Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thắp sáng ước mơ cho những “vầng trăng khuyết”

Bài, ảnh: Thống Nhất| 04/10/2019 06:58

(HNM) - 22 năm gắn bó với Trường Tiểu học Đông Sơn (huyện Chương Mỹ), cũng là chừng ấy thời gian cô giáo Lê Thị Hòa, Tổng phụ trách Đội nỗ lực, tận tâm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn. Bằng tình thương và tấm lòng nhân hậu, cô giáo Lê Thị Hòa còn mở lớp dạy học miễn phí cho học sinh khuyết tật, góp phần thắp sáng ước mơ cho những “vầng trăng khuyết”.

Cô giáo Lê Thị Hòa tại lớp dạy học miễn phí cho học sinh khuyết tật.

Cô giáo có tấm lòng nhân hậu

Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc chung, cô giáo Trịnh Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Sơn (huyện Chương Mỹ), chia sẻ: "Có một điều chưa phải ai cũng biết, đó là niềm cảm phục, trân trọng và tin yêu của đồng nghiệp, phụ huynh học sinh dành cho cô giáo Hòa trong nhiều năm qua".

Cô giáo Lê Thị Hòa sinh năm 1973 tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm 12+2 (nay là Trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây) năm 1992, cô được phân công dạy học tại Trường Tiểu học Trường Yên (huyện Chương Mỹ). Năm 1997, cô chuyển công tác về Trường Tiểu học Đông Sơn, được phân công dạy lớp 5 và làm Tổng phụ trách Đội từ đó tới nay. Kể từ đấy, cô thường cùng đồng nghiệp đến nhà từng học sinh, tìm hiểu hoàn cảnh để tính cách hỗ trợ.

Mỗi tháng khi nhận lương, cô Hòa và các thầy, cô giáo của Trường Tiểu học Đông Sơn lại cùng nhau góp tiền để mua sách, vở, đồ dùng hoặc quần áo cho học sinh. Riêng cô Lê Thị Hòa còn nhận dạy kèm cho những học sinh chậm tiến hoặc bị hổng kiến thức. Việc làm này được cô giáo Hòa duy trì đều đặn cho đến nay. Bà Nguyễn Thị Hạnh, phụ huynh học sinh Đỗ Văn Kiệt, Trường Tiểu học Đông Sơn cho biết: Đầu năm học 2019-2020, khi thấy con tôi bị hổng kiến thức, cô giáo Hòa đã chủ động nói chuyện với cháu và dành ra mỗi tuần một hoặc hai buổi tối để kèm thêm. Hiện nay cháu đã có nhiều tiến bộ và có ý thức hơn trong học tập.

Nhận thức được tầm quan trọng của các hoạt động Đội trong nhà trường, cô giáo Lê Thị Hòa đã tổ chức nhiều phong trào để lôi cuốn học sinh đến trường. Một trong những phong trào đã trở thành truyền thống của Trường Tiểu học Đông Sơn nhiều năm nay là “Giúp bạn đến trường” với việc quyên góp sách, vở, đồ dùng, quần, áo... vào đầu năm học để hỗ trợ các bạn khó khăn. Việc giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức cho học sinh cũng được cô thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó có việc tổ chức cho học sinh tham quan, chăm sóc di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ... trên địa bàn.

Gắn bó với học sinh vùng nông thôn nên việc giáo dục kỹ năng cho học sinh tự lập cũng là phần việc mà cô Hòa luôn trăn trở. Ngoài việc thường xuyên tổ chức các buổi học chuyên đề về chăm sóc sức khỏe, thực hiện các quy định bảo đảm an toàn giao thông, cách ứng xử đẹp..., cô Hòa còn tổ chức cho học sinh tập bơi. “Đây là kỹ năng không thể thiếu đối với học sinh ở địa bàn vùng trũng, thường xảy ra ngập lụt như Chương Mỹ”, cô giáo Hòa chia sẻ. Nhờ những hoạt động ý nghĩa, thiết thực này, liên đội Trường Tiểu học Đông Sơn luôn đạt danh hiệu liên đội mạnh cấp thành phố.

12 năm dạy học miễn phí cho trẻ thiệt thòi

Sinh ra trong một gia đình nghèo, cô giáo Lê Thị Hòa càng thêm thấu hiểu, đồng cảm với những mảnh đời học trò thiếu may mắn. Năm 2002, cô Hòa nhận dạy miễn phí cho 14 học sinh khuyết tật không có khả năng đến trường. Gian bếp nhỏ của gia đình cô trở thành lớp học với những tiếng tập đọc vang lên vào hai ngày cuối tuần. Tiếng lành đồn xa, số học trò tìm đến lớp học của cô ngày một nhiều. “Nhìn bố, mẹ các em vượt đường xa đưa con đến gửi gắm, trong lòng tôi không khỏi bối rối bởi lớp học ngày càng chật, sách vở cho học trò nhiều lúc còn thiếu. Thật may, trong một lần đến chùa Hương Lan (huyện Chương Mỹ), tâm nguyện về việc mở một lớp học cho trẻ em thiệt thòi tại chùa đã được sư thầy trụ trì ủng hộ”, cô giáo Lê Thị Hòa kể.

Lớp học tình thương của cô giáo Lê Thị Hòa tại chùa Hương Lan ra đời như thế và duy trì từ năm 2007 tới nay. Ngoài cô Hòa, một số cô giáo ở các trường học trên địa bàn huyện Chương Mỹ cũng đã dành thời gian, công sức và kinh phí để góp phần duy trì lớp học vào hai ngày cuối tuần. 12 năm miệt mài dạy trẻ khuyết tật, cô Hòa không theo bất cứ một trang giáo án nào, bởi với cô, mỗi học trò, mỗi thời điểm lại đòi hỏi những cách thức khác nhau. Để thuộc một đoạn thơ, một bài hát, cô và trò có thể phải mất tới ba tháng, thậm chí nửa năm, thế nhưng không ai nản. Hiện nay, lớp có 63 học sinh ở độ tuổi 6-26, trong đó có những em đã theo học từ ngày đầu mở lớp tới nay; có em nhà cách lớp gần 30km nhưng vẫn đi học đều đặn… Từ lớp học này, một số em đã “tốt nghiệp”, có thể hòa nhập cuộc sống và đi làm, như Nguyễn Thị Miền, Nguyễn Thị Xuân (xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ).

Không chỉ mở lớp dạy học miễn phí, cô giáo Lê Thị Hòa còn tổ chức quyên góp tiền để xây nhà tình nghĩa cho nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã. Từ năm 2015 tới nay, cô Hòa đã kêu gọi quyên góp, hỗ trợ xây dựng 3 căn nhà với tổng trị giá 360 triệu đồng. Cô Hòa còn là cầu nối giữa các nhà hảo tâm, duy trì việc đóng góp kinh phí học tập cho một số học sinh khó khăn của Trường Trung học cơ sở Đông Sơn, Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A… Em Lê Tuấn Trạng, học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A cho biết: Cách đây ít ngày, cô Hòa và một số nhà hảo tâm còn đến tận nhà để trao lương thực và một số vật dụng sinh hoạt... Gia đình em còn nhiều khó khăn, nhờ sự hỗ trợ của cô Hòa và nhiều nhà hảo tâm trong những năm qua, em đã duy trì được việc học tập và sẽ cố gắng học tốt.

Cảm phục về những việc làm của cô giáo Lê Thị Hòa, ông Nguyễn Đức Hòa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ chia sẻ: Dạy học sinh biết đọc, biết viết, biết vệ sinh cá nhân là điều bình thường. Nhưng để dạy được những điều ấy cho những trẻ em khuyết tật thì phải có nghị lực phi thường và một tấm lòng nhân hậu.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, có nhiều đóng góp cho xã hội, liên tục từ năm 2008 đến năm 2017, cô giáo Hòa được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen và danh hiệu Tổng phụ trách giỏi; được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tặng danh hiệu thi đua Tổng phụ trách tiêu biểu cấp thành phố; danh hiệu giáo viên “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” cấp huyện 5 năm liền (2008-2012). Năm 2014, cô giáo Hòa được tặng danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô dạy học sinh các lớp tình thương, học sinh khuyết tật”; năm 2017 được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” thành phố. Năm 2019, cô giáo Lê Thị Hòa được đề nghị xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thắp sáng ước mơ cho những “vầng trăng khuyết”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.