Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sai lầm trong điều trị thoái hóa khớp

Hương Thủy| 11/04/2019 15:37

(HNMO) - Bệnh thoái hóa khớp không gây tử vong nhưng lại là nỗi ám ảnh của nhiều người. Theo các chuyên gia, nhiều người mắc sai lầm trong điều trị thoái hóa khớp.


Thoái hóa khớp là hiện tượng sụn và xương dưới sụn khớp bị tổn thương gây viêm nhiễm, đau đớn cho người bệnh, thường gặp nhất là thoái hóa khớp gối, khớp háng, khớp cổ tay, khớp cột sống... Trước đây, bệnh này xảy ra với người cao tuổi, nhưng gần đây có xu hướng trẻ hóa, có những người mới hơn 20 tuổi đến 30 tuổi đã bị bệnh. Người làm văn phòng dễ gặp thoái hóa khớp bởi làm việc lâu với máy tính, tư thế ngồi không đúng.

Nguyên nhân của thoái hóa khớp là do lão hóa, thừa cân, tổn thương khớp (khớp bị tổn thương hoặc hoạt động quá sức)... Bệnh không gây tử vong nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh, thậm chí có thể gây tàn phế suốt đời nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp điều trị kịp thời. 

Ảnh minh họa, nguồn: Internet


Theo PGS.TS Kiều Đình Hùng - Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, dấu hiệu thoái hóa khớp là mỏi đầu gối, cổ, lưng. Đó là giai đoạn đầu của bệnh. Giai đoạn muộn hơn có dấu hiệu đau khi đi lại, cứng khớp; muộn hơn nữa là sưng khớp, không đi được.

Ngoài các chẩn đoán lâm sàng (như các triệu chứng đau khớp, có tiếng lục khục khi cử động, hạn chế vận động...) thì cần tiến hành các thăm dò cận lâm sàng, chụp cộng hưởng từ, X-quang, nội soi khớp, siêu âm khớp. Dựa vào các yếu tố trên, các bác sĩ sẽ phát hiện ra bệnh đang ở mức độ nào, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Tùy từng giai đoạn, bác sĩ sẽ có cách điều trị khác nhau. Giai đoạn sớm chỉ cần bổ sung một số thực phẩm, tập phục hồi chức năng, dùng thuốc giảm đau chống viêm theo hướng dẫn của bác sĩ. “Tuyệt đối không lạm dụng thuốc giảm đau chống viêm vì dễ gây viêm loét dạ dày, suy tuyến thượng thận hoặc gãy xương do tác dụng phụ của thuốc chứa corticoid”, bác sĩ lưu ý.

PGS.TS Kiều Đình Hùng cho biết, bệnh ở giai đoạn nặng, có thể chữa bằng cách tiêm vào khớp. Khớp có bao hoạt dịch, các thuốc uống hấp thụ khá khó nên bệnh nhân khi được tiêm cảm thấy dễ chịu vì đỡ ngay, nhưng người tiêm phải là bác sĩ chuyên khoa và điều kiện vô khuẩn tốt.

“Trước đây, đa số chữa bằng cách tiêm corticoid, nhưng hiện nay có cả tiêm huyết tương giàu tiểu cầu nuôi dưỡng sụn khớp và đạt kết quả tốt. Một biện pháp nữa là tiêm chất nhờn vào khớp. Trường hợp bệnh nhân thoái hóa khớp được phát hiện muộn, bác sĩ sẽ làm sạch khớp, cắt gai xương, làm chậm quá trình thoái hóa khớp. Nặng hơn nữa thì thay khớp, hiện nay ở Việt Nam chủ yếu là thay khớp háng”, chuyên gia này nói.

PGS.TS Kiều Đình Hùng cho biết thêm, người bệnh thoái hóa khớp thường có sai lầm trong điều trị là luyện tập không đúng, vì thế, sau khi tập bệnh nặng lên. Ngoài ra, có người lạm dụng thuốc giảm đau chống viêm chứa corticoid khiến mặt sưng phù, có người lại muốn tiêm khớp liên tục để giảm đau khiến hỏng khớp.

“Càng tiêm corticoid nhiều thì khớp thoái hóa càng nhanh”, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình cảnh báo.

Trong khi đó, ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay, bệnh nhân có tâm lý chữa nhiều nơi, ai mách đâu cũng đến chữa. Vì vậy, bệnh nhân có nhiều chỉ định, rất có hại. Đó là chưa kể, nhiều người còn hỏi “bác sĩ” google để tìm các loại thuốc không rõ nguồn gốc điều trị.

Theo các chuyên gia, với những trường hợp chữa trị thoái hóa khớp được chia sẻ trên facebook, người dân cần thận trọng, không nên làm theo, bởi tình trạng thoái hóa khớp là muôn hình vạn trạng, không phải ai cũng giống nhau.

Để phòng ngừa thoái hóa khớp, lời khuyên được đưa ra là có chế độ sinh hoạt, luyện tập, ăn uống khoa học, hợp lý từ khi còn trẻ; tránh các tư thế không phù hợp hoặc động tác đột ngột, quá mạnh khi làm việc, sinh hoạt; kiểm soát cân nặng để giúp giảm áp lực lên các khớp xương. Với người làm văn phòng, nên ngồi ghế xoay, làm việc 15-20 phút thì đứng lên đi lại, giữa giờ tập thể dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sai lầm trong điều trị thoái hóa khớp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.