Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử: Mang lại nhiều lợi ích

Bài, ảnh: Hương Thủy| 05/03/2019 20:14

(HNMO) - Rút ngắn thời gian làm thủ tục khám, chữa bệnh; giảm chi phí; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh… là những lợi ích mà việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử mang lại.


Bệnh viện đang thực hiện thí điểm

Từ ngày 1-3-2019, các cơ sở y tế áp dụng quy định hồ sơ bệnh án điện tử theo Thông tư 46/2018/TT-BYT. Để triển khai, nhiều bệnh của Hà Nội đã tích cực chuẩn bị.

Bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cập nhật tình trạng bệnh nhân lên Ipad.


Ông Nguyễn Khuyến, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, năm 2018, Bệnh viện đã được UBND TP Hà Nội giao thực hiện thí điểm phần mềm mới để chuẩn bị cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Từ tháng 12-2018 đến nay, phần mềm này được triển khai thí điểm ở một số khoa như Khoa Truyền nhiễm, Khoa Nội tổng hợp (điều trị nội trú) và khu khám bệnh theo yêu cầu, khu khám bệnh nội tiết. Theo đó, khi khám và điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ dùng Ipad để cập nhật tình trạng bệnh nhân và chỉ định thay vì dùng bút ghi giấy như trước.

Trong tháng 3 này, nếu phần mềm được nghiệm thu, việc khám và chữa bệnh điện tử sẽ được bệnh viện triển khai thí điểm trên toàn bệnh viện. Sau khi triển khai thí điểm, hệ thống vận hành tốt, Bệnh viện sẽ triển khai chính thức.

Cùng với đó, để tiến tới không dùng sổ khám bệnh bằng giấy, Bệnh viện tích cực khai báo thông tin bệnh nhân bằng vân tay như: Tên tuổi, địa chỉ, số chứng minh thư, số thẻ bảo hiểm y tế, lấy dấu vân tay… Đến nay, Bệnh viện đã khai báo được khoảng 5.000 vân tay của bệnh nhân.

Theo Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, các phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), phần mềm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS) phải đồng bộ. Hiện nay, hệ thống HIS và LIS tại bệnh viện đã khá tốt. Tuy nhiên, với hệ thống PACS, do cần hệ thống lưu trữ thông tin rất lớn nên đòi hỏi có sự đầu tư không nhỏ. Vì vậy, Bệnh viện đã xây dựng quy hoạch hạ tầng công nghệ thông tin trình Sở Y tế Hà Nội để trình UBND thành phố.

Ông Đinh Công Dũng, Phó Phòng Công nghệ thông tin, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chia sẻ, từ tháng 11-2018, Bệnh viện đã thực hiện thí điểm kết nối máy chụp chẩn đoán hình ảnh với hệ thống quản lý của Bệnh viện, đây là hệ thống không phim, tức hệ thống truyền tải dữ liệu, rồi trả kết quả trên máy tính, bác sĩ ngồi tại phòng khám có thể xem ảnh chụp của bệnh nhân và đọc kết quả chụp.

Trong quá trình thử nghiệm cho thấy hệ thống vận hành tốt. Sau khi được cơ quan chức năng phê duyệt, Bệnh viện sẽ triển khai chụp chẩn đoán hình ảnh không in phim.

Cũng giống như Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã xây dựng quy hoạch về hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó có hệ thống máy chủ, máy lưu trữ và hệ thống đường truyền mạng, trình Sở Y tế Hà Nội, bởi sự đầu tư về hệ thống lưu trữ là rất lớn.

Phó Phòng Công nghệ thông tin, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho hay, để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử cần sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng và đầu tư lớn. Vì vậy, việc triển khai không thể “ngày một ngày hai” mà thực hiện dần từng bước.

Mang lại nhiều lợi ích

Có thể nói, hồ sơ bệnh án điện tử được triển khai sẽ mạng lại nhiều lợi ích. Theo ông Nguyễn Khuyến, những lợi ích đó là: Bệnh nhân không còn phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh; việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế minh bạch, không còn tình trạng trục lợi thẻ bảo hiểm y tế; bác sĩ ra y lệnh và kê thuốc trên Ipad nên không có tình trạng bệnh nhân không thể đọc được chữ bác sĩ; Bệnh viện không mất nhiều diện tích để lưu trữ hồ sơ bệnh án, việc tìm hồ sơ bệnh án thuận tiện hơn; thủ tục khám, nhập viện của bệnh nhân được rút ngắn, khi đăng ký khám bệnh, thay vì mất trung bình 3 phút như hiện nay sẽ chỉ còn 5-10 giây.

Ông Đinh Khắc Nhật cung cấp thông tin và dấu vân tay cho bệnh viện.


Bên cạnh đó, bác sĩ nắm rõ tình trạng của bệnh nhân hơn khi bệnh nhân nhập viện, bởi có đầy đủ thông tin về tình trạng bệnh, loại thuốc người bệnh đã và đang sử dụng.

“Ngoài ra, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử còn giúp giảm chi phí khá nhiều. Thay vì in phim khi chụp chẩn đoán hình ảnh, in giấy cho kết quả xét nghiệm, khi triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, chỉ cần lưu trữ và truyền tải”, ông Khuyến nói.

Ông Đinh Khắc Nhật (ở xã Yên Viên, huyện Gia Lâm) cung cấp thông tin cho bệnh viện, cho biết, ông rất vui khi thời gian tới các bệnh viện sẽ triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, bởi việc đăng ký khám, chữa bệnh của người dân được rút gọn, người bệnh không còn phải “tay xách nách mang” khi đi khám bệnh.

“Tôi bị bệnh về động mạch vành, đặt 3 stent nên phải khám bệnh định kỳ hằng tháng tại bệnh viện. Mỗi lần khám, tôi phải mang đủ thứ như sổ khám bệnh, phim chụp…Tôi đã có tuổi nên hay quên, có lần tôi quên sổ khám bệnh phải gọi người nhà mang đến”, ông Đinh Khắc Nhật chia sẻ.

Còn chị Hoàng Thị Hương, người chăm sóc cho bệnh nhân Hoàng Văn Quyền bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, từ khi Bệnh viện thực hiện thí điểm hồ sơ bệnh án điện tử, sau khi khám cho bệnh nhân, bác sĩ cập nhật tình trạng sức khỏe, yêu cầu đối với bệnh nhân lên Ipad, rồi in thông tin để phổ biến cho bệnh nhân.

“Cách làm trên rất nhanh gọn, thuận tiện cho cả bác sĩ và người nhà bệnh nhân, đồng thời cũng cho thấy một nền y học hiện đại”, chị Hoàng Thị Hương đánh giá.

Theo Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, từ ngày 1-3-2019, các cơ sở khám chữa bệnh sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay cho sổ khám bệnh trước đây. 

Mỗi người bệnh được cấp một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh.

Hồ sơ bệnh án điện tử phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin như hồ sơ bệnh án giấy; có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử; tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định.

Về lộ trình thực hiện, từ năm 2019 - 2023, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng 1 trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử khi đáp ứng các yêu cầu.

Giai đoạn từ năm 2024-2028, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử thì phải báo cáo cơ quan quản lý trực thuộc. Việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử phải được hoàn thành trước ngày 31-12-2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử: Mang lại nhiều lợi ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.