Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề phòng dịch bệnh “nội công - ngoại kích”

Thu Trang| 11/06/2018 06:47

(HNM) - Trong khi một số bệnh truyền nhiễm trong nước đang tiềm ẩn diễn biến khó lường, thì nguy cơ loại dịch bệnh nguy hiểm gây chết người hàng loạt Ebola cũng có khả năng xâm nhập vào nước ta.

Đo thân nhiệt khách nhập cảnh tại Sân bay quốc tế Nội Bài để phòng bệnh Ebola xâm nhập.


Không chủ quan, lơ là

Đánh giá về tình hình dịch bệnh hiện nay, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, diễn biến dịch bệnh từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố chưa có gì bất thường. Tuy nhiên, với thời tiết đặc trưng mùa hè là nắng nóng kèm theo mưa nhiều, không thể chủ quan với nhiều loại dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, trong 5 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 20.522 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 41,4%, số tử vong giảm 8 trường hợp. Riêng tại Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết ghi nhận từ đầu năm đến nay là hơn 100 trường hợp (giảm hơn 900 trường hợp so với cùng kỳ).

Dù vậy, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên đang vào mùa mưa, miền Bắc vào mùa hè là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh. Nếu không tích cực chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, nguy cơ phát triển nhanh các ổ dịch sốt xuất huyết dẫn đến bùng phát dịch là rất cao.

Cùng với đó, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Hiện Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) điều trị cho hơn 30 ca viêm não, màng não, trong đó có 2 bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản rất nặng. Đáng chú ý, 2 trường hợp này đều không được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ số mũi vắc xin theo quy định.

Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm của bệnh viện, từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não. Riêng với viêm não Nhật Bản thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25 đến 35%). Ngoài ra, di chứng thần kinh sau khi mắc viêm não Nhật Bản như giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Điều trị cho trẻ mắc bệnh tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Nhật Nam


Không chỉ có những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp vào mùa hè, ngay cả những bệnh hay xuất hiện vào mùa đông - xuân như sởi đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc như: Thanh Hóa, Hà Nội, Sơn La, Quảng Ninh...

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, nếu như trong tháng 4 và đầu tháng 5-2018 chỉ ghi nhận 2-6 ca bệnh sởi/tuần thì trong tuần cuối tháng 5 và đầu tháng 6-2018, trên địa bàn thành phố ghi nhận từ 10 đến 18 trường hợp dương tính với sởi/tuần. Trong 5 tháng đầu năm 2018, Hà Nội có hơn 110 trường hợp mắc sởi trong khi cả năm 2017 mới ghi nhận hơn 60 ca mắc.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, trước đây, bệnh sởi thường phát triển mạnh vào mùa đông - xuân thì nay bệnh xuất hiện rải rác quanh năm. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp như ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng.

Triển khai nhiều biện pháp cấp bách

Cùng lúc đối diện với nguy cơ nhiều dịch bệnh trong nước diễn biến khó lường, Việt Nam còn phải lo đối phó với nguy cơ xâm nhập của dịch Ebola đang tái bùng phát tại Cộng hòa dân chủ Congo từ đầu tháng 4-2018 đến nay. Cách đây hơn 2 tuần, công tác giám sát dịch Ebola đã được ngành Y tế nước ta triển khai tại các cửa khẩu và bệnh viện nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt là những người có tiền sử trở về từ vùng có dịch.

Tại cuộc họp thông báo tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý, tỷ lệ tử vong do Ebola ở Congo tới gần 50% số mắc. Điều đó cho thấy, Ebola là dịch bệnh vô cùng nguy hiểm. Dù dịch xảy ra ở vùng hẻo lánh của Congo, nơi điều kiện y tế kém, không có khách du lịch nhưng phòng chống dịch bệnh không cho phép lơ là, chủ quan.

Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong điều trị loại bệnh này, do đó, ngành Y tế yêu cầu các cơ sở y tế cần phải thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin với bạn bè quốc tế về kinh nghiệm chuyên môn. Mặt khác, tại các bệnh viện phải tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, sẵn sàng khu vực cách ly thu dung, điều trị ngay cả khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc Ebola.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, với những dịch bệnh dễ xảy ra trong mùa hè, để phòng bệnh, các địa phương và mỗi người dân cần tích cực triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, như diệt muỗi, bọ gậy, ngủ màn... Với những bệnh đã có vắc xin phòng bệnh, người dân cần tuân thủ việc tiêm phòng đầy đủ.

Hiện Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội bảo đảm đủ vắc xin phục vụ nhu cầu phòng bệnh của người dân. Người dân cần chủ động cho trẻ đi tiêm chủng khi đến tuổi, không nên chờ đến khi có dịch mới tiêm sẽ không đạt hiệu quả cao trong phòng bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15-6)” cao điểm trong tháng 6-2018. Ngoài ra, Bộ Y tế tổ chức 8 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề phòng dịch bệnh “nội công - ngoại kích”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.