Theo dõi Báo Hànộimới trên

6 người đầu tiên được tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 thứ 2 của Việt Nam

Thu Trang| 15/03/2021 10:10

(HNMO) - Sáng 15-3, tại Trường Đại học Y Hà Nội, chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin Covivac phòng Covid-19 do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế nghiên cứu và sản xuất, đã chính thức triển khai. Đây là vắc xin phòng Covid-19 thứ hai của Việt Nam được thử nghiệm lâm sàng trên người, sau Nano Covax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi triển khai chương trình.

5 nhóm tiêm thử nghiệm trong giai đoạn 1

Theo kế hoạch, việc thử nghiệm vắc xin Covivac giai đoạn 1 được thực hiện tại Trường Đại học Y Hà Nội với 120 người khỏe mạnh tham gia. Hiện, nhóm nghiên cứu đã tuyển đủ 120 tình nguyện viên trong số hơn 1.000 người đăng ký. Theo thiết kế nghiên cứu, 120 người tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn này được chia thành 5 nhóm để tiêm với các mức liều khác nhau. Cụ thể, có 3 nhóm tiêm vắc xin không có tá chất với các mức liều gồm 1 mcg, 3 mcg, 10 mcg; 1 nhóm tiêm vắc xin mức liều 1mcg kháng nguyên S có bổ sung tá chất và 1 nhóm tiêm giả dược.

Trong sáng nay, những liều vắc xin Covivac đầu tiên được tiêm cho 6 người tình nguyện tại khu vực thử nghiệm lâm sàng của Trường Đại học Y Hà Nội. 114 người còn lại sẽ lần lượt được tiêm theo các đợt, mỗi đợt cách nhau 8 ngày, cho đến ngày 20-4. Theo lịch trình nghiên cứu, mỗi đợt sẽ tổ chức tiêm thử nghiệm cho từ 12-18 người/ngày. Dự kiến, nhóm nghiên cứu sẽ hoàn thành báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 vào tháng 7-2021.

Sau khi tiêm mũi đầu tiên, các tình nguyện viên được lưu lại tại khu vực thử nghiệm lâm sàng trong vòng 24 giờ để các bác sĩ tiếp tục theo dõi, phát hiện, xử trí kịp thời và ghi nhận lại các biến cố bất lợi nếu xảy ra.

Một trong 6 người tiêm thử nghiệm đầu tiên vắc xin Covivac trong sáng 15-3.

Mũi tiêm thứ hai sẽ được tiêm sau mũi thứ nhất 28 ngày. Sau khi tiêm 8 ngày, tình nguyện sẽ được mời đến để khám sức khỏe, ghi nhận các biến cố bất lợi xảy ra và lấy máu xét nghiệm công thức máu, men gan và chức năng thận. Trong suốt quá trình nghiên cứu, các tình nguyện viên sẽ được theo dõi sức khỏe qua điện thoại và mời đến thăm khám 7 lần còn lại theo lịch trình nghiên cứu để đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin.

Sau khi có báo cáo kết quả giữa kỳ và cuối kỳ của giai đoạn 1, nếu vắc xin Covivac đạt các tiêu chuẩn về an toàn và tạo được miễn dịch có khả năng phòng bệnh, trên cơ sở được Bộ Y tế phê duyệt, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với cỡ mẫu lớn hơn tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình - một cơ sở y tế đã được Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương lựa chọn và tổ chức triển khai thử nghiệm lâm sàng nhiều vắc xin trước đây.

Nghiên cứu vắc xin với nhiều biến chủng

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng Covid-19 "Made in Vietnam".

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại chương trình.

"Tôi đề nghị các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật triển khai thử nghiệm lâm sàng vắc xin và theo dõi chặt chẽ sau tiêm đối với các tình nguyện viên. Bộ Y tế sẽ chỉ đạo và tổ chức đoàn công tác giám sát toàn bộ quy trình triển khai nghiên cứu và xem xét kết quả giữa kỳ thử nghiệm giai đoạn 1 để phê duyệt việc triển khai giai đoạn 2, nhằm bảo đảm an toàn cho các tình nguyện viên tham gia", Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi trước thông tin cho rằng, công nghệ sản xuất vắc xin của Covivac tương đồng với vắc xin AstraZeneca, ông Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) cho rằng, 2 vắc xin này cùng sử dụng công nghệ véc tơ. Tuy nhiên, hai vắc xin sử dụng giá thể khác nhau. Covivac sử dụng công nghệ trứng gà có phôi, vắc xin của AstraZeneca sử dụng công nghệ nuôi cấy tế bào.

Theo tính toán, mỗi liều vắc xin Covivac có giá không quá 60.000 đồng. Kết quả đánh giá bước đầu trên động vật thí nghiệm tại Mỹ cho thấy, vắc xin này có hiệu quả với biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 ở Anh và Nam Phi. Nhóm nghiên cứu vắc xin Covivac cũng đang nghiên cứu kháng thể với các chủng khác của vi rút này.

Để cài đặt Bluezone trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
6 người đầu tiên được tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 thứ 2 của Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.