Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thoái hóa khớp gối: Nỗi ám ảnh của người cao tuổi

Phương Thu| 15/08/2019 13:37

(HNMCT) - Thoái hóa khớp gối là bệnh rất phổ biến ở người cao tuổi, cũng là căn bệnh gây tàn phế cao nhất hiện nay. Thế nhưng, thoái hóa khớp nếu được chẩn đoán sớm và điều trị sớm có thể làm chậm sự phát triển của bệnh, giảm triệu chứng đau đớn, giúp duy trì cuộc sống bình thường.

Tuổi càng cao, tổn thương thoái hóa càng nặng

Bác sĩ Đoàn Việt Quân, Trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương chi dưới (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết, thoái hóa khớp gối là bệnh xương khớp phổ biến nhất trên thế giới, càng nhiều tuổi, tỷ lệ mắc bệnh càng cao. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ bị thoái hóa khớp gối chiếm khoảng 20% dân số trung bình ở mỗi quốc gia. Riêng tại Mỹ, ở độ tuổi trên 55, con số này lên tới 80%. Còn tại Việt Nam, dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng tỷ lệ người bị thoái hóa khớp gối (ở người trên 40 tuổi) chiếm trên 23%.

Theo bác sĩ Luyện Trung Kiên, Bệnh viện trung ương Quân đội 108, thoái hóa khớp là quá trình lão hóa mang tính quy luật của tổ chức sụn, các tế bào, tổ chức ở khớp và quanh khớp. Đây là bệnh liên quan chặt chẽ với tuổi, nghĩa là tuổi càng cao tổn thương thoái hóa càng nặng. Bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, gây tổn hại đến kinh tế gia đình người bệnh và tạo gánh nặng cho chi phí y tế. Tuổi càng cao thì hiện tượng lão hóa các cơ quan càng mạnh, trong đó có khớp xương. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác tác động đến sự phát triển của bệnh như di truyền, tình trạng béo phì, có các vi chấn thương xảy ra thường xuyên ở khớp. Thoái hóa khớp còn có thể là hậu quả của viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng khớp hoặc trong tiền sử có chấn thương mạnh tại khớp như bị ngã, tai nạn lao động, tai nạn thể thao...

Các triệu chứng chính của bệnh

Đề cập đến triệu chứng, bác sĩ Luyện Trung Kiên cho biết, đau tại khớp bị thoái hóa là dấu hiệu bao giờ cũng có và là triệu chứng khó chịu chính khiến bệnh nhân phải tìm đủ mọi cách để giảm đau. Đau khớp có tính chất cơ học, đi lại vận động khiến tình trạng đau đớn sẽ tăng, còn khi nghỉ ngơi thì cơn đau giảm. Trong thoái hóa khớp gối, bệnh nhân đau khi đi lại, khi đứng lên và ngồi xuống. Đặc biệt, cứng khớp buổi sáng là tình trạng khi ngủ dậy, bệnh nhân thấy các khớp của mình cứng, vận động khó, phải tập luyện gấp duỗi một lúc khớp mới vận động dễ dàng hơn. Thời gian cứng khớp thường dưới 30 phút. Ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân có thể thấy lạo xạo khớp khi cử động, giai đoạn nặng có thể có biến dạng khớp, hạn chế vận động hoặc mất vận động khớp.

Còn theo bác sĩ Đoàn Việt Quân, thoái hóa khớp gối gồm 2 loại: Thoái hóa do chấn thương và thoái hóa do bệnh lý (chiếm phổ biến, đặc biệt người trên 50 tuổi). Bệnh này phổ biến hơn ở nữ giới (chiếm 70% ca bệnh) do theo thời gian, nội tiết tố suy giảm, ảnh hưởng đến xương, sụn. Khi đến thăm khám, bác sĩ thường cho chụp X-quang xương khớp để phát hiện các tổn thương thoái hóa khớp như hẹp khe khớp, gai xương ở rìa, đặc xương dưới sụn... Ngoài ra, các bác sĩ có thể làm thêm các xét nghiệm máu (huyết học, sinh hóa, miễn dịch) hoặc xét nghiệm dịch khớp, chụp cộng hưởng từ khớp, siêu âm khớp để giúp khẳng định chẩn đoán hoặc chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác của khớp như viêm khớp dạng thấp, gout, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp phản ứng, lao khớp.

Ở giai đoạn nhẹ, thoái hóa khớp gối có thể điều trị nội khoa. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển đến giai đoạn 3-4, sẽ buộc phải thay khớp gối do không thể đi lại hoặc đi lại rất đau đớn. Để càng muộn, nguy cơ bị biến chứng như cứng khớp, dính khớp, thậm chí tàn phế càng cao.

Phòng bệnh như thế nào?

Để phòng bệnh thoái hóa khớp gối, bác sĩ Đoàn Việt Quân khuyến cáo, người cao tuổi nên có một chế độ sinh hoạt cho hợp lý (ăn, uống, đi lại, tập luyện...) tùy theo điều kiện của mỗi người. Nên có chế độ sinh hoạt và tập luyện nhẹ nhàng như chơi thể thao, đi bộ, bơi..., hạn chế mang vác nặng, làm các động tác quá sức. Ngoài ra, cần có chế độ ăn uống hợp lý để tránh béo phì, thực hiện giảm cân nếu thừa cân, đồng thời cần có chế độ bổ sung vi chất, uống các thực phẩm bổ trợ xương khớp như Calcium, Glucosamine sulfate, vitamin D, vitamin nhóm B...

Theo bác sĩ Luyện Trung Kiên, trong đợt tiến triển của thoái hóa khớp, bệnh nhân đau nhiều cần phải dùng các biện pháp giảm đau. Tuy nhiên, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở khám chữa bệnh có uy tín, có bác sĩ chuyên ngành cơ xương khớp để được kê đơn thuốc giảm đau đúng chỉ định hoặc tiêm chống viêm nội khớp, tránh việc dùng các thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc và lạm dụng thuốc giảm đau. Thêm vào đó, y học hiện đại ngày nay đã nghiên cứu ra rất nhiều biện pháp điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân thoái hóa khớp như: Tiêm nội khớp huyết tương giàu tiểu cầu, tiêm nội khớp tế bào gốc từ mô mỡ tự thân hay phẫu thuật thay khớp (thường là khớp háng và khớp gối) trong trường hợp thoái hóa nặng và mất chức năng của khớp. Do đó, khi có những biểu hiện triệu chứng của bệnh, bệnh nhân cần được thăm khám càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ biến chứng xảy ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thoái hóa khớp gối: Nỗi ám ảnh của người cao tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.