Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gửi yêu thương trong từng giọt máu sẻ chia

Thu Trang| 30/06/2019 06:57

(HNM) - Bên cạnh lối sống “ảo”, thờ ơ, vô cảm của một bộ phận giới trẻ hiện nay thì những tấm gương hiến máu tình nguyện mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, tiếp xúc thật đáng tự hào. Họ không chỉ cho đi giọt máu quý giá của mình, mà còn dành thời gian tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Ở họ, sự sẻ chia, yêu thương, giúp đỡ mọi người là điều không thể thiếu trong cuộc sống.

Anh Nguyễn Trí Hiếu (đứng) cùng anh Nguyễn Đức Kiên (ngồi) vui mừng khi được nhận món quà từ Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi gặp mặt tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019.


Hãy gọi tôi khi người bệnh cần…

Cái nắng nóng như thiêu như đốt của những ngày hè oi ả cũng không ngăn nổi những bước chân người hiến máu tình nguyện đổ về Viện Huyết học - Truyền máu trung ương. Từ rất nhiều ngành, nghề, từ nhiều địa phương khác nhau, họ đến đây mang theo mỗi người một câu chuyện cảm động về tình người, về sự cho đi mà không mảy may nghĩ đến việc được nhận lại.

Vừa lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, anh Nguyễn Đức Kiên (28 tuổi ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) vừa kể cho chúng tôi về hành trình 10 năm hiến máu tình nguyện. Khi đó, như nhiều sinh viên khác, Kiên tham gia phong trào hiến máu tình nguyện theo chương trình của Đoàn trường phát động. Với thể trạng gầy gò, cân nặng chỉ 47kg, nhiều người đã khuyên Kiên nên từ bỏ ý định.

Thế nhưng, một lần bước chân đến bệnh viện, bắt gặp nhiều cảnh ngộ éo le, chứng kiến nhiều bệnh nhân nguy cấp, có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được truyền máu kịp thời đã thôi thúc Kiên tham gia hiến máu. Và thật bất ngờ, trong lần hiến máu đầu tiên ấy, Kiên nhận được thông báo của Viện Huyết học - Truyền máu trung ương về nhóm máu hiếm A (Rh-) của mình.

“Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in cảm xúc khi đó, lo lắng, vui sướng. Vui vì thấy mình đặc biệt hơn người khác nhưng lại lo lắng, nếu mình có vấn đề về sức khỏe thì nguồn máu tiếp theo sẽ thế nào…”, anh Nguyễn Đức Kiên chia sẻ.

Khi bén duyên với hoạt động hiến máu tình nguyện, cuộc sống của chàng trai trẻ Nguyễn Đức Kiên có nhiều thay đổi. Mỗi khi lượng máu dự trữ ở Viện Huyết học - Truyền máu trung ương bị sụt giảm, thì tình trạng khan hiếm xảy ra nhiều hơn đối với nhóm máu hiếm.

Hiểu điều đó nên Nguyễn Đức Kiên luôn tâm niệm muốn giúp được mọi người thì bản thân mình phải khỏe mạnh. Từ khi tham gia hiến máu, những thói quen có hại tới sức khỏe được Kiên loại bỏ khỏi sinh hoạt hằng ngày. Không chỉ vậy, Kiên còn lên mạng xã hội, vào các nhóm hiến máu tình nguyện và “gom” những người có nhóm máu hiếm để thành lập câu lạc bộ chuyên sâu về nhóm máu hiếm.

Đến nay, Nguyễn Đức Kiên đã là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm khu vực Hà Nội và nick-name “Kiên mắt to” chính là “thương hiệu” của anh trên mạng xã hội với vai trò quản trị, huy động các thành viên tham gia hiến máu khi cần. Dù nắng hay mưa, dù ngày hay đêm, mỗi khi có cuộc gọi bệnh nhân cần truyền máu, chàng trai 28 tuổi này lại vượt hơn 20km từ nhà đến Viện Huyết học - Truyền máu trung ương.

Gia tài Nguyễn Đức Kiên nhận được trong hành trình thiện nguyện không chỉ là những tấm bằng khen, hay được tôn vinh trong danh sách 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2019 mà đơn giản là, những giọt máu của mình sẽ chảy về một cơ thể khác, kịp thời giúp họ vượt qua cơn bạo bệnh…

Khác với chàng trai trẻ Nguyễn Đức Kiên, anh Nguyễn Trí Hiếu (sinh năm 1974, Trưởng ban Ban Công tác Mặt trận khu phố I, phường 18, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh) - một trong những gương mặt hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2019 lại đến với phong trào hiến máu tình nguyện từ câu chuyện của người trong cuộc.

Anh Hiếu kể: “Mẹ tôi mất do thiếu máu để truyền. Khi ấy, tôi mới 20 tuổi. Đến nay hình ảnh gia đình đi huy động mọi người hiến máu, rồi đi mua máu mà vẫn không đủ để truyền cho mẹ, tôi vẫn còn nhớ như in. Thời điểm đó, phong trào hiến máu chưa phát triển, không chỉ mẹ tôi mà rất nhiều bệnh nhân lẽ ra có cơ hội được sống tiếp nhưng do thiếu máu mà phải chia tay thế giới này. Thực sự phải khi bản thân, hoặc gia đình có người trong cơn hoạn nạn, chúng ta mới biết trân quý sự giúp đỡ từ cộng đồng như thế nào. Từ năm 1997, khi thấy những thông tin tuyên truyền trên báo, đài về các hoạt động hiến máu tình nguyện, tôi lập tức tham gia”.

Đến nay, sau 22 năm, anh Hiếu đã hiến máu đến 70 lần. Anh Hiếu cũng đã đăng ký tham gia hiến mô, tạng sau khi chết. “Một bàn tay nắm lấy một bàn tay trong lúc nguy khó sẽ ấm áp hơn, giúp ta cảm nhận được vị ngọt, hạnh phúc của cộng sống. Hãy gọi tôi bất cứ khi nào người bệnh cần…” - đó là điều mà anh Hiếu luôn tâm niệm.

Từng có thâm niên nhiều năm liền gắn với các hoạt động hiến máu tình nguyện trên cả nước, Tiến sĩ Ngô Mạnh Quân, Trưởng khoa Vận động và Tổ chức hiến máu (Viện Huyết học - Truyền máu trung ương) cho rằng, với xã hội, những người hiến máu tình nguyện có thể chỉ là những người bình thường, nhưng với riêng những người bệnh, họ thực sự là người anh hùng. Chính nhờ lượng máu hiến tặng này mà hằng năm ở nước ta đã có hàng nghìn người được cứu sống.

Kết nối, lan tỏa những điều tốt đẹp

Tại Việt Nam, năm 2008, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện được thành lập và khi đó, cả nước có 676 câu lạc bộ hiến máu với hơn 21.300 thành viên. Đến nay đã tăng lên hơn 3.363 câu lạc bộ hiến máu với hơn 135.000 thành viên. Nhiều “ngân hàng máu sống” cũng đã được thành lập ở các vùng sâu, vùng xa và huyện đảo, như: Trường Sa, Phú Quốc, Lý Sơn, Phú Quý, Cồn Cỏ, Cát Bà.

Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện cho biết, những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được kết quả đáng khích lệ. Riêng năm 2018, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được gần 1,4 triệu đơn vị máu, trong đó 98,3% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện (tương đương với hơn 1,4% dân số tham gia hiến máu).

Tuy nhiên, lượng máu này mới đáp ứng được hơn 75% nhu cầu máu cho điều trị. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một quốc gia muốn đạt chuẩn an toàn về dự trữ máu cần có ít nhất 2% dân số tham gia hiến máu. Do đó, Việt Nam cần vận động để tăng tỷ lệ người hiến máu tình nguyện.

Tại buổi gặp gỡ 100 tấm gương hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2019, diễn ra vào tháng 6-2019 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: Không chỉ là vấn đề y tế, cứu người mà mỗi giọt máu cho đi còn mang theo tình cảm, giá trị đạo lý tốt đẹp, tình yêu thương con người… Và từ những tấm gương hiến máu tiêu biểu, chúng ta cần tiếp tục kết nối, lan tỏa những điều tốt đẹp.

“Mỗi người hãy làm tốt nhất trong khả năng có thể của mình, từng ngày một, để cái tốt được nhân lên, cái xấu bị đẩy lùi. Làm sao để Việt Nam dù không giàu như các nước, nhưng mỗi người dân đều được sống trong một xã hội hòa bình, yên lành, trong tình cảm tốt đẹp, yêu thương của con người”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gửi yêu thương trong từng giọt máu sẻ chia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.