Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Phan Tuấn| 23/05/2019 11:39

(HNMCT) - Mùa hè thời tiết nắng nóng tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi rút phát triển. Do đó, đây cũng là thời điểm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

Sử dụng thực phẩm an toàn, đúng cách sẽ tránh được nguy cơ ngộ độc trong ngày hè.


Tác nhân gây ngộ độc

Nhiệt độ từ 37 độ C đến 40 độ C là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân, gấp 3 lần so với thời tiết bình thường. Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, trong các thực phẩm kém chất lượng thường xuất hiện 7 loại vi khuẩn. Những loại vi khuẩn này khi ở trong môi trường nắng nóng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Chẳng hạn như vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương; vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả...

Đối với các loại thực phẩm đã nhiễm khuẩn ở mức độ cao thì dù thức ăn được nấu chín, đun sôi thì độc tố vẫn còn, người sử dụng vẫn có nguy cơ bị ngộ độc.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mùa hè cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh như ruồi, nhặng, gián, muỗi... Với những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nếu không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn trong chế biến thực phẩm dễ dẫn đến nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm.

Theo kết quả điều tra của Cục An toàn thực phẩm, kiến thức của người sản xuất, kinh doanh, chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đã được nâng cao đáng kể, song “thực hành đúng” về an toàn thực phẩm còn hạn chế. Thêm vào đó, thói quen đơn giản trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến... không bảo đảm an toàn vệ sinh của các bà nội trợ cũng làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Những thói quen có hại

Theo ông Trần Ngọc Tụ, việc người dân lưu trữ thức ăn từ sáng tới chiều tối, thậm chí để qua đêm, trong môi trường bình thường bên ngoài là thói quen chưa tốt. Khi để thực phẩm quá lâu trong môi trường, nhất là khi nhiệt độ nắng nóng dễ khiến thực phẩm bị phân hủy, vi khuẩn xâm nhập. Để có thực phẩm an toàn, tốt nhất chế biến vừa đủ và ăn ngay sau khi chế biến, nếu chưa sử dụng cần che đậy bảo quản cẩn thận (dùng màng bọc PE, hộp nhựa, lồng bàn, tủ lạnh...). Nếu để sau 2 giờ phải hâm nóng lại trước khi sử dụng. Không nên để thực phẩm qua đêm và hâm đi hâm lại nhiều lần.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cũng đưa ra lưu ý, nhiều người có thói quen trữ đủ thứ thức ăn sống - chín, rau củ, thịt cá trong tủ lạnh cũng là nguy cơ dẫn đến ô nhiễm chéo do tiếp xúc giữa các thực phẩm. Tủ lạnh là một phương tiện bảo quản thức ăn rất tiện lợi cho mỗi gia đình. Tuy nhiên, các bà nội trợ đừng coi tủ lạnh là bảo bối. Bởi vì tủ lạnh cũng chỉ bảo quản thực phẩm được một thời gian nhất định. Ngăn tủ lạnh chứa quá nhiều thực phẩm sẽ chặn luồng khí lạnh lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Do đó, người dân chỉ nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh một thời gian nhất định. Với thực phẩm tươi sống như thịt chỉ bảo quản 3-5 ngày, đối với cá là 3 ngày.

Ngoài ra, cần phải phân loại thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh. Để riêng thực phẩm chín và thực phẩm sống; rau quả tươi phải được rửa sạch, để ráo nước mới được cho vào tủ lạnh. Tất cả thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh phải được gói kín hoặc để trong khay, hộp có nắp đậy kín. Thức ăn chín bảo quản trong tủ lạnh phải được đun sôi lại trước khi dùng.

Nguyên tắc phòng ngừa


Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thức ăn, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo, người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm. Khi chế biến thực phẩm cần bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm bảo đảm vệ sinh; đặc biệt là thực hiện “ăn chín, uống sôi”.

Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, giữ gìn đạo đức trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.

Ông Trần Ngọc Tụ cho rằng, những dấu hiệu cho thấy người bệnh bị ngộ độc thực phẩm cấp tính thường xảy ra ngay sau khi ăn phải thức ăn bị ô nhiễm, với các biểu hiện như đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn ói liên tục, mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt... Ngộ độc cấp tính thường do ăn phải thức ăn có nhiễm vi sinh vật hay hóa chất với số lượng lớn.

Khi bị ngộ độc thực phẩm, người thân cần có biện pháp sơ cứu, làm cho người bị ngộ độc nôn thức ăn ra bằng cách tạo phản xạ nôn. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân lơ mơ không tỉnh táo hoặc có co giật thì không được gây nôn, đề phòng bệnh nhân sặc. Sau khi sơ cứu tại chỗ, bệnh nhân nên được chuyển đến cơ sở y tế để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.