Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phẫu thuật cận thị vẫn tái cận: Vì sao?

Bài, ảnh: Thu Trang| 19/08/2019 08:50

(HNM) - Cận thị là một trong những tật khúc xạ thường gặp ở người lớn và trẻ em, cũng là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực. Hiện nay, phẫu thuật khúc xạ đã trở nên phổ biến, giúp nhiều người bị cận không còn phải đeo kính. Thế nhưng, sau khi phẫu thuật vẫn có những trường hợp bị tái cận. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Dương, Đơn nguyên Khúc xạ mắt (Bệnh viện Mắt Hà Nội) kiểm tra cho một bệnh nhân sau khi phẫu thuật. Ảnh: Trang Thu

Không phải cứ thích là... phẫu thuật

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp nghỉ hè và trước khi bước vào năm học mới là số lượng bệnh nhân đến khám về tật khúc xạ tại Bệnh viện Mắt trung ương lại gia tăng. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện Mắt trung ương cho biết: Bệnh viện có hơn 40 phòng khám.

Vào dịp hè, trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 2.500 bệnh nhân đến khám, trong đó có khoảng 1.000 bệnh nhân khám về tật khúc xạ, chủ yếu là cận thị. Việc sử dụng kính gọng điều chỉnh tật cận thị tuy an toàn, nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ và gây bất tiện trong sinh hoạt. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân đã lựa chọn giải pháp phẫu thuật điều trị cận thị.

Gõ cụm từ “phẫu thuật điều trị cận thị”, chỉ trong 0,33 giây đã cho hơn 5,7 triệu kết quả về nội dung này. Điều đó cho thấy, nhu cầu phẫu thuật cận thị rất lớn. Song, nhiều người vẫn rất băn khoăn với phương pháp điều trị này.

Em Đặng Phương A. (22 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ về nỗi khổ phải đeo chiếc kính cận 4 đi ốp đã làm Phương A. mất tự tin khi đi xin việc. "Em rất muốn phẫu thuật cận thị để không phải đeo kính. Thế nhưng, không biết sau khi mổ, em có thể chia tay vĩnh viễn với chiếc kính cận hay không?", Phương A. băn khoăn.

Một bệnh nhân được bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Đông khám và tư vấn trước khi phẫu thuật tật khúc xạ.

Về vấn đề này, bác sĩ Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, phẫu thuật cận thị hiện có nhiều phương pháp và đều tiềm ẩn nguy cơ khi can thiệp vào mắt, như: Nhiễm trùng, bong võng mạc, khô mắt, nhìn lóa, độ cận tồn dư... Do vậy, người bệnh cần cân nhắc rất kỹ và xin tư vấn của bác sĩ trước khi lựa chọn phương pháp điều trị.

“Với bệnh cận thị, không phải cứ thích là phẫu thuật. Mổ cận thị chỉ nên đặt ra khi độ cận hai mắt lệch nhau quá 3 đi ốp, độ cận cao, nhìn lóa khi đeo kính, một số nghề nghiệp không cho phép đeo kính khi làm việc... Bởi, sau mổ vẫn có tỷ lệ nhỏ bệnh nhân bị tái cận, nhất là với những trường hợp chưa hết tiến triển cận thị hoặc người bệnh vẫn phải làm việc bằng mắt nhiều”, bác sĩ Lê Xuân Cung lưu ý.

Thời gian vừa qua, Bệnh viện Mắt Hà Nội đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ làm việc trong ngành Kiểm toán đến khám, vì bị tái cận thị lên tới 3 đi ốp, sau khi phẫu thuật tại một cơ sở y tế tư nhân. Theo bác sĩ Phạm Thị Hồng Dương, Đơn nguyên Khúc xạ mắt (Bệnh viện Mắt Hà Nội), nguyên nhân có thể sau khi phẫu thuật, bệnh nhân phải làm việc liên tục với máy tính. Ngoài ra, có những phương pháp phẫu thuật cận thị gây ra biến chứng sau mổ thường gặp là khô mắt và đó là nguyên nhân dẫn đến tái cận thị.

Thậm chí, sau mổ, có những bệnh nhân xuất hiện hiện tượng ruồi bay, nhưng đây không phải là biến chứng sau phẫu thuật, mà do vẩn đục dịch kính - một tổn thương mắt của bệnh cận thị. Tổn thương này có trước khi phẫu thuật. Do đó, trước khi quyết định phẫu thuật, bác sĩ phải kiểm tra kỹ lưỡng, tránh những trường hợp có độ cận thị cao, bị vẩn đục dịch kính, thoái hóa võng mạc, bong và rách võng mạc…

Thực hiện chế độ “20-20-20”

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 1,4 tỷ người trên thế giới mắc bệnh cận thị, tương đương 20% dân số toàn cầu. Dự báo, sau 10 năm nữa, con số này có thể là 30% và đến năm 2050, có thể 50% dân số thế giới bị cận thị.

Thậm chí, tại những nước như: Singapore, Nhật Bản…, tỷ lệ cận thị ở thanh niên lên tới 80-85%. Còn ở Việt Nam, hiện có gần 3 triệu trẻ em độ tuổi 0-15 bị mắc các tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó tỷ lệ cận thị chiếm tới 2/3, tập trung ở khu vực đô thị.

Đề cập đến thực trạng bệnh cận thị ngày càng gia tăng, bác sĩ Phạm Thị Hồng Dương cho rằng, có nhiều nguyên nhân, song các thiết bị điện tử như: Tivi, điện thoại, máy tính, máy tính bảng... là những mối liên quan nhất định. Do đó, để bảo vệ mắt, mỗi người cần thực hiện chế độ “20-20-20” theo khuyến cáo của Viện Mắt quốc gia Mỹ, tức là cứ 20 phút làm việc với máy tính, thì bạn hãy rời mắt nhìn vào thứ gì đó cách xa 20 feet (khoảng 6m) trong 20 giây để giảm căng thẳng cho mắt.

Ngoài ra, khi mắt phải nhìn gần nhiều, làm việc lâu với máy tính trong phòng điều hòa sẽ gây ra việc hạn chế chớp mắt, từ đó dẫn đến mắt bị khô, ảnh hưởng đến thị giác. Vì vậy, việc chớp mắt rất quan trọng, giúp mắt được giữ ẩm, được bảo vệ.

Còn vấn đề điều trị cận thị, theo bác sĩ Nguyễn Thu Hương, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Đông, với người dưới 18 tuổi, việc điều trị cận thị vẫn là đeo kính. Khi trên 18 tuổi, nếu có nhu cầu loại bỏ sự vướng víu của kính bằng phương pháp phẫu thuật, cần được thăm khám cẩn thận tại những bệnh viện nhãn khoa uy tín. Người bệnh chỉ nên phẫu thuật khi có độ khúc xạ ổn định trong vòng 6 tháng. Sau phẫu thuật, người bệnh cần phải lưu tâm chăm sóc mắt và thăm khám định kỳ.

"Đặc biệt, chúng ta không thể đòi hỏi một kết quả tốt, nếu không thay đổi những thói quen xấu. Việc học tập, làm việc liên tục không cho mắt nghỉ ngơi hay thức khuya nhiều, thiếu ngủ khiến mắt quá tải là nguyên nhân gây cận thị trước đây, thì cũng có thể là yếu tố gây tái cận về sau", bác sĩ Nguyễn Thu Hương khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phẫu thuật cận thị vẫn tái cận: Vì sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.