âm nhạc không chỉ để giải trí mà còn giúp ông thư giãn sau những áp lực của công việc. Âm nhạc xoa dịu nỗi đau tâm hồn, còn y học xoa dịu nỗi đau về thể xác, đều là những điều thiện, điều phúc cho đời. Ông luôn thấy mình may mắn vì đã làm được hai điều ý nghĩa ấy trong cuộc đời này.

“Cha mẹ đã trao cho tôi cuộc sống để làm người, Tổ quốc đã trao cho tôi màu áo xanh để bảo vệ non sông đất nước, cuộc đời đã trao cho tôi màu áo trắng để làm một lương y và khả năng chuyển hóa những chất liệu của cuộc sống thành những cung bậc cảm xúc để dâng hiến cho đời... Bởi vậy việc viết ca khúc đối với tôi không chỉ còn là cảm xúc, sở thích mà đôi khi còn là trách nhiệm. Trách nhiệm của người chiến sĩ, người thầy thuốc, người thầy giáo, người quản lý... và giản đơn nhất là trách nhiệm chia sẻ giữa con người với con người... Đôi khi tôi thầm cảm ơn những ưu ái mà cuộc đời đã dành cho tôi” - Vị thiếu tướng xúc động chia sẻ.

Tấm lòng tha thiết với Trường Sa


Chủ đề xuyên suốt những sáng tác âm nhạc của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn là đời sống của người chiến sĩ. Đó là những ca khúc thể hiện tâm tư, tình cảm, nguyện vọng không chỉ của người chiến sĩ quân y mà nổi bật là những bài hát thể hiện tình yêu dạt dào, tha thiết với những người lính đang canh giữ biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Âm nhạc của Nguyễn Hồng Sơn biểu cảm đa dạng về ngôn ngữ và chất liệu, không quá cầu kỳ về khúc thức và cách triển khai âm nhạc mà tất cả đều nương theo cảm xúc của một tâm hồn đa cảm, của một chất giọng nam cao đẹp, đầy đặn, khỏe khoắn cùng sự phong phú trong nhịp điệu của một tay chơi trống cừ khôi có biệt danh “Sơn trống”... Điều đó đã mang đến sự gần gũi, dễ cảm và khắc sâu vào trái tim người nghe.

Chùm ca khúc về biển đảo của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn được biết đến nhiều hơn cả là Sức sống Trường Sa, Phút lặng im trên biển, Rock đồng hồ cát (đều phổ thơ Đoàn Vũ Vinh), rồi Sinh ra ở Trường Sa (viết chung với nhạc sĩ Quỳnh Hợp)..., qua đó người nghe thấy được cuộc sống của người chiến sĩ tuy còn nhiều vất vả, gian khổ nhưng vô cùng đáng yêu, đáng trân trọng.

Trong đó, ca khúc Sức sống Trường Sa đã giành giải Nhất giải thưởng 5 năm của Quân chủng Hải quân. Đó là ca khúc đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong mảng âm nhạc về biển đảo, mang đến cho người nghe một tâm trạng bồi hồi xao xuyến trong hành trình đến với Trường Sa thân yêu, kể với khán giả cả nước về một Trường Sa với những người chiến sĩ kiên trung và sắt son tình yêu Tổ quốc.

Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, nguyên mẫu “vị tướng già” trong ca khúc Phút lặng im trên biển, người đã chứng kiến sự ra đời của bài thơ Ngỡ ngàng của Đại tá Đoàn Vũ Vinh được Nguyễn Hồng Sơn ngân lên thành giai điệu của bài hát Sức sống Trường Sa từng phát biểu trong đêm nhạc “Những người giữ biển” do Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thực hiện hồi tháng 6-2014: “Nghe bài hát Sức sống Trường Sa tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Bài hát không chỉ đúc kết được quá trình xây dựng, phát triển của quần đảo Trường Sa, mà câu hát “màu xanh quê hương xen giữa phong ba bàng vuông” đã cho thấy Trường Sa hôm nay không còn là quần đảo bão tố khi mà cây xanh đã phủ kín toàn đảo. Có thể nói bài hát đã truyền tải được tư tưởng tinh thần và nội dung của một bài hịch. Đó là tuyên bố “Cột mốc uy nghiêm là hồn thiêng non nước”. Đó là tinh thần cảnh giác “súng chắc trong tay hướng về phía trước” để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Đó là lời hứa “Thề quyết giữ gìn biển đảo quê hương”...

Mặc dù chủ đề biển đảo có nhiều người viết và cũng có không ít bài hát hay nhưng những sáng tác của Nguyễn Hồng Sơn vẫn có góc nhìn mới lạ, hấp dẫn người nghe. Ông viết về nơi ấy hết sức gần gũi về người chiến sĩ, ngư dân - những người đang trực tiếp ngày đêm bám biển, để họ được bộc lộ tâm tư, tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ của mình một cách đời thường nhất. Qua đó ông muốn mọi người thấy Trường Sa hôm nay đang từng ngày, từng giờ “thay da đổi thịt”. Cùng với đó, ông muốn mình sẽ góp một phần nhỏ bé vào việc bồi đắp thêm tình yêu với Trường Sa, thêm trách nhiệm với Trường Sa, hiểu hơn nữa về Trường Sa.

Đặc biệt, cuối năm 2017, cùng với việc cho ra mắt CD thứ năm mang tên Có những tuổi 20 như thế, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn còn tổ chức hai đêm nhạc đầy đặn, bề thế được dàn dựng công phu, hoành tráng với chủ đề “Xanh trong trắng”. Số tiền thu được lên tới trên 2 tỷ đồng để gây quỹ cho chương trình “Máy thở Trường Sa” - chương trình mua sắm trang thiết bị y tế cho Trung tâm Y tế huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) do Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn khởi xướng. Trước đó, toàn bộ số tiền 3 tỷ đồng bán CD Sức sống Trường Sa cũng được Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn dành cho chương trình ý nghĩa này.

“Trả nợ” ân tình

Hơn 30 năm sinh sống, lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn đã coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Ông chia sẻ: “Thời gian cứ trôi đi, những kỷ niệm vui buồn, những thăng trầm của cuộc sống cứ gom góp lại và tôi tự cảm thấy yêu mến thành phố này lúc nào không biết. Tôi cảm ơn mảnh đất này, ngọn gió, giọt nước, hạt gạo nơi đây và đặc biệt hơn là tình cảm của nhân dân đã cưu mang, đùm bọc bệnh viện, gia đình và cá nhân tôi hơn 30 năm qua”.

Chính vì ân tình sâu nặng ấy, ông đã nung nấu về một tác phẩm dành cho thành phố để bày tỏ sự tri ân của mình. Nhưng phải đến dịp kỷ niệm 20 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/1995), ca khúc Trò chuyện với dòng sông mà ông phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà báo Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng mới được ra đời.

Hơn 10 năm sau, ông lại viết ca khúc Huệ đỏ, phổ nhạc bài thơ của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Bài hát nói về vùng đất thép Củ Chi, về mối tình lãng mạn trong khói lửa đạn bom của những người con đất thép đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho độc lập tự do, đã hóa thân thành những bông huệ đỏ...

Hai ca khúc ra đời khiến Nguyễn Hồng Sơn như nhẹ lòng, như trả được món nợ ân tình. Và hạnh phúc hơn nữa với một người nhạc sĩ, đó là hai ca khúc này không chỉ giành giải cao mà còn được rất nhiều người ưa thích, bởi nó nói lên được nỗi lòng của rất nhiều người về tình yêu nước, niềm tự hào của những con người đã cống hiến xương máu cho Tổ quốc, cũng là điều mà ông hằng tâm niệm khi viết những tác phẩm của mình.

Thiếu tướng - PGS.TS, Thầy thuốc Nhân dân - nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn sinh năm 1962 tại Hải Phòng, quê gốc ở Hải Dương. Một số sáng tác của ông đã giành được giải thưởng lớn như: Màu áo anh mang áo trắng áo xanh (Huy chương Vàng Hội diễn toàn quân năm 1981), Trò chuyện với dòng sông (Huy chương Vàng Hội diễn lực lượng vũ trang - sinh viên thành phố Hồ Chí Minh năm 2012), Rock đồng hồ cát (giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2015), Có những tuổi 20 như thế (giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2016), Huệ đỏ (giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2017)...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu tướng - nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn và những “món nợ ân tình”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.