Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những kỹ năng giúp trẻ tự vệ khi đi thang máy một mình

Thanh Hương| 04/04/2019 12:32

(HNMO) - Thời gian vừa qua, nhiều vụ xâm hại, sàm sỡ trẻ em xảy ra. Gần đây nhất, việc bé gái khoảng 7 tuổi tại một chung cư ở quận 4 (TP Hồ Chí Minh) bị một người đàn ông sàm sỡ đã khiến dư luận bức xúc.

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công có trụ sở tại Hà Nội, thay vì hoang mang, lo lắng, cha mẹ hãy hướng dẫn các con những kỹ năng ứng phó cần thiết.

Chuyên gia tâm lý Vũ Việt Anh trong một lần hướng dẫn về phòng, chống xâm hại tình dục học đường


Trước hết, trẻ cần nhận biết dấu hiệu nguy hiểm, có thể bị xâm hại. Có 5 cảnh báo cho thấy điều đó.

Cụ thể: Người khác muốn nhìn vào vùng kín của con hoặc bắt con nhìn vào vùng kín của họ, đó là cảnh báo nhìn; Người khác nói chuyện về vùng kín với con, đó là cảnh báo nói; Người khác muốn sờ, động chạm vùng kín của con hoặc bắt con sờ vùng kín của họ, đó là cảnh báo sờ; Người khác muốn đưa con đi nơi khác mà không được sự đồng ý của con hoặc của gia đình, đây là cảnh báo bắt cóc; Người khác ôm ấp con một cách không đúng đắn là cảnh báo ôm.

“Chỉ cần có 1 trong 5 hành vi trên là con đã bị xâm hại”, chuyên gia tâm lý Vũ Việt Anh nói.

Chuyên gia tâm lý này cho rằng, cha mẹ hãy hướng dẫn con thực hiện nguyên tắc “No-Go-Tel”, tức là luôn nói Không với những hành vi xấu của người lạ đối với mình, tìm cách Tháo chạy nhanh nhất có thể, Nói lại sự việc xảy ra với bố mẹ, người thân.

Thang máy có không gian hẹp, là điều kiện luận lợi để những kẻ biến thái thực hiện các hành vi sàm sỡ. Ngày nay, tại các thành phố lớn, nhiều chung cư, nhà cao tầng mọc lên nên việc sử dụng thang máy là thường xuyên. Vì vậy, cha mẹ cần hướng dẫn con cẩn thận mỗi khi đi thang máy.

- Cha mẹ dạy con đầy đủ các tính năng phím bấm của thang máy; cách gọi khẩn cấp khi gặp sự cố.

- Dạy trẻ khi vào thang máy nên quan sát, đứng gần bảng điều khiển, không nên quay mặt vào tường.

- Khi đi thang máy, trẻ cần mang theo thẻ. Hiện nay, nhằm bảo đảm an toàn, hầu hết các chung cư lắp đặt hệ thống thẻ thang máy. Vì vậy, mỗi khi trẻ đi thang máy cần mang theo nhằm chủ động bấm thang máy khi cần ra tầng gần nhất nếu có tình huống xấu xảy ra. Với trường hợp trẻ ở TP Hồ Chí Minh vừa qua, khi vào thang máy, cháu không có thẻ mà phải nhờ bảo vệ. Vì thế, khi bị sàm sỡ, cháu không thể bấm thang máy nếu muốn ra tầng gần nhất.

Bé gái bị người đàn ông lạ ôm ấp trong thang máy


- Cha mẹ hướng dẫn con một số cách để phản kháng tự vệ khi bị sàm sỡ trong thang máy.

+ Khi ở trong thang máy, bị người lạ tấn công, trẻ nhìn thẳng, hét to vào mặt đối tượng, bởi khi trẻ hét to, đối tượng sẽ sợ bị phát hiện và giảm ham muốn.

+ Trẻ dùng những phần cứng trên cơ thể mình để làm đau đối tượng như húc đầu gối, cùi chỏ vào chỗ hiểm, mặt, mắt, bụng của đối tượng, thậm chí có thể cắn, cấu đối tượng khiến đối tượng bị đau.


+ Trẻ bấm nhiều lần vào chuông báo động và vào phím những tầng gần nhất để chạy ngay ra ngoài khi cửa thang máy mở ở tầng gần nhất, sau đó kêu cứu to và nhờ sự trợ giúp.

“Nếu không may tình huống xấu xảy ra, cha mẹ tuyệt đối không đổ lỗi, trách phạt trẻ”, chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Ông Vũ Việt Anh khuyến cáo, nhằm phòng tránh các tình huống nguy hiểm xảy ra với trẻ, không nên để trẻ nhỏ di chuyển một mình trong thang máy và không nên để trẻ chơi chỗ khuất tầm nhìn của người lớn.

Hằng ngày, các bậc cha mẹ nên chơi với con nhiều hơn để hướng dẫn con gọi tên chính xác các bộ phận trên cơ thể, trao đổi với con một số tình huống xảy ra và cách xử lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những kỹ năng giúp trẻ tự vệ khi đi thang máy một mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.