Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng bộ hóa để hỗ trợ người bệnh

Thanh Tàu| 09/07/2018 07:24

(HNM) - Để giải quyết tình trạng thiếu hụt xe cấp cứu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, mới đây các trung tâm y tế quận, huyện đã đề xuất đầu tư xe cấp cứu…


Nhu cầu thiết yếu

Đầu năm 2018 đến nay, Tổng đài cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh tiếp nhận 4.287 cuộc gọi tư vấn và yêu cầu được trợ giúp, trong đó xuất xe là 1.624 lượt với 1.313 bệnh nhân được tiếp cận. Trong số này có 32 trường hợp đã ngưng tim, ngưng thở từ trước, nhân viên cấp cứu phải hồi sinh tim, phổi để giành lại sự sống cho họ. Do đó, việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện nhằm bảo đảm thời gian vàng trong cấp cứu khi người dân gặp sự cố về sức khỏe hay tai nạn là rất cần thiết đối với thành phố 13 triệu dân hiện nay.

Hoạt động vận chuyển người bệnh an toàn, chuyên nghiệp.


Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh cho biết, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân thành phố, từ năm 2015, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh phát triển mạng lưới hệ thống các trạm cấp cứu vệ tinh 115 đặt tại các bệnh viện trên địa bàn. Đến nay đã có 24 trạm cấp cứu vệ tinh phủ rộng khắp thành phố, đặc biệt là tại các khu vực cửa ngõ như quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ… và đã bước đầu phát huy được những hiệu quả nhất định.

Theo BS Nguyễn Duy Long, bên cạnh việc tham gia trạm cấp cứu vệ tinh làm nhiệm vụ hỗ trợ và vận chuyển cấp cứu trên địa bàn, các bệnh viện quận, huyện hiện nay đều có mối quan hệ hợp tác với trung tâm y tế quận, huyện trong phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân. Vì vậy, khi cần thiết bệnh viện quận, huyện sẵn sàng hỗ trợ trung tâm y tế. Trong trường hợp xe của bệnh viện quận, huyện bận thì các trung tâm y tế có thể gọi Trung tâm Cấp cứu 115 của thành phố để điều xe của quận, huyện gần nhất.

Sẽ xây dựng hệ thống hiện đại

Theo BS Nguyễn Ngọc Duy, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện nay mô hình mạng lưới y tế cơ sở tại các quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh bao gồm: Bệnh viện đảm nhận chức năng khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn có trang bị 2 đến 3 xe cứu thương; còn trung tâm y tế với chức năng chính là phòng, chống dịch bệnh đều có trang bị xe chống dịch, ngoài ra còn có thêm phòng khám ngoại trú với số lượng khám trung bình 10-20 bệnh nhân/ngày, hiếm khi có tình trạng cấp cứu... Thời gian tới, trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện sẽ sáp nhập nên Sở Y tế không đề xuất trang bị thêm xe cứu thương cho trung tâm y tế. Tuy nhiên, Sở vẫn kiến nghị xem xét trang bị thêm một xe cứu thương cho những bệnh viện quận, huyện có trạm vệ tinh hoạt động với số cấp cứu lượt cao.

BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian tới cần đầu tư hệ thống điều hành thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin giúp tăng hiệu quả trong công tác quản lý, điều phối mạng lưới cấp cứu ngoại viện. Bên cạnh đó, trạm vệ tinh cần bố trí, điều động nhân lực bảo đảm cho công tác cấp cứu ngoại viện. Các trạm vệ tinh phối hợp, hỗ trợ nhau nhanh chóng triển khai cấp cứu, tránh làm gián đoạn quá trình này.

Để nâng cao năng lực cấp cứu ngoài bệnh viện cho nhân viên y tế, BS Nguyễn Ngọc Duy cho hay, Sở Y tế đã giao Trung tâm Cấp cứu 115 xây dựng kế hoạch đào tạo để trong tháng 8-2018 sẽ tổ chức lớp huấn luyện cho tất cả bác sĩ của các trạm cấp cứu vệ tinh, các khoa cấp cứu của bệnh viện quận, huyện. Hiện Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đang tổ chức các lớp đào tạo điều dưỡng viên cấp cứu ngoài bệnh viện chuyên nghiệp theo mô hình của Châu Âu.

Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, để phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện thì rất cần có sự đầu tư một cách đồng bộ, từ ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị, xe cứu thương đến đào tạo con người. Định hướng thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng hệ thống cấp cứu ngoại viện quy mô và hiện đại hơn, trong đó huy động các bệnh viện tham gia vào việc vận chuyển, cấp cứu ngoại viện. Ngoài ra, do có nhiều kênh rạch nên thành phố có thể sẽ trang bị thêm các ca nô cấp cứu, vận chuyển cấp cứu bằng đường sông khi đường bộ tắc nghẽn. Đồng thời, thành phố cũng mở những khóa đào tạo có hệ thống các chuyên viên cấp cứu ngoại viện.

Trung tâm Cấp cứu 115, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, có 62 cán bộ, nhân viên, 24 xe cấp cứu. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng tập thể cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên Trung tâm đã nỗ lực, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn: Tổ chức, điều phối mạng lưới trạm vệ tinh cấp cứu 115 tại các quận, huyện; phục vụ cấp cứu cho các sự kiện, lễ hội... Đặc biệt, với nhiệm vụ cấp cứu cho bệnh nhân trong mọi tình huống, Trung tâm đã kịp thời cứu sống nhiều người bệnh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bộ hóa để hỗ trợ người bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.