Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời: Vẫn là bài toán nan giải

Hà Hiền| 07/12/2014 06:10

(HNM) - Việc duy trì những tuyến đường

Quận Đống Đa quyết liệt ra quân xử lý biển hiệu không đúng quy định. Ảnh: Minh Ngọc


Ra quân quyết liệt nhưng rác vẫn nhiều

Có thể nói, chưa bao giờ việc làm sạch đẹp các tuyến đường, phố được các ngành chức năng của TP Hà Nội quyết liệt thực hiện như năm 2014. Ngoài những tuyến đường do thành phố xây dựng, 30/30 quận, huyện, thị xã đều đăng ký xây dựng tuyến phố điểm về quảng cáo. Trên tinh thần đó, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các ban, ngành, đoàn thể, các xã, phường, thị trấn; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức ký cam kết với các hộ dân và ra quân xử lý vi phạm.

Từ đầu năm đến nay, quận Hoàn Kiếm đã xử lý gần 200 biển quảng cáo thương mại, biển hiệu sai nội dung, kích thước, bắt giữ, xử lý 26 đối tượng dán quảng cáo rao vặt trái quy định; quận Đống Đa tháo dỡ 74 biển quảng cáo, hơn 1.200 biển hiệu trên 9 tuyến phố trọng điểm, cắt hàng nghìn băng rôn, phướn; đề nghị Sở TT&TT xử lý hơn 100 số điện thoại vi phạm về quảng cáo rao vặt. Ở quận Tây Hồ, nhân dân phường Phú Thượng thường xuyên ra quân bóc, xóa quảng cáo rao vặt, thu gom, vớt rác tại các ao hồ; 100% các hộ gia đình trên địa bàn phường Thụy Khuê cam kết không lấn chiếm không gian công cộng, không vứt rác bừa bãi. Các ngành chức năng thị xã Sơn Tây phối hợp cùng nhân dân dọn sạch gần 900 biển hiệu không đúng kích thước ở phố Lê Lợi, chùa Thông và hơn 1.000 biển hiệu ở các tuyến phố khác…

Mặc dù các địa phương đã quyết liệt xử lý, nhưng bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy, sự thay đổi theo hướng văn minh mới chỉ thực hiện được phần nào ở những tuyến phố điểm về quảng cáo. Bằng chứng là tuyến đường 32 đi qua thị trấn Tây Đằng (Ba Vì) được huyện Ba Vì chọn là tuyến phố điểm về quảng cáo vẫn tràn lan biển vẫy có chân lấn chiếm vỉa hè, biển hiệu không đúng kích thước. Phố Tây Sơn, Thái Hà, chùa Bộc (quận Đống Đa) còn không ít biển hiệu sai kích thước. Tuyến phố điểm Bắc Sơn (thị trấn Chúc Sơn) của huyện Chương Mỹ không có gì thay đổi so với những năm trước.

Đáng nói hơn, hệ thống bảng quảng cáo rao vặt miễn phí để trống trơn, cũ mốc, nham nhở ở một số nơi, nhưng tại rất nhiều điểm chờ xe buýt, cánh cửa trường học, tường nhà dân lại bị "trưng dụng" để quảng cáo rao vặt. Ví dụ như hệ thống nhà chờ xe buýt dọc đường Tố Hữu thuộc phường Vạn Phúc (quận Hà Đông), cánh cửa phòng học Trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội (đường Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì)… bị phủ kín bởi các mẩu quảng cáo. Nói về hoạt động quảng cáo rao vặt hiện nay, Phó Trưởng phòng VH-TT quận Ba Đình Võ Hồng Vinh xót xa: "Dù không muốn chúng tôi cũng phải thừa nhận quảng cáo rao vặt trái quy định có dấu hiệu quay trở lại. Bảng quảng cáo rao mặt miễn phí chưa phát huy hiệu quả như mong muốn mặc dù quận Ba Đình đã ban hành quy chế hoạt động, sử dụng từ năm 2010. Thực trạng này khiến cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên địa bàn vốn đã khó, nay lại càng khó hơn". Ngoài Ba Đình, đại diện quận Hoàn Kiếm, Đống Đa cũng khẳng định tình trạng quảng cáo rao vặt vẫn tái vi phạm ở một số nơi.

Nhiều trạm chờ xe buýt trên địa bàn thành phố vẫn “nham nhở” quảng cáo, rao vặt. Ảnh: Phan Hữu


Không dễ khắc phục triệt để

Khảo sát thực tế cho thấy, việc đưa hoạt động quảng cáo rao vặt vào nền nếp vẫn vướng bởi những lý do "muôn thuở". Đó là hệ thống bảng quảng cáo miễn phí vừa ít, vừa không có kinh phí duy trì hoạt động, vừa chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cũng như người dân do một số biển được lắp đặt ở vị trí không phù hợp; còn người đi dán quảng cáo rao vặt bừa bãi thường là lao động tự do, địa chỉ cư trú không rõ ràng, bắt được tận tay cũng rất khó xử lý; quy trình cắt số điện thoại vi phạm quá phức tạp, thời gian quá dài… Để khắc phục tình trạng này, ông Võ Hồng Vinh kiến nghị TP Hà Nội nên có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, vận hành biển quảng cáo rao vặt miễn phí; mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý số điện thoại vi phạm…

Lý giải cho tình trạng còn tồn tại nhiều quảng cáo tấm lớn, biển hiệu, Trưởng phòng VH-TT quận Đống Đa Nguyễn Trọng Hải cho biết, trước khi có Luật Quảng cáo, việc lắp dựng biển quảng cáo, biển hiệu không phải xin phép xây dựng. Từ khi Luật Quảng cáo ra đời, biển quảng cáo, biển hiệu có diện tích bề mặt từ 20m2 trở lên bắt buộc phải xin giấy phép xây dựng. Thế nhưng, việc cấp phép xây dựng đối với biển quảng cáo có diện tích lớn hơn 20m2 chưa được các ngành chức năng triển khai; hồ sơ thông báo thực hiện nội dung quảng cáo đối với loại biển quảng cáo này chưa được Sở VH-TT&DL Hà Nội thụ lý giải quyết. Hơn nữa, trách nhiệm của các cơ quan trong việc kiểm tra, xử lý các trường hợp lắp dựng biển quảng cáo, biển hiệu không phép có diện tích từ 20m2 trở lên chưa rõ ràng, cụ thể; quy định về yêu cầu kỹ thuật đối với biển hiệu lắp dựng trên công trình, nhà ở theo nội dung Luật Quảng cáo còn chung chung, khiến cho việc vận dụng rất khó khăn. Xây dựng tuyến phố điểm về hoạt động quảng cáo được triển khai từ đầu năm, nhưng đến thời điểm này mẫu chuẩn về các tuyến phố văn minh vẫn chưa có. Từ thực tế đó, ông Nguyễn Trọng Hải đề nghị UBND thành phố sớm ban hành quyết định mới thay thế cho Quyết định 94 về quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời không còn phù hợp; sớm có thiết kế kiến trúc, cảnh quan cho tuyến phố điểm về quảng cáo…

Ở vị thế là trung tâm chính trị, văn hóa của đất nước; là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn bậc nhất Châu Á, Hà Nội không thể không dọn dẹp "rác" trên tường và "rác" trên đường để Hà Nội ngày một sạch đẹp, văn minh hơn. Hy vọng, những vướng mắc, bất cập về hoạt động quảng cáo tồn tại trong thực tế sẽ sớm được các ngành chức năng quan tâm giải quyết. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời: Vẫn là bài toán nan giải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.