Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người đi tìm tiếng nói đồng thuận

Nguyễn Mai| 26/04/2019 06:59

(HNM) - Trước đây, dự án nâng cấp, cải tạo tuyến nối từ quốc lộ 5 vào Khu công nghiệp Hapro (đường 181) qua địa bàn xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) 10 năm vẫn dở dang do khó giải phóng mặt bằng...

Muôn vàn khó khăn

Đường 181 dài 6km nối từ quốc lộ 5 đi các tỉnh: Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh... là tuyến huyết mạch với mật độ tham gia giao thông rất cao. Năm 2007, thành phố Hà Nội triển khai thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo đường 181. Trong khi đoạn qua xã Lệ Chi và một phần qua xã Kim Sơn đã hoàn thành thì đoạn qua phố Keo của xã Kim Sơn (dài 650m) không thể triển khai do vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Ông Phương Hữu Ngũ, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận tổ dân phố đường 181, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm.


Nhắc lại về con đường cũ, Chủ tịch HĐND xã Kim Sơn Nguyễn Văn Thủy nói: Đường nhỏ và xuống cấp nên tình trạng tắc đường xảy ra thường xuyên, tai nạn giao thông tăng cao. Từ năm 2017 đến nay, trên đường 181 đoạn qua xã đã xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông. Đầu năm 2017, thành phố Hà Nội tiếp tục có kế hoạch triển khai thực hiện dự án, nhưng 159 hộ dân phố Keo có đất phải giải phóng mặt bằng tiếp tục phản đối...

Việc giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm đã gây khó khăn bộn bề. Nhưng không "bỏ cuộc", ông Phương Hữu Ngũ đã cùng các thành viên nỗ lực tuyên truyền, dần dần tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. "Tuy nhiên, đó là hành trình vô cùng gian nan..." - ông Ngũ tâm sự.

Ông Ngũ nhớ lại, từ những năm 2002 trở về trước, cơ quan chức năng tính từ tim đường cũ để mở rộng sang hai bên. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án, chỉ mở rộng về một bên khiến nhiều gia đình bị thu hồi đất không hiểu nguyên do và cho rằng "phải chịu thiệt về diện tích đất bị thu hồi ngoài dự kiến, trong khi chính sách đền bù chưa tương xứng". Đơn cử, nhiều năm qua, hộ gia đình ông Nguyễn Đắc Sự phản đối quyết liệt việc mở đường sang một bên, vì việc này sẽ khiến gia đình ông bị thu hồi 120m2 đất; do diện tích còn lại vẫn lớn hơn 30m2 nên hộ ông Sự không thuộc diện được tái định cư. Vì thế, ông Sự thường cùng nhiều người đến tận trụ sở tiếp công dân trung ương kiến nghị về việc giải phóng mặt bằng ở địa phương. Hay như trường hợp ông Bùi Văn Vách cũng phản đối gay gắt công tác giải phóng mặt bằng và cho rằng tranh chấp chưa được chính quyền giải quyết thỏa đáng...

Ngoài ra, còn nhiều hộ khác cũng không đồng ý với phương án hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bởi giá đất thực tế cao gấp nhiều lần so với mức hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, nhiều hộ không được tái định cư do không đáp ứng đủ các điều kiện do luật định cũng cảm thấy bị thiệt thòi nên không bàn giao mặt bằng...

Thành công nhờ dân vận khéo

Ghi nhận sự đóng góp của ông Phương Hữu Ngũ với công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch HĐND xã Kim Sơn Nguyễn Văn Thủy cho hay: Gia đình ông Ngũ bị thu hồi 60m2. Dù mức giá hỗ trợ giải phóng mặt bằng chỉ 8,4 triệu đồng/m2, trong khi thời điểm đó, giá thị trường là 40 triệu đồng/m2, nhưng gia đình ông Ngũ vẫn chấp hành, bàn giao mặt bằng từ năm 2010. Với vai trò là Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận, ông Ngũ rất nhiệt tình, tâm huyết, cần mẫn với công việc. Không chỉ thế, trong quá trình thực hiện, ông Ngũ luôn thuyết phục "có tình, có lý" nên tạo được đồng thuận cao trong nhân dân...

Ngoài việc gương mẫu thực hiện, ông Phương Hữu Ngũ đã tổ chức họp Chi bộ, Chi ủy; đồng thời, ban hành nghị quyết chuyên đề triển khai đến từng đảng viên. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ dân vận, ông Ngũ đã đề nghị các phòng, ban của huyện Gia Lâm cung cấp hồ sơ giải phóng mặt bằng của từng gia đình có đất bị thu hồi để tìm hiểu cặn kẽ những mâu mắc, các đề đạt, nguyện vọng của người dân. Khi đã nắm rõ từng trường hợp, việc tuyên truyền được thực hiện theo từng bước, từ dễ đến khó. Tùy từng hộ gia đình, Tổ dân vận phải có cách tiếp cận riêng. "Muốn thành công, phải có phương pháp. Khi mới đến gặp hộ dân, bao giờ chúng tôi cũng nghe dân nói trước. Nhưng cũng có người phản ứng, "mời" cán bộ về...” - ông Phương Hữu Ngũ chia sẻ.

Nhưng không vì thế mà những người làm công tác dân vận như ông Ngũ nhụt chí. Sau khi nghe người dân chia sẻ, Chi ủy, Chi bộ, Tổ dân vận Tổ dân phố họp bàn các bước tiếp theo. Với những băn khoăn có lý của người dân, Tổ dân vận phản ánh kiến nghị của các hộ lên cơ quan chức năng và trực tiếp trình bày tại các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương. Đặc biệt, Tổ dân vận còn tìm đến các cơ quan chức năng của huyện, xã đề nghị giải thích những nội dung người dân chưa rõ. "Ví như, trước đây, dự án có kế hoạch mở đường sang 2 bên, nay tại sao chỉ mở sang 1 bên? Tại sao có hộ được tái định cư, hộ lại không? Từ nguồn thông tin đó, chúng tôi đã giải thích cặn kẽ để người dân hiểu. Thấy chúng tôi làm việc công tâm, nên họ dần tin tưởng. Chúng tôi kiên trì gặp gỡ từng gia đình, tháo gỡ từng trường hợp cụ thể; phân tích đúng - sai và những lợi ích lâu dài khi đường được mở rộng... khiến nhân dân dần đồng thuận giải phóng mặt bằng, nhường đất cho dự án. Nhờ vậy, 100% hộ của tổ dân phố đường 181 xã Kim Sơn (159 hộ) thuộc diện phải giải phóng mặt bằng đã đồng thuận; phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong đo đạc, kiểm đếm, tính toán phương án bồi thường, hỗ trợ... Đến nay, cơ bản các hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho các cơ quan chức năng; còn 19 hộ dân tuy đã đồng thuận nhưng đề nghị cơ quan chức năng áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến tái định cư để ổn định đời sống...” - ông Ngũ nói.

Giải phóng mặt bằng là công việc rất khó khăn, 10 năm không thực hiện được, nhưng nhờ cách làm phù hợp, bài bản, trách nhiệm của ông Ngũ cùng Tổ dân vận, chỉ hơn 1 năm đã cơ bản hoàn thành. Điều đó cho thấy, sự đồng thuận của nhân dân có ý nghĩa đến nhường nào và những người làm công tác dân vận nhiệt tâm như ông Phương Hữu Ngũ đáng quý biết bao!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đi tìm tiếng nói đồng thuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.